Nhờ vốn vay học sinh, sinh viên của Ngân hàng chính sách xã hội mà gia đình ông Hưng (bên trái) có điều kiện nuôi con ăn học và đã thoát nghèo
Có nhiều kỹ sư, cử nhân nhờ vốn vay
Kiểm tra số liệu giảm nghèo qua từng năm, Phó chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Minh Long Nguyễn Văn Khôi tự hào: “Năm 2011, toàn xã có 97 hộ nghèo, 44 hộ cận nghèo. Nhờ chính sách an sinh xã hội dành cho hộ nghèo, cấp thẻ, bảo hiểm y tế miễn phí, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền điện hằng tháng, tạo việc làm, dạy nghề, học sinh - sinh viên được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội trong thời gian học tập... đến nay, toàn xã giảm còn 28 hộ nghèo và 34 hộ cận nghèo. Từ năm 2009 đến nay, 81 sinh viên được vay vốn học tập từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Hộ có con em được vay vốn sau khi ra trường tìm được việc làm đã giúp gia đình trả nợ và thoát nghèo”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở tổ 2, ấp 1 thuộc hộ nghèo nhiều năm liền. Vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 2001 nhưng đến nay, 3 mẹ con chị vẫn chưa có căn nhà đàng hoàng để ở. Việc làm không ổn định, không có đất sản xuất, nếu không được Hội Khuyến học xã tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, có lẽ 2 người con của chị đã phải từ bỏ ước mơ vào đại học để theo mẹ đi làm thuê.
Vinh dự được nhận giấy khen tuyên dương gia đình hiếu học tiêu biểu và thoát nghèo bền vững của xã, ông Nguyễn Kim Hưng ở tổ 5, ấp 4 không giấu được niềm vui. Ông chia sẻ: Tôi bị tai nạn giao thông chấn thương phần đầu nên mất sức lao động. Mọi việc trong nhà đều do vợ tôi xoay xở nên luôn thiếu trước hụt sau. Nhờ vốn vay học sinh, sinh viên của Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình tôi “vui như bắt được vàng”. Hiện 2 con tốt nghiệp đại học và đi làm nên số nợ đã trả hết. Gia đình tôi đã làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo”.
Từ những thành tích trong công tác khuyến học - khuyến tài của xã, hằng năm Hội Khuyến học xã Minh Long đều được Tỉnh hội, Trung ương hội tặng bằng khen, giấy khen.
Phong trào khuyến học phát triển sâu rộng
Nếu không có nguồn vốn này thì có nằm mơ gia đình cũng không dám cho con theo học. Cháu lớn đã tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, cháu út vừa tốt nghiệp Đại học Mở và đã tìm được việc làm. Dù kinh tế khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng trả dần nợ cho ngân hàng. Mới đây, gia đình tôi còn được chính quyền xã hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà. Hiện tôi đã làm đơn xin thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Hương ở tổ 2, ấp 1, xã Minh Long |
Hội Khuyến học xã Minh Long thành lập tháng 8-2005, có 12 chi hội với 202 hội viên. Đến nay, hội phát triển lên 15 chi hội với 731 hội viên. Nhiều hoạt động thiết thực đã giúp phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học trong xã lan tỏa rộng khắp. Đây cũng là một trong các tiêu chí để đánh giá gia đình văn hóa của xã.
Hằng năm, sau mỗi đợt thi đại học, các thành viên trong hội khuyến học đến từng nhà có con em thi đậu để tập hợp danh sách, tổ chức khen thưởng kịp thời, giúp các em có thêm động lực phấn đấu. Từ năm 2010-2015, hội đã khen thưởng cho 3.578 lượt học sinh giỏi, tiên tiến ở các cấp. Trong đó có 209 em đậu cao đẳng, đại học. Hội cũng kết hợp biểu dương 10 gia đình hiếu học, 5 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài của xã.
Phong trào thi đua xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng hiếu học nở rộ đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn xã đóng góp xây dựng. Từ năm 2011-2015, hội đã vận động được 245 triệu đồng và 250 phần quà gồm xe đạp, đồ dùng học tập trị giá 50 triệu đồng trao cho học sinh nghèo. Hằng năm, hội đều có chủ trương vận động mỗi cán bộ, đảng viên đóng góp từ 30-50 ngàn đồng làm quỹ hội. Đặc biệt, hội đã phối hợp với hội phụ huynh vận động được trên 600 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất, tường rào trường học.
Ông Khôi chia sẻ: “Làm khuyến học mà chỉ chú trọng khen thưởng học sinh khá, giỏi thì chỉ là khuyến học nửa vời. Hằng năm, trên địa bàn xã có hàng chục học sinh vì nhiều lý do khác nhau mà bỏ học giữa chừng. Có em vì hoàn cảnh khó khăn nên không thể đến trường nhưng cũng có em cá biệt, học yếu, lưu ban nhiều năm dẫn đến chán học. Tùy trường hợp của từng em mà hội có cách phối hợp với nhà trường vận động trở lại lớp. Trường hợp các em nghỉ học vì gia đình khó khăn, hội có hình thức hỗ trợ “thiếu gì giúp nấy”, kể cả phối hợp với trường miễn, giảm học phí, tạo điều kiện để các em được đến trường. Sau đó, thành viên trong hội tiếp tục phối hợp với giáo viên chủ nhiệm giám sát quá trình đến lớp của các em. Nhất là những học sinh cá biệt để động viên kịp thời. Vì vậy, trong 5 năm, hội đã vận động được 39 học sinh bỏ học các cấp trở lại trường. Cùng với xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học đã xuất hiện nhiều gia đình hiếu học tiêu biểu như: Hộ bà Huỳnh Thị Liên thuộc diện khó khăn, chồng mất sớm nhưng có 2 con đậu đại học. Hộ ông Trịnh Xuân Dũng là thương binh có 5 con đều đậu cao đẳng, đại học...
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065