BPO - Chiến thắng Phước Long (6-1-1975) là đòn trinh sát chiến lược tiến tới cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giành toàn thắng. Đêm 12 rạng sáng 13-12-1974, Chiến dịch đường 14 - Phước Long mở màn bằng trận tấn công vào một loạt chi khu, yếu khu địch trên quốc lộ 14. Đến 19 giờ ngày 6-1-1975, quân ta làm chủ hoàn toàn Phước Long, kết thúc chiến dịch trong thắng lợi rực rỡ. Chiến thắng Phước Long là đòn nắn gân chiến lược để biết rõ địch, ta và là căn cứ quan trọng để Đảng ta quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
Sau chiến tranh, dù “vẫn mang trong mình nhiều thương tích” nhưng bằng ý chí, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phước Long đã vượt qua khó khăn, xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Sự trưởng thành vượt bậc của thị xã hôm nay không chỉ làm những người lính năm xưa đấu tranh giải phóng Phước Long ngỡ ngàng mà còn thay đổi rõ trong cuộc sống của mỗi người dân đất này.
“Thay da đổi thịt”
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Đoàn Ngọc Châu (SN 1948) ở khu phố 2, phường Long Thủy, thị xã Phước Long đã tham gia nhiều trận đánh tại chiến trường Phước Long. Ông từng là Tiểu đội trưởng trinh sát, Tiểu đội trưởng thông tin, Trung đội trưởng Đặc công Đại đội 15, Tiểu đoàn 168 thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Phước Long cũ. Nhớ lại thời gian Phước Long mới giải phóng, ông Châu nói: Sau chiến tranh, nhân dân Phước Long lại tiếp tục đấu tranh chống giặc đói. Khó khăn lớn nhất trên mảnh đất anh hùng này là không một nơi nào không có dấu tích bom đạn. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, tôi dựng nhà phải đập thùng phuy làm vách, mái lợp bằng cỏ tranh. Nhưng hạnh phúc vì có được tự do, hòa bình nên người dân hăng hái canh tác lúa, trồng màu cải thiện cuộc sống. Nhờ cần cù lao động nên đời sống bắt đầu đi lên.
Cựu chiến binh Đoàn Ngọc Châu ở thị xã Phước Long nhớ về đồng đội qua những bức ảnh hiếm hoi giữ được sau chiến tranh
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền thị xã Phước Long đã phát huy thế mạnh và đề ra những chủ trương đúng đắn, phù hợp để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Trong chặng đường 45 năm phát triển, đặc biệt từ ngày thành lập thị xã Phước Long (2009), toàn bộ hệ thống chính trị đã tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Phước Long lần thứ XI đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực. Năm 2009, thu ngân sách thị xã chỉ được 81,3 tỷ đồng, đến năm 2019 thu ngân sách đã đạt 674 tỷ đồng. Tốc độ phát triển kinh tế giai đoạn 2009-2019 của Phước Long luôn ổn định và đúng hướng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bình quân mỗi năm đạt trên 20%, doanh thu thương mại - dịch vụ trên 30%. Toàn thị xã có khoảng 3.600 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ.
Số hộ nghèo của thị xã từ 430 hộ (năm 2010) giảm còn 76 hộ (năm 2019). Đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng đô thị, chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh làm cho diện mạo thị xã thay đổi khang trang. Các dự án trọng điểm của thị xã phát huy hiệu quả, tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.
Những công dân kiểu mẫu
Bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (SN 1965) trú phường Long Phước kể: Trước năm 1990, tôi ở Lâm Đồng, sau đó về Phước Long lập nghiệp. Những năm mới về đây sinh sống, không riêng gì gia đình tôi mà đa số người dân đều khó khăn. Bản thân tôi lúc đó chưa rõ hạt điều là mặt hàng thế nào, nhưng đam mê kinh doanh nên cũng tập tành mua đi bán lại để cải thiện cuộc sống. Gia đình tôi đã ổn định cuộc sống nhờ gắn bó với ngành công nghiệp chế biến hạt điều. Năm 2006, tôi thành lập Công ty TNHH Ngọc Châu chuyên chế biến và xuất nhập khẩu hạt điều. Những năm qua, doanh nghiệp của gia đình đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương và các tỉnh, thành khác, đồng thời thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ. Không những vậy, bà Ngọc còn là “mạnh thường quân” nhiệt tình của các phong trào khu dân cư, các hội, đoàn thể của phường, nhiều lần được vinh danh.
Còn với những người lính trở về từ chiến tranh như ông Đoàn Ngọc Châu thì việc xây dựng quê hương càng trở nên cấp thiết. Tạm quên những nỗi đau do vết thương chiến tranh hành hạ, ông Châu tham gia công tác chính quyền đến năm 2017 thì nghỉ chế độ. Hiện ông Châu vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào của người cao tuổi tại khu dân cư và là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ giáo dục truyền thống của Hội Cựu chiến binh thị xã Phước Long. Mỗi lần kể chuyện với học sinh, đoàn viên thanh niên, ông Châu đều mang đến cho thế hệ sau những câu chuyện thú vị về lòng yêu nước, giá trị tự do, hòa bình mà ông đã cảm nhận với vai trò người đi qua chiến tranh.
“Tôi đã sống và chiến đấu tại mảnh đất này, nhưng có lúc vẫn thấy bất ngờ bởi sự thay đổi của Phước Long. Từng là địa phương thiếu lương thực, đến nay cơ bản thị xã không còn hộ đói. Những thôn, xóm, làng mạc hoang tàn trước, trong và sau chiến tranh nay đã “thay áo mới”, mang dáng dấp một đô thị hiện đại nhất, nhì tỉnh. Từ những phong trào, nhất là phong trào học và làm theo Bác, người dân phát huy được tinh thần đoàn kết, sẻ chia giúp đỡ nhau cùng phát triển. Phước Long không chỉ là vùng đất anh hùng mà còn giàu tình nghĩa, xứng đáng với sự hy sinh của các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do hôm nay” - ông Đoàn Ngọc Châu chia sẻ.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065