BPO - Ngày 8-8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo quốc tế “Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại”. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tới dự. Đã có gần 200 tham luận của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế gửi đến hội thảo, nhằm làm sáng rõ thêm cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo của Đại thi hào Nguyễn Du.
Đồng chí Đinh Thế Huynh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự hội thảo
Một phần tinh hoa văn hóa nhân loại
Ngày 25-10-2013, tại Pa-ri (Pháp), kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 37 đã ra Nghị quyết vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam và các danh nhân văn hóa của các quốc gia khác trên phạm vi toàn cầu trong hai năm 2014-2015. Hội thảo lần này là một trong những hoạt động kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) và hưởng ứng nghị quyết nêu trên của UNESCO.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại. Đồng chí Đinh Thế Huynh mong muốn các nhà khoa học phát huy trí tuệ, tập trung khám phá, làm sáng tỏ những giá trị to lớn trong di sản văn hóa của Nguyễn Du. Đặc biệt, có những kiến giải mới về chiều sâu tư tưởng, giá trị nhân đạo và tinh thần khoan dung văn hóa, khát vọng tự do, cắt nghĩa sâu hơn những thăng hoa nghệ thuật thiên tài và tính dự báo sâu xa của Nguyễn Du từ tầm nhìn hiện đại và nhãn quan khoa học liên ngành, chuyên ngành.
Điều đáng chú ý của hội thảo lần này, thay vì trình bày lần lượt các tham luận, sau mỗi tham luận diễn ra phần tranh luận về các vấn đề vừa được nêu ra, để thống nhất một số vấn đề còn gây tranh cãi. Các tham luận của các chuyên gia đầu ngành từ nhiều lĩnh vực tập trung ở hai mảng chính: Cuộc đời, di sản của Nguyễn Du-nhìn từ trong và ngoài quốc gia và “Truyện Kiều”-những phương thức diễn dịch và chuyển hóa. Ngoài việc khẳng định lại giá trị bất hủ các tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du, nhất là kiệt tác “Truyện Kiều”, đã có nhiều vấn đề mang tính gợi mở được đưa ra như Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” ở thời điểm nào, sẽ tiếp tục được các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm; hoặc là những kiến giải mới từ góc nhìn khác nhau như từ triết học bàn về chữ “tài” trong “Truyện Kiều”.
Với tấm lòng yêu mến thiên tài Nguyễn Du, tinh thần say mê khoa học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đem đến hội thảo những tham luận sâu sắc, nhiều thông tin và kiến giải mới, góp phần khẳng định di sản của Nguyễn Du để lại đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.
Không gian trưng bày Nguyễn Du tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (Hà Nội)
Nhiều phát hiện, kiến giải mới
Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Đại thi hào Nguyễn Du đã được nghiên cứu hơn trăm năm qua, tuy nhiên, còn một số điều thuộc về lĩnh vực lịch sử văn học liên quan đến hành trình sáng tạo của Nguyễn Du cần được làm rõ thêm. TS Nô-hi-ra Mu-nê-hi-rô (Trường Đại học Ngoại ngữ Tô-ki-ô, Nhật Bản) cho rằng, trong chuyến đi sứ năm 1814-1815, Nguyễn Du viết bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” trong tập “Bắc hành tạp lục” ở Hà Nam chứ không phải Lâm An, điều đó có nghĩa Nguyễn Du không qua Lâm An như nhiều học giả trước vẫn tin tưởng. Một tham luận khác của nhà nghiên cứu Hoàng Khôi (Hội Kiều học Việt Nam) đã dẫn chứng 20 bài thơ trong “Bắc hành tạp lục” để đưa ra giả định: Có thể Nguyễn Du còn có một hành trình khác ngoài hành trình đi sứ mà chúng ta chưa phát hiện được. Đưa ra những vấn đề mới mang tính phát hiện kể trên sẽ góp phần xác lập niên biểu Nguyễn Du một cách chính xác hơn.
Một trong những kiến giải mới đưa ra tại hội thảo được các nhà khoa học tán đồng là Nguyễn Du có nhiều nhận thức mới mẻ so với thời đại của ông. Thời Nguyễn Du sống, xã hội rối ren nhưng Nho giáo vẫn có vị trí độc tôn trong đời sống sinh hoạt tinh thần, vì thế các nhà nho thời kỳ này không có nhiều biến chuyển nhận thức so với các thời đại trước. Nếu như phần lớn các nhà thơ trung đại Việt Nam thường dùng thơ ca để nói chí, để “tải đạo” thì Nguyễn Du lại dùng văn chương miêu tả thực tại xã hội, ghi lại “những điều trông thấy” nhiều khi “đau đớn lòng”: Xã hội rối ren, gia đình ly tán, những thân phận con người bị biến động lịch sử vùi dập... Đặc biệt, trong tập thơ “Bắc hành tạp lục”, thực tại xã hội không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn mở rộng ra nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.
Theo PGS, TS Trần Thị Băng Thanh (Viện Văn học), bản thân Nguyễn Du coi việc đi sứ không phải là vinh hạnh mà chỉ là cuộc đi lên phương Bắc bình thường. Ông cũng sớm nhận ra thực tại xã hội Trung Quốc không phải là "màu hồng", mà có rất nhiều cảnh lầm than của dân chúng, quan lại sống xa hoa. TS Đỗ Thị Thu Thủy (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, Nguyễn Du đã đối thoại với tiền nhân thể hiện tinh thần phi Nho giáo; đồng thời phê phán nền chính trị phong kiến đen tối của Trung Hoa lúc bấy giờ. Một số tham luận còn phân tích rõ Nguyễn Du ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng Phật giáo và nhiều nguồn tư tưởng khác. Cho nên, nhiều học giả nhất trí khi xem Nguyễn Du không chỉ là một đại thi hào mà còn là một nhà tư tưởng, thể hiện nhận thức của mình thông qua thơ ca.
Du khách tham quan Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh)
Phát huy giá trị “Truyện Kiều” trong bối cảnh toàn cầu hóa
Với kiệt tác “Truyện Kiều”, hội thảo đặt ra vấn đề sử dụng các thành tựu liên ngành khoa học xã hội nhân văn để làm sâu sắc thêm giá trị vượt thời đại của tác phẩm; thêm vào đó, cần phát huy giá trị “Truyện Kiều” trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Nhiều tham luận cho rằng, “Truyện Kiều” tuy sáng tác theo một cốt truyện có sẵn, song tư tưởng của tác phẩm bắt nguồn từ cội nguồn văn học dân gian và văn học viết thế kỷ XVIII nên Nguyễn Du không chỉ làm phong phú cho chủ nghĩa nhân đạo trong văn học, mà còn đổi mới mô hình tự sự của truyện, đổi mới điểm nhìn và thành phần ngôn từ trần thuật tác phẩm, làm nên đỉnh cao chói lọi của văn học Việt Nam. Một số tham luận khác cũng phân tích sự gắn bó trong tác phẩm của Nguyễn Du với lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động, với quê hương Hà Tĩnh cũng như truyền thống gia đình, dòng tộc. Chính vì lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc nói chung và vùng miền nói riêng nên việc đọc và tìm hiểu “Truyện Kiều” là một “đường tắt” đi vào văn hóa truyền thống Việt Nam. Vì thế, hiện nay, công tác dịch thuật “Truyện Kiều” sang một số ngôn ngữ vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Đáng mừng hơn, nơi nào trên thế giới có người Việt Nam sinh sống, có trường học giảng dạy tiếng Việt và có các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành Việt Nam học, “Truyện Kiều” vẫn giữ vị trí là tác phẩm văn chương được đọc, được tìm hiểu nhiều nhất.
Một tham luận đáng chú ý của nhà nghiên cứu Lê Quốc Hiếu (Viện Văn học) đã trình bày khá kỹ lưỡng thực trạng những tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ “Truyện Kiều”. Ngoài ra, tham luận còn khẳng định sức sống mãnh liệt của “Truyện Kiều” đồng hành với chúng ta ở đương đại, góp phần tạo ra những thành tựu nghệ thuật mới ở các lĩnh vực: Điện ảnh, ba lê, sân khấu, âm nhạc...
Nhiều tiếng nói tại hội thảo cũng nhấn mạnh, mỗi cá nhân, tổ chức liên quan dựa vào sức mình và cả sự hỗ trợ phần nào của Nhà nước cần tiếp tục phát huy giá trị “Truyện Kiều” và các tác phẩm khác của Nguyễn Du, để đưa tác phẩm và tác giả trở thành những biểu tượng của văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa.
PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học) nhấn mạnh: “Đất nước nào cũng cần có những danh nhân trở thành biểu tượng văn hóa cho riêng mình. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa khi thế giới ngày càng “phẳng”, một đất nước không có những danh nhân, những tác phẩm văn chương làm biểu tượng văn hóa thì rất dễ bị “hòa tan” khi giao thoa văn hóa”.
Với những giá trị xuyên thời đại đã được chứng minh nhiều lần, nhất là trong hội thảo lần này, Đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du và kiệt tác “Truyện Kiều” xứng đáng là những biểu tượng văn hóa bất diệt của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065