Trong quan niệm đạo Phật, con trâu là một trong những linh thú. Nhiều đình, chùa ở nước ta đã chạm khắc và tạc tượng trâu. Các di chỉ khảo cổ học tìm thấy ở di chỉ Đình Chàng, chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh) có nhiều tượng trâu bằng đá. Đến thời nhà Lý, ở chùa Phật Tích (1057) thuộc Bắc Ninh có tạc cặp tượng trâu ngự trên đài hoa sen trước sân chùa. Đến thời Lê Trung Hưng, trong trào lưu phát triển mạnh nghệ thuật làng xã với các đình chùa, miếu mạo thì con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến như chùa Bút Tháp (1647) ở Bắc Ninh, tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi. Ở tấm bia đá chùa Cảnh Phúc (1695) tại Nam Định cũng có hình chạm con trâu đang nằm nghỉ.
Với cư dân nông nghiệp xưa, con trâu là cả khối tài sản, người bạn thủy chung, gắn bó với con người từ hàng ngàn năm: “Trâu chết để da, người chết để tiếng”. Cũng giống như cây tre gắn bó với con đường làng, mảnh vườn, góc sân của mỗi gia đình, mỗi làng quê Việt Nam.
Từ xa xưa, các tộc người trên khắp dải đất Nam Trường Sơn đã sùng bái, tôn thờ một hay nhiều con vật. Với họ, con vật được tôn thờ rất gần gũi, gắn bó mật thiết và có vai trò quan trọng trong cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày và cả ý nghĩa tâm linh. Việc tôn sùng này là một hình thức thờ vật tổ. Nếu như người Tày coi con trâu là “bà tổ”, người Mông coi trâu là “hồn trâu”, thì người Xêtiêng coi con trâu là “sứ giả”. Đây chính là con vật quan trọng nhất, biểu tượng của tài sản, địa vị xã hội, lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu của họ.
Lễ hội Đâm trâu - nét đẹp truyền thống của đồng bào Xêtiêng Bình Phước
Sống trong điều kiện đồi núi bao phủ, nền kinh tế mang nặng tính tự cung tự cấp nên đồng bào Xêtiêng ở Bình Phước coi con trâu là hình ảnh thiêng liêng nối kết ước vọng của đồng bào với thế giới tâm linh. Một khi mất mùa hay dịch bệnh cũng như khi mùa màng bội thu thì họ đều cầu khấn thần linh để xin hoặc tạ ơn.
Trâu là con vật dùng để hiến tế nên người Xêtiêng thường tổ chức lễ hội đâm trâu trong các dịp lễ, hội như lập làng, lên nhà lúa, mừng lúa mới, cưới xin... Lễ hội đâm trâu là hoạt động văn hóa tiêu biểu có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân, từ lâu đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Xêtiêng. Đây chính là dịp mà mọi người trong làng chung vui, chia sẻ, thăm hỏi nhau thông qua các hoạt động ý nghĩa như: Múa cồng chiêng, giã gạo, trao cho nhau những ống rượu cần... Thông qua lễ hội đâm trâu, người Xêtiêng muốn báo lên các vị thần (Yang Liêng, Park) về công việc làm ăn, sức khỏe của cả làng và mong các vị thần sẽ phù hộ, giúp đỡ cho người trong làng có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Theo quan niệm của họ, khi con người chết đi, trâu là vật chở linh hồn về thế giới bên kia. Vì vậy khi làm nhà mồ phải làm lễ đâm trâu. Đây cũng là tài sản cuối cùng mà người chết nhận được từ người sống.
Ngày nay, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã tác động mạnh mẽ đến muôn mặt của đời sống. Tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày càng ít dần hình ảnh con trâu, nhưng chắc chắn, con vật này chưa hết vai trò lịch sử và đã, đang, vẫn là nhân tố cơ bản trong văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đình Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065