Dưới đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc tâm tư của em Nguyễn Thị Minh Thư về ước mong được học tập suốt đời:
“Trong hình dung của con người trước đây, việc học là của giới trẻ gồm học sinh và các anh chị sinh viên ở các trường đại học. Biết rằng trong giới học sinh chúng con, không ít bạn đến trường như một thói quen, một nghĩa vụ phải thực hiện hằng ngày. Không ít bạn đến trường mang theo cảm giác buồn nản, mệt mỏi vì bài vở và hầu hết đều thấy vui khi bất ngờ được nghỉ 1 buổi học. Đúng là trong giới học sinh còn nhiều bạn chưa tìm thấy niềm vui trong học tập, chưa ý thức đầy đủ về ý nghĩa của việc học. Dù rằng ai cũng được cha mẹ, thầy cô nhắc nhở “người không học không biết đạo”, dù rằng lời dạy của Lê-nin đã trở nên quen thuộc “Học, học nữa, học mãi”.
Minh Thư (bên phải) cùng bạn học tại buổi khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”
Khi đang loay hoay với câu hỏi của chính mình “Học để làm gì?”, con đã may mắn tìm thấy câu trả lời trong những sự việc mà mình đối diện và trải qua hằng ngày. Đó là khi con vừa trò chuyện, vừa gặp mặt người chị yêu quý đi học xa nhà qua một chiếc màn hình điện thoại nho nhỏ. Con tự hỏi cái gì đã giúp con người rút ngắn khoảng cách không gian một cách kỳ diệu như vậy? Đó là khi ngước mắt lên trời cao nhìn máy bay bay qua, con tự hỏi sao người ta làm được vật này? Đó là lúc con xem tivi, chương trình dự báo thời tiết vẫn thường làm dấy lên trong con câu hỏi sao người ta có thể dự đoán được các hiện tượng thiên nhiên, trời đất?. Cả chuyện con người đặt chân lên mặt trăng đã khiến con không ngừng tự hỏi vì sao, như thế nào? Và con nghĩ chỉ có học mới giải đáp được những thắc mắc của mình. Việc học cũng giúp con người giảm bớt sự vụng về, tồ tẹt khi ứng xử và dần biết cách thể hiện suy nghĩ của mình. Những trải nghiệm thực tế này đã cho con thấm thía lời dạy của thầy cô, cha mẹ về ý nghĩa của việc học và định hướng học tập của tổ chức UNESCO trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”.
“Tuần lễ học tập suốt đời” được phát động trong những ngày đầu năm học này cho chúng con một sự động viên, khích lệ, cũng là lời nhắc nhở cần ghi nhớ. Rằng việc học là cả một đời người, không dừng lại khi ta đã thành danh, thành nhà bác học hay khi tuổi đã về chiều. Bác Hồ là nguồn cảm hứng cho tinh thần học tập không mệt mỏi của bao thế hệ. Lời tâm sự của Bác trở thành động lực cho bao người: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học...”. Vài năm gần đây, trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, có những cụ ông 60, 70 tuổi vẫn tham gia thi. Hình ảnh của các ông khiến con nghĩ truyền thống hiếu học của dân tộc mình được hình thành từ những con người cụ thể như thế.
Chúng con may mắn được cha mẹ, thầy cô và các cấp lãnh đạo tạo điều kiện tốt nhất cho việc học. Ngày nay, chúng con có thể học tập từ nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau, từ những người thầy đáng kính trên bục giảng, đến những nguồn tư liệu dồi dào trên internet... Trong đó, con nghĩ người bạn đồng hành nâng bước chúng con trong từng chặng hành trình chính là sách.
Khi cầm một quyển sách trên tay, con hiểu mỗi dòng trên đó là kết quả của lao động miệt mài, của mồ hôi, xương máu. Con cũng hiểu mỗi quyển sách là kinh nghiệm tích lũy được của bao thế hệ, qua nhiều lần thực nghiệm. Mỗi quyển sách là sự nghiền ngẫm nối dài của thế hệ này tiếp nối thế hệ trước. Vậy nên con vẫn luôn tin rằng sách là hiện thân của tinh hoa nhân loại. Với sách, ai cũng có thể thấy được bao điều ý vị, được thỏa mãn mọi nhu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, được nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn cảm hứng, kết nối và được đánh thức những giấc mơ. Con tin rằng, khi một người không đọc sách hay ít đọc sách, người ta có thể bỏ lỡ rất nhiều điều, rất nhiều cơ hội và niềm hạnh phúc trong đời theo đó cũng ít đi. Nhất là khi xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra ngày một sâu rộng thì đọc sách là một nhu cầu thiết yếu.
Chúng con đang tìm đến với sách nhiều hơn. Ở các nhà sách, có nhiều bạn học sinh say sưa với những trang sách yêu thích. Ở trường, các bạn có mặt tại thư viện khá đông mỗi giờ ra chơi. Ở nhà, trên giá sách của chúng con không chỉ là những quyển sách giáo khoa, mà còn có những quyển sách có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng con đang dần thấy rõ ý nghĩa của việc đọc sách mỗi ngày. Dẫu biết rằng, so với người Do Thái, người Nhật hay người Singapore, người Việt mình đọc chưa nhiều, nhưng con tin điều đó sẽ thay đổi. Với Ngày sách Việt Nam, với lễ hội sách được tổ chức hằng năm, với những con đường sách xuất hiện ngày một nhiều thì lượng bạn đọc đến với sách sẽ ngày càng tăng lên. Trong kỷ nguyên số, sách đa dạng phong phú với 2 dạng chính sách in và sách điện tử - ebook. Chúng con dễ dàng trong việc tiếp cận hay sở hữu một quyển sách, nhưng cũng gặp không ít khó khăn khi chọn sách, hay dễ đọc phải quyển sách không phù hợp. Vậy nên chúng con mong sẽ có nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, nhiều diễn đàn được mở ra để trao đổi, thông tin về những quyển sách nên đọc, về cách đọc hiệu quả, áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Con tin rằng, mỗi người bằng tình yêu của mình với sách, bằng tinh thần ham đọc sách sẽ là người truyền cảm hứng cho người khác ở xung quanh và mỗi ngày sẽ là ngày sách Việt Nam”.
Trao đổi với Minh Thư, em cho biết bài phát biểu được viết theo cảm nghĩ thực tế của mình, có sự phối hợp của các bạn trong đội tuyển học sinh giỏi Văn khối 10, Trường THPT chuyên Quang Trung.
Vũ Thuyên (lược ghi)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065