Về Hòn Nẹ hôm nay, chúng ta lại nhớ đến bài thơ Mẹ Tơm của nhà thơ Tố Hữu với những câu: “Hòn Nẹ ta ơi, mảng về chưa đó/Có nhiều không con nục, con thu?.../... Bãi cát vàng thau in bóng mẹ/Chiều về, Hòn Nẹ... biển reo quanh...”.
BIỂN ĐẢO HÒN NẸ
Vùng biển Hòn Nẹ là nơi tụ họp của nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Thiên nhiên và lịch sử đã đem lại cho nơi đây thắng cảnh sơn thủy hữu tình, gắn với một vùng quê đầy ắp huyền thoại, cổ tích và những ngày hội làng. Với vị trí địa lý tự nhiên hiếm có, trong điều kiện phát triển của nền kinh tế mở, khu vực biển đảo này còn tiềm ẩn khả năng dồi dào về du lịch biển đảo, sinh thái và khám phá thiên nhiên. Được sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, với ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, người dân Hòn Nẹ đang đóng những con tàu vỏ sắt và trang bị mạng lưới thông tin hiện đại để vượt sóng ra khơi bám biển dài ngày, đánh bắt thủy sản phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ biển trời, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hòn đảo đẹp nhất ở Thanh Hóa- đảo Hòn Nẹ - Ảnh: dulichkhatvongviet.com
Đảo Hòn Nẹ có diện tích không lớn (khoảng 1km2). Theo truyền thuyết của người dân vùng Hậu Lộc lưu truyền, Hòn Nẹ được coi là con của núi Sỏi và núi Chúa và là mẹ của núi Bần. Nơi đây còn gắn liền với giá trị lịch sử văn hóa lâu đời, đó là tục thờ cá voi (ông Nam Hải). Lễ cầu ngư được tổ chức trên đảo hằng năm với những nghi thức thành kính, trang trọng của ngư dân nơi đây. Tại đảo Hòn Nẹ người ta xây dựng một ngôi đền thờ thủy thần. Trong những dịp lễ, tết, đầu xuân năm mới chuẩn bị cho một mùa vươn khơi, ngư dân đều sắm lễ vật ra đảo thắp hương trình báo với thần, cầu mong sự che chở và trời yên biển lặng, làm ăn may mắn.
THÀNH TÍCH TRONG KHÁNG CHIẾN
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vùng biển này là một trong những đầu mối giao thông vào Nam ra Bắc và là điểm tựa chiến đấu của hải quân ta. Hòn Nẹ vừa là vị trí quân sự tiền tiêu mặt đông của huyện Hậu Lộc vừa là cột mốc chỉ đường cho tàu thuyền đánh cá ngoài khơi tìm về đúng bến, đồng thời là nơi trú ẩn an toàn cho thuyền bè khi có sóng to gió lớn. Những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8-1964, đế quốc Mỹ liên tục có những hoạt động khiêu khích miền Bắc nước ta, nhất là các tỉnh khu 4 và Thanh Hóa. Trong khi đang cho máy bay bắn phá một số điểm ở phía tây tỉnh Nghệ An, tàu Ma Đốc của Mỹ được lệnh tiến sâu vào vịnh Bắc bộ để tuần tiễu, thu thập tin tức tình báo về các trạm ra đa và trận địa phòng thủ của ta. Hầu như bờ biển Thanh Hóa từ đảo Hòn Nẹ đến Hòn Mê trong thời gian này, ngày nào cũng có tàu tuần tiễu của địch hoạt động. Các chiến sĩ hải quân đã chọn Hòn Nẹ làm nơi phục kích để đánh đuổi sự khiêu khích, vi phạm chủ quyền của tàu khu trục Ma Đốc.
Thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, chúng cho máy bay ném bom dữ dội xuống đảo Hòn Nẹ. Quân ta trên đảo lúc ấy chưa đủ một đại đội, vũ khí ít nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường đã chiến thắng những cỗ máy quân sự hiện đại của Mỹ. Đơn vị đảo Hòn Nẹ đã bắn cháy 1 máy bay, 1 tàu chiến của Mỹ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065