Đoàn thanh niên học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC LÀM THEO BÁC
Để thực hiện Chỉ thị 03, cấp ủy nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hằng tháng, triển khai theo chủ đề cho cán bộ, giáo viên và học sinh, gắn với kiểm tra, đánh giá. 100% đảng viên, cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh đăng ký thực hiện tốt. Vì thế đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong từng cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh.
Trong mỗi buổi sinh hoạt định kỳ, chi bộ trường đều dành thời gian sinh hoạt chuyên đề của năm, trong đó đặc biệt chú ý việc kể chuyện tấm gương đạo đức của Bác và rút ra bài học cho cá nhân, đơn vị. Tổ trưởng của 6 tổ chuyên môn đăng ký và công khai những việc làm theo Bác tại nơi làm việc để mọi người giám sát, giúp đỡ. Tổ chức công đoàn thực hiện 9 chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong sinh hoạt hội đồng sư phạm. Thứ hai hằng tuần, trong tiết chào cờ, đại diện từng chi đoàn lần lượt kể một mẩu chuyện về Bác. Năm học 2013-2014, đoàn thanh niên nhà trường thực hiện 34 lượt kể chuyện. Mỗi học sinh, mỗi chi đoàn đều lập sổ tay nhật ký làm theo Bác để ghi chép những việc làm được.
Trường còn đẩy mạnh học và làm theo Bác gắn với cuộc vận động “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục. Từ đó kết quả giảng dạy và học tập có chiều hướng tốt lên. Đa số giáo viên trẻ năng động, ham học hỏi, luôn tìm tòi sử dụng phương pháp dạy học mới, như giảng dạy bằng giáo án điện tử, kết hợp máy chiếu để bài giảng sinh động, kích thích khả năng tư duy, sáng tạo ở học sinh; sử dụng phương pháp tích hợp nhằm trang bị toàn diện kiến thức cho các em.
HIỆU ỨNG TÍCH CỰC
Hiện Trường THPT Nguyễn Huệ có 4 giáo viên trình độ thạc sĩ và 3 người đang học cao học. Từ năm 2013-2015, trường có 19 học sinh giỏi cấp tỉnh và đoạt 10 giải ở các kỳ thi Olympic 19-5. Năm học 2012-2013 và 2013-2014, tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 100%. Năm học 2014-2015 đạt 97,82%, đứng thứ 13/33 trường THPT trong toàn tỉnh. Đây là thành tích đáng khích lệ vì chất lượng đầu vào của trường thấp nhất khu vực. |
Mỗi tuần một mẩu chuyện về Bác được chính học sinh kể và rút ra ý nghĩa để biến thành hành động đã tác động đến toàn thể học sinh. Từ ngôi trường nổi cộm về các vụ việc đánh nhau, nay thấu hiểu tấm gương đạo đức của Người, các em ngoan, chăm chỉ học tập và gắn bó nhau hơn. Trường còn mời công an phường, thị xã đến nói chuyện về giáo dục pháp luật, giải thích hậu quả của việc đánh nhau... Đến năm học 2013-2014, số vụ việc gây mất trật tự của học sinh trong trường giảm rõ rệt, phụ huynh yên tâm khi con em theo học.
Thực tế cho thấy, từ khi thành lập đến nay, chất lượng tuyển sinh của trường Nguyễn Huệ luôn thấp bởi tiền thân là trường bán công. Vì vậy, để từng bước nâng cao chất lượng đầu vào, xây dựng thương hiệu cho trường, từ khi được điều động về làm hiệu trưởng (năm 2014), thầy Nguyễn Thiết Hùng đã thống nhất trong chi bộ, ban giám hiệu chú trọng đầu tư vào chất lượng giáo dục mũi nhọn. Ban giám hiệu đã chỉ đạo cán bộ tuyển sinh đến các trường THCS trên địa bàn vận động, khuyến khích học sinh giỏi thi vào trường và miễn học phí (720 ngàn đồng) năm đầu cấp nếu học kỳ I học sinh đạt loại giỏi. Thầy hiệu trưởng còn vận động nhiều nguồn tài trợ làm tường rào, sân trường, sửa chữa phòng học với số tiền hơn 700 triệu đồng; vận động tặng quà tết 30 suất, 15 suất học bổng cho học sinh nghèo...
Để bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy cô giáo phải tự trau dồi kiến thức và ban giám hiệu giữ vai trò tiên phong, trong đó cô Phạm Thị Thanh Hằng, Hiệu phó đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Cô Hằng nhiều năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Hai năm học thạc sĩ, cô luôn hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và quản lý. Thầy Đào Nguyên Bình, Hiệu phó cũng đang học thạc sĩ. Cô Đỗ Thị Hường, tuy chỉ làm công tác thư viện, song vẫn phấn đấu không ngừng, nay đã tốt nghiệp đại học. Học theo Bác, cô cho rằng, làm việc gì cũng phải có trách nhiệm, có đam mê, từ đó sẽ nảy ra sáng kiến cải tiến công việc. Cô đã có 3 sáng kiến kinh nghiệm được tỉnh công nhận, là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2014. Còn rất nhiều giáo viên như các cô Phạm Thúy Liễu, Phan Thị Hồng Thơm, Hồ Thị Xuân, thầy Nguyễn Văn Tâm... là chiến sĩ thi đua các cấp, được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp và ngành.
Hồng Cúc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065