Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp tại các trường đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề (công lập) sẽ được miễn học phí, lệ phí tuyển sinh; ngoài ra được nhận học bổng chính sách, học bổng khuyến khích học tập... Đó là quy định trong dự thảo quyết định của Thủ tướng chính phủ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo và công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân.
Ảnh minh họa - Internet |
Theo dự thảo quyết định này, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số có dân số dưới 1 vạn người được hưởng mức học bổng chính sách bằng 100% tiền lương tối thiểu chung. Học sinh, sinh viên thuộc các dân tộc thiểu số còn lại thì được hưởng mức học bổng chính sách bằng 80% tiền lương tối thiểu chung.
Trong quá trình học tập, nếu học sinh, sinh viên học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả từ khá trở lên (ở năm học trước đó) thì được hưởng học bổng khuyến khích học tập theo quy định hiện hành. Đặc biệt, các học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số còn được ưu tiên học liên thông lên đại học theo quy định; được Nhà nước ưu tiên đặt hàng dạy nghề trình độ trung cấp, cao đẳng.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: a) Hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp và gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi. b) Đối với các tỉnh tự cân đối được ngân sách bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách dạy nghề cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. c) Hàng năm báo cáo tình hình thực hiện dạy nghề cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số và gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.
Ngoài chính sách trên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ học phẩm, như: Được mượn miễn phí chương trình, giáo trình, tài liệu học nghề; được cấp chăn bông cá nhân, màn cá nhân, áo bông, chiếu cá nhân, nilon đi mưa và quần áo bảo hộ lao động theo nghề đào tạo; được cấp sổ khám sức khỏe, khám sức khỏe hàng năm, thẻ bảo hiểm y tế và mua thuốc thông thường đặt tại tủ thuốc của trường. Mỗi năm học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ 2 lần (lượt đi và về) tiền đi lại theo giá vé công cộng. Trong ngày Tết Nguyên đán, Tết dân tộc, trường hợp học sinh, sinh viên ở lại trường không về nhà được hỗ trợ với mức 10% tiền lương tối thiểu cho 1 học sinh, sinh viên/lần ở lại.
Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động tuyên truyền và cổ động mang tính quần chúng của nhà trường.
Nếu dự thảo trên được Thủ tướng chính phủ ký ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều học sinh dân tộc được học nghề và dễ dàng tìm kiếm việc làm và ổn định cuộc sống trong tương lai.
TH
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065