Học sinh của một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tham gia lớp học thực tế giữa rừng xanh. Theo dự thảo chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT rất chú trọng đến các hoạt động sáng tạo, trải nghiệm của học sinh
Dự thảo mới nhất chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT điều chỉnh, hoàn thành. Theo dự thảo này, thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm chỉ còn 7 - 8 môn đối với THCS và còn 4 môn đối với THPT.
Theo dự thảo, sẽ có những môn học mới được tích hợp từ các môn học truyền thống, hoặc thay tên gọi để phù hợp với sự thay đổi nội dung, tính chất, ý nghĩa giáo dục.
Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường được phép xây dựng hoặc yêu cầu xây dựng kế hoạch giáo dục cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Việc này cũng phù hợp trong bối cảnh có nhiều bộ sách giáo khoa - tài liệu chính được sử dụng trong thời gian tới |
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển |
Nội dung học tự chọn tăng dần
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Hệ thống môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thiết kế theo định hướng đảm bảo cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học, thống nhất giữa các lớp trước và sau, tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên. Hệ thống các môn học cũng điều chỉnh để tương thích với nhiều nước trên thế giới”.
Theo thiết kế trong dự thảo trên, có tám lĩnh vực giáo dục xuyên suốt ba cấp học gồm ngôn ngữ và văn học, toán học, đạo đức - công dân, thể chất, nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ - tin học.
Mỗi lĩnh vực sẽ có các môn học cốt lõi và có điều chỉnh theo lớp, cấp. Ví dụ lĩnh vực giáo dục khoa học ở lớp 1, 2, 3 sẽ có môn học cuộc sống quanh ta và tới lớp 4, 5 tách ra thành hai môn tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên, tương ứng với hai môn khoa học xã hội (tích hợp nội dung của các môn học truyền thống lịch sử, địa lý) và khoa học tự nhiên (tích hợp nội dung các môn học truyền thống vật lý, hóa học, sinh học).
Nếu ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học, THCS) nhiều môn học truyền thống được tích hợp trong môn học mới thì ở bậc THPT, một số môn học truyền thống được trở lại như vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, bên cạnh đó là nhiều chuyên đề học tập mới mang định hướng nghề nghiệp cao.
Điểm mới so với nhiều dự thảo trước đây là ở cả ba cấp học, hệ thống môn học đều được chia thành các môn bắt buộc và tự chọn. Trong nhóm môn học tự chọn cũng có nhiều loại: môn tự chọn học sinh có thể chọn hoặc không chọn; những môn học sinh bắt buộc phải lựa chọn một hoặc một số môn trong nhóm; nội dung học sinh có thể lựa chọn trong một môn học... Nội dung tự chọn này sẽ tăng dần từ lớp thấp lên lớp cao.
Ở bậc trung học, thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm nhiều, chỉ còn 7 - 8 môn đối với THCS và chỉ còn 4 môn đối với THPT. Các môn ngữ văn, toán, công dân với Tổ quốc và ngoại ngữ 1 (do trường chọn) là bốn môn bắt buộc đối với học sinh THPT. Bên cạnh đó, học sinh THPT có thể tự chọn trong các môn học, nhóm môn học nội dung học tập phù hợp với sở trường, định hướng nghề nghiệp.
“Trong cả cấp THPT, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng. Nhưng học sinh sẽ phải hoàn thành số lượng môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định của chương trình. Chương trình sẽ dành thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
Đề cao trải nghiệm sáng tạo
Với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, trong định hướng xây dựng chương trình môn học, Bộ GD-ĐT cũng đặt ra các yêu cầu cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến phương pháp dạy học, chú trọng tính thiết thực trong nội dung dạy học và hoạt động trải nghiệm của học sinh, tùy theo đối tượng học sinh của mỗi cấp học, tùy theo đặc thù của từng môn học để xây dựng chương trình môn học phù hợp.
Ví dụ như môn ngữ văn, phương pháp dạy học dựa trên nguyên tắc chủ đạo là học thông qua hoạt động nhằm khuyến khích, tạo cơ hội cho học sinh đọc, viết, nói, nghe, qua đó phát triển năng lực tư duy, cảm thụ văn học, năng lực hành dụng tiếng Việt; khuyến khích suy nghĩ độc lập, sáng tạo, hạn chế ghi nhớ máy móc...
Một trong những điểm mới được lưu ý khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông lần này là hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Trong đó hoạt động trải nghiệm sáng tạo dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Đây là cách vận dụng những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm bản thân vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, qua đó hình thành những năng lực chung và năng lực đặc thù (tổ chức hoạt động, quản lý cuộc sống, định hướng, chọn nghề...), phát huy năng khiếu riêng của từng người.
Trải nghiệm sáng tạo được chú trọng trong từng môn học, đồng thời thiết kế thành các hoạt động riêng để vận dụng tổng hợp nhiều lĩnh vực kiến thức, kỹ năng, đa dạng về hình thức tổ chức và phương pháp hoạt động phù hợp với những mục tiêu khác nhau.
“Nếu ở giai đoạn giáo dục cơ bản, hoạt động trải nghiệm sáng tạo tập trung hình thành các phẩm chất, nhân cách, thói quen, kỹ năng sống thì ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo chú trọng thêm yêu cầu gắn với nghề nghiệp tương lai, học sinh có cơ hội trải nghiệm với các ngành nghề khác nhau, bằng nhiều hình thức phong phú” - Thứ trưởng Hiển giải thích.
Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và thực hiện các chuyên đề học tập cũng được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đây cũng là một hình thức trải nghiệm, là cách để học sinh biết vận dụng tổng hợp kiến thức của nhiều môn học để tạo nên các sản phẩm thiết thực, hoặc giải quyết các tình huống, vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, gắn học với hành.
Việc tổ chức học tập theo chuyên đề, theo dự án học tập và nghiên cứu khoa học giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm việc nhóm, làm quen với việc thảo luận, phản biện và biết cách trình bày, thuyết phục.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, những điểm nhấn của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và định hướng chương trình môn học này đều xuất phát từ việc nghiên cứu khoa học giáo dục, tổng kết thực tiễn và triển khai thực nghiệm tại các nhà trường ngay trong chương trình phổ thông hiện hành.
Có thể kể đến việc dạy học các chuyên đề tích hợp; tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật, thi vận dụng kiến thức liên môn; thực hiện tự chủ kế hoạch giáo dục nhà trường với việc chủ động thiết kế các dự án dạy học của giáo viên, học sinh; đổi mới phương pháp đánh giá học sinh; đổi mới cách thức tổ chức, quản lý lớp học theo hướng để học sinh chủ động, sáng tạo, tự quản (mô hình trường học mới triển khai ở tiểu học và THCS)…
Được mời giáo viên thỉnh giảng Việc tổ chức dạy học tự chọn dựa trên nhu cầu học sinh và điều kiện của mỗi trường. Các trường được phép mời giáo viên thỉnh giảng hoặc gửi học sinh sang học ở các trường, nhóm/lớp lân cận nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của học sinh. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, để đảm bảo cho chương trình vừa ổn định vừa phát triển, sau khi đã ban hành chính thức, trong quá trình tổ chức thực hiện, chương trình vẫn được cán bộ quản lý, giáo viên, các trường, các cơ quan quản lý giáo dục và những người quan tâm nhận xét, góp ý. Hằng năm Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức đánh giá, xem xét điều chỉnh nếu cần thiết và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh nếu có. |
Thực hiện theo hình thức cuốn chiếu từ năm 2018 Năm học 2018 - 2019: triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1, lớp 6, lớp 10. Năm học 2019 - 2020: triển khai ở lớp 2, lớp 7, lớp 11. Năm học 2020 - 2021: triển khai ở lớp 3, lớp 8, lớp 12. Năm học 2021 - 2022: triển khai ở lớp 4, lớp 9. Năm học 2022 - 2023: triển khai ở lớp 5. Trước đây, trong lịch sử giáo dục Việt Nam từng trải qua nhiều lần cải cách, đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông: - Cuộc cải cách giáo dục năm 1950. - Cuộc cải cách năm 1956. - Năm 1981, chương trình cải cách giáo dục đánh dấu việc thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông trên cả nước với việc chỉ có một chương trình - sách giáo khoa. - Chương trình phân ban thí điểm ở bậc THPT lần thứ nhất vào năm học 1989 - 1992, lần thứ hai vào năm học 1993 - 1994. - Năm 2000 - 2001, ngành GD-ĐT tiến hành cuộc đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông. Năm 2002, chương trình - sách giáo khoa này được triển khai đại trà trên toàn quốc và kéo dài đến nay. |
* ThS Hà Hữu Thạch (hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM):
Học sinh dễ trang bị kiến thức cho nghề nghiệp sau này Việc giảm từ 13 môn học như hiện nay còn 4 môn học bắt buộc ở bậc THPT và 7 - 8 môn bậc THCS như dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã nêu, theo tôi, là một sự chuyển biến mạnh, một bước tiến bộ đáng được ghi nhận của Bộ GD-ĐT. Bởi ai cũng hiểu giảm số môn học bắt buộc sẽ giúp giảm sự quá tải cho học sinh phổ thông. Việc giữ lại 4 môn học bắt buộc của bậc THPT là ngữ văn, toán, công dân với Tổ quốc và ngoại ngữ 1 cũng khá phù hợp với định hướng thi THPT quốc gia. Học sinh cũng dễ dàng xác định và đăng ký học các môn tự chọn để phục vụ cho nghề nghiệp của mình sau này. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn là môn công dân với Tổ quốc thực chất có phải là môn đạo đức - giáo dục công dân hay không. Ý kiến của tôi là môn này cần có sự tích hợp kiến thức lịch sử vào thì mới đáp ứng được yêu cầu giáo dục trong thời kỳ hội nhập như hiện nay. * Ông Nguyễn Quang Minh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM):
Giảm hàn lâm, lý thuyết; tăng ứng dụng, thực hành Tôi cảm thấy băn khoăn với nội dung “bậc THPT chỉ còn 4 môn bắt buộc” như dự thảo đề ra. Mới nhìn vào cứ tưởng việc giảm số môn học là giảm tải cho học sinh. Nhưng trên thực tế sự quá tải là do chương trình giáo dục hiện nay quá hàn lâm, nặng lý thuyết, nhồi nhét quá nhiều kiến thức. Nếu thật sự muốn giảm tải thì cần giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính ứng dụng, thực hành... để khi học các em thấy được môn học đó rất có ích trong cuộc sống. Như thế các em sẽ học nhẹ nhàng, thoải mái, thích thú hơn. Nếu quy định bậc THPT chỉ có 4 môn bắt buộc rất dễ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, sẽ có những môn học các em không bao giờ biết tới mặc dù cuộc sống rất cần. Ví dụ như môn lịch sử, địa lý rất cần thiết nhưng không hiểu tại sao lại không đưa vào danh sách những môn bắt buộc hoặc tích hợp vào một trong bốn môn bắt buộc như dự thảo đã nêu? Thử hỏi kỹ sư, bác sĩ mà không biết đến lịch sử dân tộc, không biết địa lý khu vực sẽ thành người thế nào? * GS Đinh Quang Báo (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội):
Các trường sư phạm phải vào cuộc Để có thể thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề phải nghĩ tới từ khi xây dựng chương trình là đổi mới đào tạo giáo viên. Một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới là việc dạy tích hợp (liên môn và trong nội bộ môn học), trong khi trước đây giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn. Vì thế các trường sư phạm phải bắt nhịp để đổi mới đào tạo, cung cấp nguồn giáo viên mới đáp ứng yêu cầu này. Việc chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học có nghĩa giáo viên cũng cần trang bị nền tảng tri thức rộng, được rèn luyện nhiều hơn về phương pháp, nghiệp vụ sư phạm, hiểu biết về tâm lý giáo dục... Đây là những vấn đề các trường sư phạm phải quan tâm vào cuộc để có thể đảm nhiệm vai trò tập huấn, đào tạo giáo viên đáp ứng điều kiện về nhân lực cho chương trình giáo dục phổ thông mới. * Ông Lê Ngọc Điệp (nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM): Hiện đại và bản sắc dân tộc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là chương trình mang tính hiện đại và bản sắc dân tộc. Ví dụ mục tiêu giáo dục cấp tiểu học hiện hành còn được phát triển phẩm chất, năng lực và nhấn mạnh “định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt”. Hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho từng cấp học cũng rất rõ ràng, cụ thể. Các phẩm chất sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm và các năng lực tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông... Đây là những phẩm chất của con người VN và những năng lực của con người VN hiện đại. |
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065