THIẾU NHÂN CÔNG DO ẢNH HƯỞNG THỜI TIẾT
Đến Hớn Quản, chúng tôi thấy phần lớn các nhà vườn trồng tiêu đều than khan hiếm nhân công. Nguyên nhân là do năm nay thời tiết bất thường, cao su rụng lá muộn nên công nhân vẫn chưa hết việc trên vườn cây. Trong khi đây là lực lượng chính hái tiêu của gia đình và hái thuê. Thêm vào đó, lao động trẻ, lao động là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số đã có công việc ổn định tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Văn Ngoạn lo lắng tiêu đã chín đỏ cây vẫn chưa thuê được công hái
Ông Nhữ Đình Xuyên ở ấp Sóc Rul, xã An Phú có khoảng 600 nọc tiêu, ước thu hoạch khoảng 1 tấn. Với sản lượng như vậy, ông cần 100 công hái cho cả mùa vụ. Thế nhưng, khác với mọi năm, lao động thời vụ là lực lượng thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tự tìm đến gia đình ông để xin việc thì năm nay, dù đã thuê công hái tiêu từ nửa tháng trước nhưng vẫn chưa tìm được người. Tiêu chín, có số đỏ rực cây, gặp nắng khô đen lại và rụng quanh gốc. Nhà neo người, các con đi làm xa, vợ chồng ông thay nhau người hái, người lượm. Trong khi “đỏ mắt” tìm nhân công không có, song vợ chồng ông lại không dám tăng tiền công, vì sợ những người trồng tiêu khác phải tăng theo, vô tình đẩy giá thuê nhân công lên cao. Nguyên nhân được vợ chồng ông xác định do tiêu của gia đình thiếu nước dẫn đến ra trái muộn so với vườn tiêu của các hộ trong khu vực nên đến độ thu hoạch, nhân công “ruột” của gia đình đã nhận công cho các chủ vườn khác.
Hộ ông Bùi Văn Ngoạn ở ấp Bình Phú, xã An Phú cũng “đỏ mắt” tìm nhân công. Có hơn 1.000 nọc tiêu 16 năm, cao bình quân 6m/nọc (nọc sống), ông Ngoạn phải đứng lên trên đỉnh thang (4,5m) để hái. Những trụ cao với không tới, ông đành để chín rụng xuống đất rồi lượm. Với sản lượng ước tính 2 tấn tiêu, năm trước ông có 10 nhân công hái mỗi ngày nhưng năm nay chỉ thuê được 2-3 người vì “mối ruột” mọi năm hái cho gia đình hiện vẫn còn bận thu dọn lô cao su. “Thời điểm này năm trước tôi đã thu hoạch xong. Còn năm nay dù đã kêu công từ mồng 6 tết vẫn không có người làm nên hiện chỉ thu hoạch được một nửa” - ông Ngoạn nói.
Cùng nhận định tình trạng khan hiếm nhân công hái tiêu thuê, Trưởng ấp Sóc Rul Đỗ Thị Chàn và Chủ tịch UBND xã Thanh An Lê Thái Cảnh cho biết, khan hiếm nhân công hái tiêu diễn ra vào thời điểm sau tết Nguyên đán do công nhân cao su chưa được nghỉ cạo. Đến nay, công nhân cao su cơ bản đã được nghỉ, chỉ còn một số việc thu dọn lô. Thời gian tới, việc thuê nhân công bớt khó khăn hơn vì lực lượng công nhân cao su hết việc trên vườn cây, tập trung đi hái tiêu thuê.
GIẢI PHÁP TÌNH THẾ CỦA NHÀ VƯỜN
Hộ ông Phan Văn Lịch ở ấp An Hòa, xã Thanh An có khoảng 800 nọc tiêu đang cho thu hoạch, cần khoảng 200 công hái cho cả mùa vụ. Thế nhưng không thuê được công, ông đành huy động con trai, con dâu làm công chức nhà nước, rủ thêm bạn bè cùng cơ quan tranh thủ ngày nghỉ về phụ hái tiêu. Hộ ông Đỗ Văn Nam ở cạnh nhà ông Lịch, có khoảng 400 nọc tiêu đang cho thu hoạch. Vợ chồng đều bận, không thuê được công nên khi tiêu chín rực cây mới huy động được con gái và bạn bè về hái tiêu. Ở Thanh An, xót tiêu rụng nên các chủ vườn đã trả tiền nhân công cao hơn 10 ngàn đồng/ngày so với các khu vực khác mà nhiều nhà vườn vẫn không thuê được người, trong khi giá thuê đã 150-160 ngàn đồng/người/ngày.
Gia đình ông Ngoạn làm ngày không hết, vợ ông tranh thủ rọi đèn để lượm tiêu rụng, tiêu lép vào ban đêm. “Thời tiết bất thường, chỉ một cơn mưa là tiêu chín rụng và bị vùi trong đất. Một số hộ đã nghĩ đến cách trải bạt hứng tiêu rụng. Song như vậy thì chất lượng tiêu giảm nhiều, đặc biệt là những hộ có ký hợp đồng với các công ty xuất khẩu sẽ khó bán” - ông Ngoạn cho biết thêm.
Còn giải pháp của ông Nhữ Đình Xuyên để chống thất thoát khi tiêu rụng xuống đất là ban ngày vợ ông một mình khiêng thang cao 5m để hái lựa tiêu chín đỏ trước, còn ông đi lượm số tiêu đã chín rụng, ban đêm rọi đèn tranh thủ tưới để cây có sức nuôi trái. Ông Xuyên cho biết: “Bao nhiêu năm trồng tiêu chưa năm nào mà cả vợ lẫn chồng phải rọi đèn lượm tiêu vào ban đêm như năm nay. Năm ngoái thời điểm này vụ tiêu đã gần kết thúc. Rút kinh nghiệm năm sau tôi phải thuê nhân công sớm chứ không để bị động như vậy”.
Hồng Cúc - Thanh Mai
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065