Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân 3 nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em, bạn bè quốc tế. Chiến công đó tô thắm thêm truyền thống vẻ vang “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên (7-5-1954 - 7-5-2014), trong ngày đầu xuân mới Giáp Ngọ, chúng tôi đã đến thăm, hỏi chuyện một số “Chiến sĩ Điện Biên” hiện đang sinh sống và cư ngụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Họ là những người lính đã trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ. Người “trẻ nhất” trong số hơn một trăm chiến sĩ Điện Biên ở Bình Phước tuổi đời cũng đã ngoài 70 và hầu hết đã qua tuổi 80.
“KHÔNG ĐƯỢC ĐÁNH ĐỊCH LÀ BUỒN LẮM” !
Đó là tâm sự trong chuỗi hồi ức về những ngày tháng khi còn là chiến sĩ tham gia chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ của cựu chiến binh, trung úy Nguyễn Ngọc Thanh. Ông Thanh sinh năm 1930 ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, vào Đảng năm 1960, hiện ngụ tại khu phố Tân Xuân, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài. Trung úy Nguyễn Ngọc Thanh là một trong những chiến sĩ đã tham gia chiến đấu trong trận Điện Biên Phủ cho đến ngày thắng lợi.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh
Ông nhập ngũ năm 1949, thuộc Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304). Từ năm 1949 đến ngày giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ, ông cùng đơn vị tham gia chiến đấu liên tục, từ mặt trận ở Phú Thọ, sau đó cùng đơn vị sang giúp nước bạn chiến đấu ở Sầm Nưa (Thượng Lào), rồi Cánh đồng Chum... Tháng 12-1953, đơn vị ông được lệnh hành quân về mặt trận Điện Biên và đánh địch hướng Hồng Cúm. Đây là mũi tiến quân có Tiểu đoàn 48 là đơn vị chủ công đánh địch, ông Thanh phụ trách ĐKZ nên được bổ sung vào tiểu đoàn này.
Nhớ lại những ngày trên mặt trận Hồng Cúm, ông Thanh kể: Hồi ấy vũ khí của quân đội ta còn nghèo lắm; lương thực, thực phẩm hằng ngày của bộ đội chỉ là nắm cơm vắt nên ai cũng đói. Trong khi đó địch thả dù vũ khí, lương thực, thực phẩm xuống cứ điểm Điện Biên tiếp tế, nhưng máy bay lại sợ bị pháo ta bắn nên chúng ném lung tung, cứ thế quân ta lấy được lương khô, súng đạn của chúng để trang bị cho mình. “Trên mặt trận, ngày nào không được chỉ huy cho đánh địch là buồn lắm. Bộ đội ta ai cũng thích đánh giặc, khí thế ngút trời! Chính vì vậy, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiều ngày 7-5-1954, quân ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Điện Biên. Tướng Đờ Cát và hàng ngàn binh lính địch lũ lượt kéo cờ trắng ra hàng. Niềm vui của những người lính thật không thể nào tả nổi” ông Thanh nói.
Là một trong những người lính trực tiếp chiến đấu, ông Thanh được Bác Hồ tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” cùng một chiếc ca đựng nước và một bộ quần áo. Đây là những phần thưởng trong dịp lễ khao quân sau ngày chiến thắng Điện Biên.
NHỚ MÃI NHỮNG ĐỒNG ĐỘI ĐÃ HY SINH
Trò chuyện với chúng tôi, chiến sĩ Điện Biên năm xưa - trung úy Từ Hữu Quế lặng đi trong giây lát rồi nói: “Tôi nhớ mãi trận đánh có nhiều đồng chí đã hy sinh”. Ông Quế quê ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hiện ngụ tại khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài), năm nay đã 83 tuổi và có 60 năm tuổi đảng. Kể về thời kỳ trong quân ngũ, đặc biệt là những ngày tháng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đôi mắt ông sáng lên, giọng kể hào hứng như sống lại thời trai trẻ và có lúc lại chùng xuống khi nói về sự hy sinh của đồng đội.
Ông Từ Hữu Quế
Ông Từ Hữu Quế nhập ngũ tháng 3-1949, đến năm 1951 xuất ngũ, năm 1952 lại tái ngũ thuộc Đại đội 83, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Tháng 11-1953, đơn vị ông được lệnh lên mặt trận Điện Biên và tham gia chiến đấu ở khu Đông (Đồi A1, C1). Ông Quế nhớ lại: “Ngày 1-4-1954, quân ta mở chiến dịch đợt 2, tiểu đoàn tôi được lệnh đánh vào đồi C1. Khoảng 4 giờ chiều, trời mưa lớn, giao thông hào ngập nước, 7 giờ tối đơn vị được lệnh xuất kích. Mãi đến 3 giờ sáng quần nhau với giặc, quân ta mới hoàn thành đột phá khẩu và tiến thẳng lên sở chỉ huy địch trên đồi C1. Đến ngày 10-4, địch tăng viện và chiếm lại được đồi C1. Đêm 10-4, tiểu đoàn trưởng của tôi là đồng chí Thiết bảo còn 3 điếu thuốc lào, chia nhau hút thì ngay sau đó bị pháo của địch tập kích làm 9 đồng chí hy sinh tại chỗ. Cũng trong đêm đó đại đội và tiểu đoàn của tôi bị thương vong khá nặng nề. Cả đại đội chỉ còn 9 người, tôi cũng bị thương và được đưa về tuyến sau”.
BÀI HỌC LỊCH SỬ CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ
Những chiến sĩ Điện Biên năm xưa trực tiếp tham gia chiến đấu như ông Thanh, ông Quế ở tỉnh Bình Phước tuy không còn nhiều. Trên ngực áo họ lấp lánh huy hiệu cựu chiến binh, “Chiến sĩ Điện Biên”, những huân, huy chương... Đó là những người “Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/ Chí không mòn!” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu). Gần 60 năm đi qua, trong lòng mỗi chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn nhớ mãi những tháng ngày được sống, chiến đấu để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Theo số liệu thống kê của Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước: Hiện toàn tỉnh có 465 người tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; trong đó có 102 cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên. Thị xã Đồng Xoài có 10 chiến sĩ Điện Biên, thị xã Phước Long 6, thị xã Bình Long 18, huyện Đồng Phú 9, huyện Hớn Quản 10, Lộc Ninh 5 đồng chí, Bù Đốp 5, Bù Đăng 6, Chơn Thành 4 và nhiều nhất là huyện Bù Gia Mập có 29 chiến sĩ Điện Biên.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Chiến thắng này “là đòn chí mạng” đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Gần 60 năm đã trôi qua kể từ ngày quân, dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, mà trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Đồng Xoài 12-2013
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065