Thông qua Tuyên bố chung về đối tác toàn diện ASEAN - LHQ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ hai từ trái qua) tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ
Ngày 19-11, tại Bali (Indonesia), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hiệp quốc (LHQ) lần thứ 4, Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 9 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
Thông qua Tuyên bố chung ASEAN - LHQ
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - LHQ, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kiểm điểm việc triển khai các quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN-LHQ lần 3 diễn ra tại Hà Nội tháng 10-2010; nhất trí thúc đẩy quan hệ ASEAN-LHQ phát triển nhiều mặt và thực chất.
Lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao LHQ và các cơ quan chuyên môn của LHQ trở thành đối tác toàn diện, tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ; giúp đỡ ASEAN tăng cường liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển tiểu vùng, nhất là tiểu vùng Mekong, trong đó có việc nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước, xóa đói giảm nghèo và phòng chống dịch bệnh...
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đánh giá cao những thành tựu của các nước ASEAN trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, vai trò quan trọng và nỗ lực đóng góp tích cực của ASEAN vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những tiến triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN và LHQ kể từ Hội nghị cấp cao lần thứ 3 tại Hà Nội tháng 10-2010; đánh giá cao sự hợp tác và giúp đỡ tích cực của LHQ và các cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng cộng đồng và hội nhập khu vực của ASEAN, nhất là trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), phòng chống thiên tai, cứu trợ nhân đạo, tăng cường đối thoại giữa hai ban thư ký...
Để quan hệ hợp tác giữa hai bên phát triển toàn diện hơn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự ủng hộ thông qua Tuyên bố chung về đối tác toàn diện ASEAN - LHQ; đề nghị LHQ tiếp tục hỗ trợ để ASEAN hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015, thực hiện kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và sáng kiến liên kết ASEAN (IAI), hỗ trợ phát triển tiểu vùng, nhất là tiểu vùng Mekong; triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về hợp tác ASEAN - LHQ trong quản lý thiên tai và kế hoạch hành động chiến lược về quản lý thiên tai 2011-2015; đồng thời tạo điều kiện để ASEAN đóng góp tích cực hơn nữa vào việc thực hiện các mục tiêu của LHQ.
Kết thúc hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về đối tác toàn diện ASEAN - LHQ.
Xem trọng chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ, các nhà lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đánh giá cao các kết quả đạt được trong triển khai kế hoạch hành động 2011-2015 và chương trình công tác 2011-2012, hiệp định thương mại hàng hóa hai bên; nhất trí thúc đẩy xây dựng các nội hàm nhằm nâng cấp quan hệ hai bên lên đối tác chiến lược; đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại dịch vụ và đầu tư, hợp tác về khoa học công nghệ, nông nghiệp, dược phẩm, cũng như về các vấn đề an ninh phi truyền thống như phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia...
Các nước ASEAN coi trọng chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, đánh giá cao sự ủng hộ của Ấn Độ đối với ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng, tăng cường liên kết và kết nối cũng như vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; nhất trí cùng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ vào năm 2012.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên trong thời gian tới cần tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, sớm hoàn thành khu vực mậu dịch tự do vào năm 2012; thúc đẩy kết nối hai bên về giao thông vận tải, công nghệ thông tin và năng lượng cũng như xây dựng khuôn khổ pháp lý, giao lưu nhân dân, hợp tác về khoa học, công nghệ...
ASEAN - Trung Quốc thúc đẩy thực hiện DOC
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), các nước tham gia EAS hoan nghênh Nga và Hoa Kỳ lần đầu tiên chính thức dự và tham gia EAS. Trong bối cảnh mới, EAS tiếp tục là diễn đàn để các nhà lãnh đạo trao đổi và đối thoại về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược liên quan tới hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, trong đó có các lĩnh vực chính trị - an ninh như an toàn hàng hải, ứng phó thiên tai, phòng chống hải tặc, tội phạm xuyên quốc gia... Bên cạnh đó, EAS cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên đã xác định như tài chính - kinh tế, năng lượng, thiên tai…, hỗ trợ triển khai liên kết ASEAN, từ đó tăng cường liên kết và kết nối ra toàn khu vực…
Các nhà lãnh đạo các nước nhấn mạnh EAS cần đóng góp tích cực vào việc củng cố và tăng cường môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hướng tới bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định an ninh, an toàn hàng hải hiện đang là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của khu vực và thế giới, do đó các nước cần tăng cường hợp tác vì mục tiêu này. Trước nạn hải tặc gia tăng, các nước cần trao đổi và xây dựng các khuôn khổ hợp tác cần thiết để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho tàu bè và công dân các nước khi gặp nạn. ASEAN và các nước Đông Á cần tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Đông Á; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại tin cậy và hiểu biết, thúc đẩy thực hiện DOC và hướng tới COC. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao PHẠM BÌNH MINH trả lời phỏng vấn báo chí, cho biết: Phát huy thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn ta đã có những đóng góp quan trọng với tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” vào các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực, trong đó có: xây dựng cộng đồng ASEAN, kết nối ASEAN; bảo đảm đoàn kết và tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; phối hợp lập trường tại các diễn đàn quốc tế như APEC, ASEM, G20, LHQ,... và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, cùng đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định và ứng phó với các thách thức đang nổi lên ở khu vực. Hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực và ở biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của khu vực và các nước có liên quan, vì vậy khu vực và các nước cần chung tay vì mục tiêu này. Bên cạnh đó, ASEAN sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN như Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... nhằm góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực cũng như tăng cường và phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN đóng góp vào mục tiêu trên. Các nước cần giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), bảo đảm tôn trọng và thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC; đồng thời, cần tiếp tục tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển khác, trong đó có an ninh và an toàn cho các tuyến đường hàng hải, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống cướp biển, các tội phạm trên biển,... trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS. Với tư cách nước điều phối quan hệ đối thoại tại cấp cao kỷ niệm ASEAN - Trung Quốc (2009-2012), chúng ta đã phối hợp cùng các nước ASEAN và Trung Quốc đóng góp vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc cũng như phối hợp triển khai các hoạt động trong năm kỷ niệm 20 năm quan hệ hai bên; ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015, trong đó có việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới COC, góp phần củng cố hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi và kết nối ASEAN
(Theo SGGP Online)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065