Cô Ngọc Mai thân mến!
Năm nay cháu học lớp 9, đáng lẽ cháu phải tập trung cho việc học nhưng cứ nghĩ đến việc ba mẹ luôn nói con gái không cần học nhiều, giờ học xong cũng khó xin việc và mong muốn cháu tốt nghiệp cấp 2 xong là đi làm công nhân hoặc học nghề chứ không muốn cháu học lên nữa.
Vì thế, cháu chán nản, chẳng còn tâm trí đâu mà học nữa cô ạ. Từ khi còn bé, ba mẹ vốn đã không mấy quan tâm đến cháu. Vì ba nói, con gái chẳng làm được tích sự gì. Ba mẹ cháu thiên vị rõ ràng cho em trai kém cháu 6 tuổi và đang học lớp 3 ở trường gần nhà. Lúc nào ba cũng chỉ biết cưng nựng em ấy nên cháu cảm thấy mình như người thừa trong nhà. Từ bé đến giờ cháu chỉ biết thui thủi một mình trong căn nhà 4 người. Dù từ năm học cấp 1 đến giờ, cháu luôn đạt học sinh xuất sắc của lớp. Cháu mong được ba mẹ khen ngợi, ghi nhận nỗ lực của mình nhưng trong mắt ba, cháu vẫn chỉ là đứa con gái vô dụng. Đã thế, ba mẹ luôn sai cháu làm hết việc này đến việc khác. Trong khi em cháu đã học lớp 3 mà đến giờ ăn cơm ba mẹ còn phải nịnh chán chê nó mới chịu ăn.
Bạn bè thân khuyên cháu đừng bỏ học vì sức học của cháu như thế mà bỏ thì uổng lắm. Nhưng cháu không tự lo được cho bản thân, trong khi ba mẹ luôn phân biệt đối xử bất công. Cháu bỏ học rồi xin đi làm công nhân để thoát khỏi cảnh bị ba mẹ ghét bỏ như hiện nay được không cô?
Nguyễn Linh (Đồng Xoài)
Nguyễn Linh thân mến!
Sự bình quyền nam - nữ trong xã hội hiện đại đã có bước tiến rõ nét. Chuyện các em nữ bị cha mẹ hắt hủi với tâm lý “trọng nam, khinh nữ” đã bị bài xích nhiều nhưng tư tưởng phong kiến vẫn còn rơi rớt trong đời sống. Nhất là đối với những gia đình có truyền thống gia trưởng lâu đời thì vẫn còn những chuyện đáng buồn như trường hợp của cháu. Cũng vì tâm lý muốn có con trai mà nhiều người vợ đã phải khổ sở, chịu nhiều tủi hờn vì không sinh ra đứa con theo ý chồng. Những cô bé dù là con họ dứt ruột đẻ ra vẫn bị hắt hủi, đánh đập khiến các em luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ.
Việc nên làm tốt nhất lúc này với cháu là chia sẻ, tâm sự với những người thân. Đặc biệt là ông bà nội, ngoại, những người có ảnh hưởng quan trọng với ba mẹ để nhờ tác động tới họ. Cháu nhất định phải nhờ những người thân khác trong gia đình can thiệp, giúp đỡ chứ không được tự ý làm theo cảm tính. Càng không bao giờ được bỏ nhà ra đi. Cháu còn quá nhỏ để sống tự lập khi không có ba mẹ bên cạnh. Dù cháu có cảm giác bị ghẻ lạnh nhưng cháu nên nhớ rằng, không người nào bảo bọc cháu tốt hơn ba mẹ. Còn quá trẻ, cháu không thể tự bươn chải nuôi sống mình, càng không thể lường hết được những cạm bẫy ngoài đời nếu cháu bỏ đi.
Giờ đây, cháu hãy cứ học tốt để làm đẹp lòng phụ huynh, rồi sau đó tiếp tục nhờ người thân thuyết phục ba mẹ cho cháu học lên nữa. Tương lai phụ thuộc nhiều ở việc phấn đấu, khổ luyện của cháu đấy. Dù ở xã hội nào thì học luôn là con đường tốt nhất để người ta sống tốt hơn. Khi thông cảm được với ba mẹ vì sao bất công với mình, cháu cũng sẽ không còn thấy nặng nề trong lòng nữa. Nếu cháu kiên trì thay đổi, học giỏi, chăm ngoan và biết chăm sóc em, đỡ đần ba mẹ việc nhà thì dần dần quan niệm của ba mẹ cháu về con gái cũng sẽ thay đổi. Hãy là cô gái hiếu thảo rồi cháu sẽ được đền đáp!
Ngọc Mai
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065