Chương trình nghị sự Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI vừa diễn ra có nội dung bàn về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây là một nội dung rất quan trọng của hội nghị và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng của toàn xã hội, đặc biệt là của ngành giáo dục, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.
Muốn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhóm giải pháp. Đầu tiên là xây dựng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo một cách khoa học, có trọng tâm, trọng điểm; từng bước nâng cao chất lượng các loại hình đào tạo phù hợp với tình hình thực tế. Chúng ta không thể nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo khi thiếu các giải pháp thực hiện cụ thể. Cha ông ta đã dạy “Không thầy đố trò làm nên” với ý nghĩa đề cao vị trí của người thầy. Và thực tiễn đã chứng minh rằng, ở đâu có thầy, cô giáo giỏi, tâm huyết với nghề, đạo đức trong sáng thì ở đó chắc chắn sẽ có nhiều học trò giỏi. Trường THPT chuyên Quang Trung của tỉnh là một điển hình. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn”, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng dạy và học, tỷ lệ học sinh đoạt các giải quốc gia, tỷ lệ đậu vào các trường đại học, cao đẳng luôn nằm trong tốp dẫn đầu các trường THPT cả nước.
Những năm qua, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có “bệnh thành tích” nên việc đánh giá chất lượng dạy và học chưa đúng với thực tế. Những con số “tỷ lệ lên lớp 100%, đậu trên 98%” là những con số “có cánh”. Vì trên thực tế, nhiều học sinh THPT hiện nay rất “tơ-lơ-mơ” từ Toán, Lý, Hóa đến Văn, Sử, Địa chứ chưa nói đến ngoại ngữ, tin học mà vẫn đậu tốt nghiệp là chuyện lạ. Các em đậu vì được thầy, cô “nương tay” cả trong coi thi và chấm thi. Còn khi thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thì đành “chịu chết” vì công tác coi thi, chấm thi nghiêm ngặt hơn rất nhiều, dù độ khó giữa đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng không chênh lệch nhau nhiều.
Hiện nay, cả nước có hơn 40% sinh viên đang theo học hệ tại chức. Còn chất lượng của các lớp đại học tại chức là “chuyện dài nhiều tập”. Có người định nghĩa học tại chức là tại cái chức nên phải đi học!? Mục đích của người đi học như vậy thì lấy đâu ra chất lượng. Vì vậy, chuyện “chung chi” ở các lớp tại chức là điều không tránh khỏi. Thế nhưng trong xem xét, đánh giá, đề bạt bổ nhiệm cán bộ thì nhiều cơ quan, đơn vị đã cào bằng, “đồng thau lẫn lộn” giữa người tốt nghiệp chính quy với tốt nghiệp tại chức. Vì “bị” đối xử không công bằng nên nhiều người có năng lực, học hành bài bản nhưng phải ngậm ngùi “đội nón ra đi” khỏi các cơ quan, đơn vị nhà nước để “đầu quân” cho các đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Muốn chấn hưng giáo dục nước nhà phải mạnh dạn cắt bỏ những “ung nhọt” đã tồn tại lâu nay. Đồng thời “bồi bổ” thêm bằng những định hướng, chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể. Đây là những vấn đề mà cả xã hội đang kỳ vọng từ Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI).
Chính Trực
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065