BPO - Hoãn và tạm ngừng phiên tòa là hai chế định được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong thực tế, đây cũng là hai khả năng, hai trường hợp khác nhau và đều có thể xảy ra tại phiên tòa, thế nhưng có lúc, có nơi việc hiểu và áp dụng hai trường hợp này không có sự phân biệt rõ ràng. Trong khi đó, bản chất của hai khái niệm này là khác nhau, mặc dù về hệ quả pháp lý thì giống nhau. Nghĩa là hoãn hay tạm ngừng phiên tòa đều làm cho vụ án không được xét xử trong một thời hạn đã được ấn định. Do đó, việc phân biệt rõ ràng hai thuật ngữ này là vô cùng quan trọng trong hoạt động tố tụng, nhất là trong tố tụng hình sự. Vì vậy, bài viết dưới đây không ngoài mục đích cùng bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn về bản chất của hai thuật ngữ này.
Xét về căn cứ phát sinh
Đối với việc hoãn phiên tòa, trong xét xử sơ thẩm, tại điều 297 BLTTHS năm 2015 quy định tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp sau: - Phải thay đổi kiểm sát viên tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 điều 52); phải thay đổi thẩm phán, hội thẩm tại phiên tòa thì hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 điều 53); không có thẩm phán, hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có thẩm phán để thay thế theo quy định tại khoản 2 điều 288 BLTTHS thì phải hoãn phiên tòa (khoản 3 điều 288); Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì hội đồng xét xử hoãn phiên tòa (khoản 2 điều 289); bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa (khoản 1 điều 290); người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa (điều 291); bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử (điều 292); người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử (khoản 1 điều 293); người giám định, người định giá tài sản vắng mặt thì tùy trường hợp, hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử (khoản 2 điều 294); người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 điều 295); Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa (điểm b khoản 1 điều 297); Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại (điểm c khoản 1 điều 297); Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản. Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu (điểm d khoản 1 điều 297).
Về xét xử phúc thẩm, tại điều 352 BLTTHS năm 2015 quy định tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp sau: Phải thay đổi kiểm sát viên tại phiên tòa thì hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 điều 52); phải thay đổi thẩm phán, hội thẩm tại phiên tòa thì hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 điều 53); không có thẩm phán dự khuyết hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có thẩm phán để thay thế thì phải hoãn phiên tòa (khoản 3 Điều 349); Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì hội đồng xét xử hoãn phiên tòa (khoản 2 điều 350); người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa (điều 351); Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa. Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu (điểm b khoản 1 điều 352).
Đối với tạm ngừng phiên tòa, trong xét xử sơ thẩm, tại điều 251 của BLTTHS năm 2015 quy định việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp: Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa (điểm a khoản 1 điều 251); Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa (điểm b khoản 1 Điều 251); Vắng mặt thư ký tòa án tại phiên tòa (điểm c khoản 1 điều 251). Còn trong xét xử phúc thẩm, tạm ngừng phiên tòa chỉ phát sinh trong trường hợp thư ký tòa án bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, nếu không có người thay thế thì tạm ngừng phiên tòa (khoản 4 điều 349 BLTTHS năm 2015).
Xét về thời điểm, thời hạn
Đối với hoãn phiên tòa phát sinh vào thời điểm trước khi bắt đầu phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Tòa án chỉ có thể hoãn phiên tòa khi có những căn cứ được quy định tại điều 297 và điều 352 BLTTHS năm 2015 như đã nêu ở phần căn cứ phát sinh nói trên. Đối với tạm hoãn phiên tòa thì chỉ phát sinh vào thời điểm phiên tòa đang được xét xử và trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 251 BLTTHS năm 2015.
Về thời hạn: Đối với hoãn phiên tòa, thì thời hạn “hoãn phiên tòa” sơ thẩm và phúc thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 2 điều 297 BLTTHS năm 2015). Đối với “tạm ngừng phiên tòa”có thời hạn ngắn hơn, không quá 5 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.
Về hình thức
Đối với hoãn phiên tòa thì phải ra Quyết định hoãn phiên tòa bằng văn bản và quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì chánh án tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa (khoản 4 điều 297).
Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Quyết định hoãn phiên tòa có các nội dung chính sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên tòa án và họ tên thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án; Họ tên kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; Vụ án được đưa ra xét xử; Lý do của việc hoãn phiên tòa; Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa (khoản 3 điều 297 BLTTHS năm 2015).
Về hình thức đối với tạm hoãn phiên tòa thì hội đồng thẩm phán không ra quyết định tạm ngừng phiên tòa bằng văn bản mà việc tạm ngừng phiên tòa chỉ phải ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065