Có lẽ con số này đã làm cho nghị trường Quốc hội vốn đã “nóng” với vấn đề an toàn thực phẩm, nay càng nóng hơn. Không “nóng” sao được khi con số 686.000 người chết/năm bằng một nửa số dân của một tỉnh ở mức trung bình và xấp xỉ bằng 2/3 số dân tỉnh Bình Phước!
Vì sao thực phẩm - là thứ nuôi sống con người - nay lại đe dọa sức khỏe và là nguyên nhân dẫn tới cái chết của hàng trăm ngàn người mỗi năm như thế? Vì sao trước khi ăn, nhiều người phải tự nhủ chính mình bằng câu thần chú “ăn cũng chết, không ăn cũng chết” hoặc “không ăn thì chết trước, ăn sẽ chết từ từ”. Có quốc gia nào trên thế giới thực phẩm lại bị xem là “đồng minh thân cận” với tử thần như ở nước ta?
Xin chưa đề cập đến khía cạnh văn hóa - khi có một bộ phận người dân đã bất chấp sức khỏe, tính mạng của cộng đồng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Ở góc độ quản lý nhà nước có quá nhiều bất cập trong lĩnh vực này, thậm chí còn tạo nên sự bức xúc trong xã hội. Đầu tiên là vấn đề quản lý nhập khẩu và quản lý thị trường các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất tăng trưởng, sản xuất - kinh doanh và buôn gian bán lận, đội lốt nhãn mác... Tại buổi thảo luận về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết: “Trong số khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu hằng năm vào Việt Nam, có đến 90% là từ Trung Quốc. Trong khi số lượng nhập qua đường tiểu ngạch, nhập lậu thì không thể kiểm soát”. Nói tới hàng hóa Trung Quốc, người tiêu dùng trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam đã sợ hãi về chất lượng sản phẩm của họ. Huống chi, đây là thuốc bảo vệ thực vật, là hóa chất...
Tiếp đến là bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này không hiệu quả. Điển hình là từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều có ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, nhưng thực phẩm không an toàn vẫn tràn lan, thậm chí không muốn nói là phổ biến và chiếm lĩnh thị trường so với “loe ngoe” một vài tấm biển “điểm bán thực phẩm an toàn”. Đó là chưa nói đến tình trạng khi có “ông này” đi kiểm tra thì có “bà kia” điện báo cho biết trước để chủ cơ sở sản xuất - doanh nghiệp đối phó với các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm, thậm chí chính những đoàn kiểm tra còn bị mua chuộc.
Ở góc độ khác là sự chồng chéo trong quản lý, dẫn tới làm gì cũng phải “liên ngành”, mà liên nhiều ngành thì chẳng ngành nào chịu trách nhiệm sau cùng. Trong khi đó, chế tài xử lý cơ quan chức năng khi kiểm tra an toàn thực phẩm đến nay chưa có. Điển hình như dù các kết quả thanh tra, kiểm tra đều “an toàn”, nhưng ngộ độc thực phẩm vẫn thường xuyên xảy ra mà không có ai phải chịu trách nhiệm. Thực phẩm mất an toàn tràn lan trên thị trường cũng không có ai phải chịu trách nhiệm...
“Chúng ta đang tự đầu độc chính mình” - đại biểu Phạm Trọng Nhân đã bức xúc phát biểu như vậy tại buổi thảo luận về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Nhưng không chỉ chúng ta đang tự đầu độc chính mình mà còn đầu độc con em, giống nòi, tương lai của dân tộc.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065