LTS: Thực hiện Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa hoàn tất và công bố dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện quyết định trên để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc và các thầy cô giáo, các em học sinh về nội dung chính của dự thảo thông tư này.
* Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ
Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, phải có các điều kiện sau đây: Đang học cấp THPT tại trường THPT hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp THPT) thuộc loại hình công lập; bản thân, bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; do nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, nên không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, phải ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập. Điều kiện xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày như sau:
Đối với trường hợp nhà ở xa trường: khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 10 km trở lên. Đối với trường hợp địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn (học sinh đi học phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá): Tùy điều kiện thực tế của từng địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành quy định cụ thể số km và địa bàn để xác định đối tượng học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.
Đối với học sinh là người dân tộc Kinh: Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, phải thuộc hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015.
* Mức hỗ trợ, hồ sơ, quy trình xét duyệt và phương thức chi trả
Mức hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Về hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Hồ sơ xét duyệt gồm có: Đơn đề nghị hỗ trợ của học sinh, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) nơi thường trú; bản sao giấy khai sinh; bản sao sổ hộ nghèo (áp dụng đối với đối tượng học sinh là người dân tộc Kinh).
Hội đồng xét duyệt có ít nhất 7 thành viên, do hiệu trưởng nhà trường ra quyết định thành lập. Quy trình xét duyệt: Hằng năm, sau khi có danh sách tuyển sinh đã được phê duyệt, nhà trường thông báo rộng rãi và quy định thời hạn nộp đơn cho tất cả học sinh của nhà trường biết để viết đơn và chuẩn bị hồ sơ đề nghị hỗ trợ; trong vòng 10 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo, học sinh nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho nhà trường; trong vòng 15 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ, hội đồng tổ chức xét duyệt và gửi danh sách học sinh được đề nghị hưởng chính sách, kèm hồ sơ xét duyệt về sở Giáo dục - Đào tạo.
Danh sách ghi rõ hai nhóm đối tượng: học sinh được hưởng hỗ trợ tiền ăn và học sinh được hưởng hỗ trợ tiền nhà ở; trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ của các trường, sở Giáo dục - Đào tạo tổng hợp danh sách toàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ trình của sở Giáo dục - Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và phê duyệt danh sách học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhà trường thông báo công khai kết quả phê duyệt của UBND cấp tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện.
Phương thức chi trả: Việc chi trả kinh phí hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở cho học sinh được chi trả hằng tháng. Tùy theo điều kiện cụ thể, nhà trường quyết định giữ lại kinh phí hỗ trợ tiền ăn để tổ chức nấu ăn cho học sinh hoặc chi trả tiền mặt cho học sinh. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách được cân đối trong ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo hằng năm, theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương theo nguyên tắc: Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi. Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% nhu cầu kinh phí tăng thêm cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%.
Đối với các địa phương điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương, phải sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện một phần hoặc toàn bộ chính sách; nếu hụt thu do nguyên nhân khách quan hoặc tăng thu thấp: sau khi đã sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương (nếu có) và 50% dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng chính phủ giao, vẫn còn thiếu, thì ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ phần chênh lệch thiếu.
TH
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065