Hôm qua (20-10), lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện các sở, ngành đã dự hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển ngành nghề nông thôn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện cả nước có 4.575 làng nghề (trong đó tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu về số lượng là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình), bình quân tốc độ phát triển tăng từ 6-15%. Hoạt động sản xuất nghề nông thôn đã tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn, đặc biệt có địa phương thu hút tới 60% nguồn lao động. Mức thu nhập bình quân từ sản xuất nghề đạt 450 ngàn đồng đến 4 triệu đồng/tháng, gấp 1,5-4 lần so với lao động thuần nông. Năm 2010, tại 30/51 tỉnh, thành phố, giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn đạt 78.195 tỷ đồng... Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ và cụ thể hóa bằng các kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống và thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, việc phát triển ngành nghề nông thôn hiện vẫn còn khó khăn do thiếu nguyên liệu ở nhiều ngành, nhất là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; công nghệ, thiết bị lạc hậu; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay...
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2012-2020, cụ thể là: Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, thực hiện tốt chính sách tài chính, tín dụng.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng chỉ ra những tồn tại cơ bản trong quá trình thực hiện, cụ thể là: Công tác quy hoạch có địa phương thực hiện chưa tốt, đào tạo nghề chưa đúng tầm, thiếu cụ thể, thiếu sát thực, các làng nghề còn khó khăn trong tiếp cận vốn, phát triển làng nghề chưa gắn với phát triển thương mại - du lịch, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào làng nghề còn chậm, còn tồn đọng vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, tổ chức thị trường và xây dựng, quảng bá thương hiệu ở làng nghề còn yếu, trong tổ chức thực hiện, chức năng, nhiệm vụ ở hai Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chồng chéo, chưa quy định rõ ràng.
Thứ trưởng đã nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh các tỉnh, thành phố phải có chính sách riêng, thúc đẩy nhanh sự phát triển của các làng nghề, đặc biệt các chính sách bảo tồn các làng nghề truyền thống và giá trị văn hóa ở địa phương...
Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065