Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa
Các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của nước Việt Nam ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rất phong phú, tin cậy. Đó là những tư liệu khẳng định Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền trên 2 quần đảo này ở biển Đông.
Một là, các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi 2 quần đảo bằng cái tên “Bãi Cát Vàng” và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Hai là, nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên (1844-1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802-1945)... đều nói về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các quần đảo này. Ba là, nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sử sách Việt Nam và cả ở Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn. Hải ngoại Kỷ sự (Trung Quốc) viết năm 1696, chép thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội Hoàng Sa và Phủ Biên Tạp Lục viết năm 1776, Đại Nam thực lục tiền biên (1821) chép “Quốc sơ trí Hoàng Sa”; Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686), đã đề cập đến các hoạt động của đội Hoàng Sa... Phủ Biên Tạp Lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào tháng 8 âm lịch, vào Cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân. Các tài liệu lịch sử cho thấy, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự 2 quần đảo này khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.
Tấm bản đồ trong sách Khải đồng thuyết ước có vẽ Hoàng Sa Chử (phần đảo Hoàng Sa được khoanh ô vuông)
Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào năm 1816, khi vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Cũng cần nói thêm là trong một thời gian khá dài, người Việt luôn coi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một dải đảo dài hàng vạn dặm trên biển Đông, nên gọi là Vạn lý Trường Sa, hay Đại Trường Sa, Bãi Cát Vàng...
Trên thực tế, các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này đều có nhiều hành động liên tục cử người ra cai quản, khai thác trên cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải thực thi quyền chủ quyền và khai thác 2 quần đảo. Các đội này được duy trì và hoạt động liên tục từ thời chúa Nguyễn (1558-1783) đến nhà Tây Sơn (1786-1802) và nhà Nguyễn. Triều đình nhà Nguyễn đã cử các tướng Phạm Quang Ảnh (năm 1815), Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật (các năm 1834, 1835, 1836) ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc các đảo, vẽ bản đồ, xây miếu, dựng bia.
Sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý Hoàng Sa và Trường Sa qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu, cho phép người Nhật khai thác phân chim trên đảo; cử tàu ra nghiên cứu hải dương, địa chất, sinh vật... Năm 1933, toàn quyền Đông Dương ra nghị định nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa; đồng thời tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa Thiên, cho một đơn vị đóng quân ở đó. Năm 1956, Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản, lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền; xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng...(*)
Khẳng định Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa:
Có rất nhiều tài liệu địa lý cổ, bản đồ cổ... mô tả và nói rõ lãnh thổ của Trung Quốc chỉ đến điểm tận cùng ở phía Nam là đảo Hải Nam. Trong đó, đáng chú ý là cuốn địa chí phủ Quỳnh Châu cũng như cuốn địa chí tỉnh Quảng Đông năm 1731. Điều này cũng được ghi trong Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ, phát hành năm 1894. Sách “Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư”, phát hành năm 1906, ở trang 241 viết rằng: “Điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu, đảo Quỳnh Châu, ở vĩ tuyến 18 độ 30 phút Bắc”. Từ đời nhà Hán đến đời nhà Thanh đều có những bộ chính sử của triều đại, các mục địa lý chí, nhưng chưa từng ghi chép gì về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là điều để người ta nhận ra rằng, người Trung Quốc xưa chưa từng xem 2 quần đảo này thuộc về phần đất của họ.
Trong khi các thư tịch cổ Trung Hoa như “Đường thư nghệ văn chí” đời nhà Đường, đề cập tới cuốn sách “Giao Châu dị vật chí” của Dương Phu với những chuyện kỳ dị ở Giao Châu (Việt Nam) trong đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu. Đời Tống, sách Lĩnh ngoại đại đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận “Vạn lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ dương (biển Giao Chỉ). Đời nhà Minh, trong cuốn “Vũ Bị Chí” của Mao Nguyên Nghi gọi biển Đông là Giao Chỉ dương và nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt, nhất là từ năm 1427, sau khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt. Trong tập “Hải Ngoại ký sự”, quyển 3, viết năm 1696 của hòa thượng Thích Đại Sán (người Trung Quốc) có nhiều đoạn miêu tả về Hoàng Sa gọi là “Vạn lý Trường Sa” của Việt Nam. Trong bộ “Hải Quốc Đồ Ký”, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do Tạ Thanh Cao, một thủy thủ Trung Quốc từng đi nhiều nơi kể lại: “Vạn lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Và, cho tới đầu thế kỷ XX, không một tài liệu nào (cả sách và bản đồ) của Trung Hoa xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ của họ.
Đức Hồng (tổng hợp)
(*) Tham khảo “Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông” - TS Tần Công Lực, nxb Thông tin và Truyền thông.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065