Phát biểu với bộ trưởng của các nước tham gia COP21, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo: "Kim đồng hồ đang hướng đến thời khắc xảy ra một thảm họa khí hậu", và thế giới đang trông chờ vào những nỗ lực và quyết tâm của các bộ trưởng trong việc đạt được một thỏa thuận khí hậu toàn cầu.
Ông cho rằng những quyết định của các bộ trưởng tại COP21 sẽ "tác động đến tất cả các thế hệ", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một thỏa thuận "mang tính đột phá" tại Paris để có thể đưa thế giới đi đúng hướng vì một nền hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng lâu dài.
Dự kiến, trong 5 ngày đàm phán nước rút, các Bộ trưởng Ngoại giao và Môi trường của các nước sẽ phải giải quyết những bất đồng và tìm ra các giải pháp cho các vấn đề gai góc nhất, trong đó phải xác định mức cam kết giữa các nước công nghiệp và đang phát triển, từ đó đưa ra mức đóng góp tài chính của từng nước.
Trước đó cùng ngày 7-12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có mặt tại thủ đô Paris của Pháp để cùng giới chức lãnh đạo các nước tham gia các cuộc đàm phán cuối cùng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận khí hậu toàn cầu.
Hiện hầu hết các quan chức cấp cao của Mỹ đều bày tỏ lạc quan "thận trọng" về kết quả các cuộc đàm phán tại COP21, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 11-12 tới, song thừa nhận vẫn còn nhiều bất đồng khó thu hẹp, đặc biệt liên quan đến vấn đề tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trao đổi với báo giới trước khi Ngoại trưởng Kerry rời thủ đô Washington, một quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh "Washington mong muốn một thỏa thuận tham vọng (tại COP21)."
Sau tuần đàm phán đầu tiên, các bên đã cơ bản thông qua bản dự thảo hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu dài 48 trang, rút gọn 1/3 so với văn kiện ban đầu mà nước chủ nhà Pháp đề xuất. Mục tiêu chính thì vẫn không thay đổi - hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu tới năm 2100 ở 2 độ C so với thời kỳ thời tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, các bên tham gia COP21 vẫn chưa thể thống nhất làm thể nào để thực hiện mục tiêu đó. Bởi vậy, có thể mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất sẽ giảm xuống là 1,5 độ C theo yêu cầu của nhiều đảo quốc nhỏ, thay vì 2 độ C.
Một trong những điểm bất đồng chủ chốt giữa các nước là khoản kinh phí để phát triển các nguồn năng lượng tái sinh ở các nền kinh tế kém phát triển. Các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh yêu cầu cơ chế phân bổ khoản tiền 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 mà các nước giàu cam kết hỗ trợ các nước nghèo phải được ghi cụ thể và rõ ràng trong hiệp định cuối cùng.
Theo kế hoạch, Quỹ Khí hậu xanh của Liên hợp quốc sẽ chịu trách nhiệm phân bổ khoản kinh phí được xem là hết sức quan trọng để các nước nghèo có thể hạn chế được những tác động cũng như tạo sự thích ứng cho nền kinh tế các nước này trong giai đoạn chuyển tiếp sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được tiêu chí để phân bổ khoản tiền trên.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch cũng là vấn đề, bởi để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống của các nước cũng sẽ tăng.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065