KÝ ỨC THỜI DI DÂN
Như nhiều anh em dân tộc khác, đồng bào Tày, Nùng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang… sống tập trung ở vùng rừng núi. Sống giữa đại ngàn, đôi chân trần của họ đã quen với những chuyến đi để kiếm tìm vùng đất mới an cư lập nghiệp. Và với họ ký ức về hành trình vượt hàng ngàn kilômét để lập nghiệp trên quê hương Bình Phước là câu chuyện dài...
NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG
Cách đây gần 30 năm, thôn 9, xã Thống Nhất (Bù Đăng) chỉ có vài nóc nhà của đồng bào dân tộc bản địa nằm heo hút giữa cánh rừng già. Từ vài nóc nhà đơn sơ ban đầu, thôn 9 giờ đã có 400 hộ, 1.600 người, trong đó 70% là đồng bào Tày, Nùng. Những ngôi nhà mái Thái khang trang, sạch đẹp trị giá hàng trăm triệu đồng đã mọc lên cùng với các tiện nghi đắt tiền. Nhiều xe máy, ôtô chạy bon bon trên đường làng được bê tông, sạch đẹp. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm từ con số “0” tròn trĩnh, nay đã hiện diện trong các khu dân cư. Nhưng những hoài niệm về một thời gian khổ vẫn là một phần ký ức không thể quên đối với những người đầu tiên di cư tự do về đây lập nghiệp.
Các ban, ngành, đoàn thể xã Tân Tiến và huyện Bù Đốp tham quan mô hình phát triển kinh tế hộ ông Nông Văn Kháng, dân tộc Nùng, thôn Tân Phước, xã Tân Tiến
Bà Trần Thị Luận (1966), dân tộc Tày là một trong những người tiên phong vào lập nghiệp tại xã Thống Nhất. Bà Luận kể, hồi đó cuộc sống ở quê rất khó khăn, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc nên năm 1992, vợ chồng bà cùng 3 đứa con bán cả gia tài ở Cao Bằng được 2 triệu đồng rồi dắt díu nhau đi tìm miền đất hứa. Đặt chân lên đất Bình Phước, tài sản của gia đình bà chỉ còn 1,6 triệu đồng làm vốn. “Thời đó, khu vực này không có đường, xung quanh là rừng rậm và cỏ tranh, đi cả cây số mới gặp một ngôi nhà của đồng bào bản địa. Tôi và chồng vào rừng cưa gỗ dựng nhà, chặt lồ ô mang đi đổi gạo, các cháu còn nhỏ cũng phải theo người lớn vào rừng hái măng, rau rừng để sống qua ngày. Vừa bám rừng để sống, vợ chồng tôi tranh thủ trồng bắp, lúa, khoai để chủ động nguồn lương thực hằng ngày” - bà Luận nói.
Cuộc sống giờ đây đã đủ đầy hơn so với trước nhưng mỗi lần nhắc về những ngày đầu di dân, anh Hoàng Văn Hành (1971), dân tộc Nùng, ngụ xóm Bàu Cam, ấp 8, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) vẫn nhớ rõ. Anh Hành cho biết. Năm 1988, ông chú cùng quê Cao Bằng là bộ đội từng đóng quân ở Bình Phước thấy khu vực Bàu Cam đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, trong khi ở quê đất đai cằn cỗi lại nhiều đồi núi nên viết thư kêu mấy anh em vào lập nghiệp. Cuối năm 1988, tôi và 11 hộ đặt chân lên vùng đất Bàu Cam. Thời đó, Bàu Cam toàn là rừng, thi thoảng gặp một vài vạt đất trống do đồng bào bản địa phát rừng làm rẫy, sau vài mùa đất cằn họ bỏ đi để cỏ tranh mọc um tùm.
Vào Bình Phước từ năm 1987, anh Nông Văn Kháng (1971), dân tộc Nùng, quê Cao Bằng chọn thôn Tân Phước, xã Tân Tiến (Bù Đốp) để lập nghiệp. “Thời đó, lao động dựa vào sức người là chính, làm gì có máy phát hay thuốc diệt cỏ như bây giờ. Đất đai còn nhiều, canh tác một vài năm nếu không hiệu quả sẽ bỏ đi để tìm vùng đất khác” - anh Kháng chia sẻ. Từ một vài người tiên phong, chỉ ít năm sau, hàng ngàn hộ đồng bào Tày, Nùng đã di cư đến Bình Phước tìm kế mưu sinh.
Gồng mình chống sốt rét
Những ngày đầu ở vùng đất mới, cơm bữa đói bữa no, rau rừng là nguồn thực phẩm chính. Do đất đai cằn cỗi, chưa được cải tạo, lại thiếu phân bón, chưa có kiến thức khoa học - kỹ thuật nên mùa màng thất thu. Người dân chỉ biết bám rừng để vượt qua những ngày gian khó.
“Ngay sau khi đặt chân lên Bình Phước, mấy anh em vào rừng chặt gỗ làm lán. Hằng ngày vừa tranh thủ đi kiếm củ mài, rau nhíp, măng rừng để cải thiện bữa ăn vừa tích cực trồng hoa màu. Tuy nhiên, mọi khó khăn, vất vả chưa phải là điều đáng sợ nhất lúc bấy giờ. Điều mọi người không lường trước được là bệnh sốt rét hoành hành. Suốt ngày bám rừng, lại sống trong môi trường có điều kiện khí hậu khác xa miền Bắc thiếu nguồn nước khiến nhiều người chưa kịp thích nghi. Bản thân tôi bị bệnh sốt rét hành nhiều lần. Đã vài lần tôi muốn bỏ về quê nhưng rồi được anh em, bạn bè động viên nên quyết bám đất, bám rừng nên mới có được như ngày hôm nay” - anh Hoàng Văn Hành chia sẻ.
Sốt rét hoành hành thường xuyên nhưng lúc bấy giờ phương tiện, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở y tế ở xa và còn thiếu điều kiện phục vụ nên nhiều người đã phải bỏ mạng vì sốt rét. “Ngày đó, trạm xá ở tận ngoài huyện, phương tiện đi lại không có, đường sá cách trở, tôi đã 3 lần suýt chết vì sốt rét. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, suốt ngày phải theo người lớn đi rừng nên cũng bị sốt rét hành” - bà Trần Thị Luận nhớ lại.
Xa gia đình nên những thanh niên mười tám đôi mươi luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương. Đã thế cơm ăn còn không no, mặc không đủ ấm, sốt rét triền miên khiến nhiều người phải gác lại giấc mơ làm giàu trên vùng đất hứa, trở về quê sinh sống.
TÌNH NGƯỜI TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI
Phần lớn di cư đến Bình Phước là những gia đình trẻ, hộ khó khăn, trình độ học vấn thấp, thiếu kế hoạch nên cuộc sống ban đầu gặp muôn vàn khó khăn. Trong gian nan ấy, họ đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của những người anh em dân tộc S’tiêng thật thà, chất phác.
Cụ Điểu Dân, dân tộc S’tiêng, thôn 10, xã Thống Nhất (Bù Đăng) có nhiều ân tình với đồng bào Tày, Nùng những ngày đầu đến xã lập nghiệp
Chúng tôi tìm về thôn 10, xã Thống Nhất để gặp cụ Điểu Dân, người có nhiều ân tình với đồng bào Tày, Nùng ở vùng đất này. Cách trụ sở UBND xã khoảng 4km nhưng để đến được nhà cụ phải vượt qua quả đồi quanh co, rất dốc. Ngôi nhà của cụ bên bờ suối, trong nhà còn lưu giữ nhiều vật dụng quý giá của cha ông để lại như xà lung, tố, gùi... Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ Điểu Dân cho biết, bản thân sinh ra, lớn lên rồi theo cách mạng tại cánh rừng này. Trước đây, cả khu rừng rộng lớn chỉ có vài hộ đồng bào S’tiêng sinh sống. Sau này, một số gia đình từ Bắc vào lập nghiệp, họ không có nhà ở, không đất sản xuất, sống chủ yếu dựa vào rừng. Thấy họ khó khăn, gia đình cụ đã nhường đất, hỗ trợ để họ phát rẫy làm kinh tế. Với những người không vốn, không nghề nghiệp, cụ tạo điều kiện cho họ làm công, nuôi ăn, ở, sau này còn cho đất để họ phát triển sản xuất.
Là người được gia đình cụ Điểu Dân giúp đỡ từ ngày đầu lập nghiệp, bà Luận cho biết: “Cụ Điểu Dân đã cho gia đình tôi 1 ha đất sản xuất gần lán trại của gia đình. Vợ chồng tôi trồng lúa, hoa màu lấy lương thực hằng ngày. Nhờ đó, chúng tôi mới vượt qua được giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống”. “Tình làng nghĩa xóm đã giúp chúng tôi dần ổn định cuộc sống. Hộ vào trước giúp hộ vào sau, người cho vay lúa, người giúp ký khoai, củ sắn. Chúng tôi là những người vào lập nghiệp không vốn liếng nếu không đoàn kết sẽ không vượt qua được” - anh Hoàng Văn Hành chia sẻ thêm.
Theo thống kê, đến cuối năm 2017, dân số Bình Phước 962.482 người với 41 thành phần dân tộc sinh sống. Trong đó, có 193.860 người dân tộc thiểu số, chiếm 20,14% dân số toàn tỉnh. Trong tổng số đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Phước thì người S’tiêng đông nhất với gần 90 ngàn người, xếp thứ hai, thứ ba lần lượt là người Tày với 30.560 người, dân tộc Nùng 25.423 người.
Cuộc sống di dân với muôn vàn khó khăn nhưng tình người trên vùng đất mới và cả sự đoàn kết chung lòng đã giúp họ an cư lạc nghiệp, gắn bó với vùng đất đỏ đầy tiềm năng..
X.Túc - V.Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065