VƯỜN LAN 37 TUỔI
Uống trà và thưởng thức hoa lan là niềm vui của ông Lê Văn Sâm (thường gọi là ông Chín phong lan) sinh năm 1940, phường Phước Bình, thị xã Phước Long. Mở cánh cổng sắt cũ cạnh đường ĐT741, bước qua khu vườn cây ăn trái, những âm thanh ồn ào, náo nhiệt như bị bỏ lại phía sau. Lối vào nhà ông Chín được trang trí bởi 2 hàng lan mokara cao quá đầu người, phía trên là mai chiếu thủy trồng lâu năm rợp kín vòm khung sắt. Sau thời gian ngủ đông, xuống lá, xuân đến cũng là lúc cây mít trước sân khoác “chiếc áo” màu hồng thơm nức của vô số lan giả hạc. Căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa vườn lan được chủ nhân chia theo khu vực ưa sáng hoàn toàn và chịu bóng một phần (gồm hai loại lưới che thưa hoặc dày).
Anh Phước và ông Chín chăm sóc vườn ươm kie (cây con) để nhân giống lan rừng
Bên tách trà nóng, ông Chín kể về năm tháng đã sống như những thước phim tua lại mà không thể thiếu hình ảnh kiêu hãnh của các loại lan ghi dấu ấn khắp mọi miền Tổ quốc. Bởi thứ ông mang về sau chuyến đi là những nhánh lan giá trị không thể tính bằng tiền. Ông Chín cho biết: Chỉ cần cho phong lan môi trường sống gần giống nơi chúng sinh ra là đã không phải tốn công chăm sóc, bón phân nhiều. Nếu chăm sóc kỹ quá, lan sẽ mất đi sức sống mãnh liệt vốn có. 3 yếu tố quan trọng là phải điều tiết độ ẩm, ánh sáng và gió sẽ giúp cây sống, ra hoa. Hấp dẫn nhất là với cùng một loại nhưng trải qua thời gian, một số hoa lan lại xuất hiện biến thể về màu sắc, hình dáng... tạo nên cá thể duy nhất khiến chúng càng quý và góp thêm vào sự đa dạng, phong phú giống loài. Ông Chín không đếm bao nhiêu giống lan có trong vườn nhưng không một chút khó khăn, ông có thể nói tên từng loại, xuất xứ, những kỷ niệm thú vị liên quan, thời gian nở hoa, điều kiện cần để hoa nở, màu sắc, hương hoa và những lần tạo ra biến thể.
Hoa lan trầm rừng nở vào mùa xuân
Đáp lại tình yêu của ông dành cho phong lan, món quà ý nghĩa ông nhận lại là nghị lực vượt qua bệnh tật, sự vui vẻ, thanh thản trong cuộc sống. Bà Trịnh Bích Thủy (sinh năm 1943) - vợ ông Chín kể: “Chúng tôi cưới nhau năm 1977, tôi tiếp tục sống và làm việc ở Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, còn ông Chín làm nông ở Bình Phước trồng đủ các loại cây công nghiệp, cây ăn trái. Khoảng một tháng chúng tôi gặp nhau một lần. Năm 1980, ông mua nhánh lan đầu tiên trong một lần đi thành phố Hồ Chí Minh thăm tôi. Năm 1994, chồng tôi bị hẹp môn vị phải phẫu thuật nhiều lần cắt hết 2/3 dạ dày, về đến nhà lan chết gần hết, ông mót trồng lại dần. Đến năm 2000, ông bị bướu ở ruột, phải phẫu thuật cắt 1 khoang ruột. Rời bệnh viện, sức khỏe ổn định, ông lại quan sát từng chiếc rễ của lan, chăm sóc như chăm con. Cũng trong năm 2000, con trai chúng tôi tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi nghỉ hưu về Bình Phước làm “chuyên gia dinh dưỡng” cho chồng. Ăn món thanh đạm, sống vui vẻ, tôn trọng sở thích của nhau, nếu mình bắt lỗi người ta tự bản thân cũng thấy không vui nữa. Ông mê phong lan còn tôi ghiền báo, ngày nào không đọc ít nhất 2 tờ báo là tôi không chịu nổi”. Những lời nói hóm hỉnh, vui tươi cũng là bí quyết giúp vợ chồng ông Chín sống khỏe mạnh, vượt qua bệnh tật và tuổi già.
THÚ THƯỞNG NGOẠN HOA LAN
Chơi lan từ năm 2010, đến nay, anh Nguyễn Tấn Phước, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài đã sưu tầm được hàng trăm loài, trong đó có một số loài lan bản địa quý hiếm của Bình Phước. Sự mát mẻ của khí trời ngày xuân quyện với hương thơm nhè nhẹ của các loại hoa lan kiếm, giả hạc, ngọc điểm, long tu, thủy tiên... luôn tạo cảm giác thư thái cho gia đình anh Phước và khách ghé thăm.
Bên cạnh bàn trà tiếp khách anh Phước đặt chậu lan bầu rượu. Sau mùa mưa phát triển, gần tết, lan bầu rượu rụng lá, chỉ còn giả hành độc đáo với hình dáng quả bầu hồ lô. Từ cạnh giả hành bầu rượu vươn lên cành hoa dài, mảnh, bông hoa lớn màu tím xen trắng rất duyên dáng. Đa số các loài lan được anh Phước ghép vào thân cây cau vua, lộc vừng tạo nét đẹp tự nhiên, hoang sơ vốn có của phong lan. Anh Phước cho biết: Để một số loài lan nở đúng dịp tết, kỹ thuật cơ bản là cắt nước và bón phân hợp lý. Chấm dứt mùa mưa cũng là thời điểm cắt nước, lan thủy tiên phải cằn cỗi mới nở hoa xuân, lan giả hạc khi xuống lá nếu còn tiếp tục tưới nước sẽ ra cây con chứ không trổ hoa. Hoa mỗi loài lan cũng mang nét đẹp khác nhau, ngoài sự kiêu hãnh, quý phái vốn có, hoa lan thanh đạm lại có nét duyên kín đáo với màu xanh thầm kín, điểm các vệt đen hoặc nâu hấp dẫn và phảng phất mùi thơm êm dịu.
Anh Sơn (ngoài cùng, bên phải) thưởng thức hoa cùng những người yêu lan
Mong muốn bảo tồn và giới thiệu văn hóa của đồng bào dân tộc S’tiêng, anh Lê Trường Sơn, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài đã mở quán Scoffee. Bộ sưu tập có tù và bằng sừng trâu, bộ cồng chiêng, tố, ché, gùi, các loại dao, rựa được chế riêng theo mục đích sử dụng, cung tên săn bắn ngày xưa, vật dụng bắt cá... Vật quý nhất ở khu trưng bày là cái khố dệt bằng bông gòn cách đây khoảng 70 năm, được anh Sơn sưu tầm ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng. Anh kể: 2 năm trước, đi làm xa về, tôi thấy khoảng trống sân của Scoffee trở thành giàn lan rộng 36m2, treo 20 dò lan vũ nữ kèm lời nhắn của chị gái tôi: Nhờ em chăm sóc giùm. Quán Scoffee gắn liền với lan từ đó và trở thành điểm hẹn để những người yêu hoa thưởng ngoạn, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc lan.
Anh Sơn cho biết: Được ngắm nhìn, thưởng thức mùi hương của hoa lan hằng ngày đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với tôi. Buổi trưa hay chiều tôi đều dành thời gian chăm sóc những loài lan khó ra hoa. Đó cũng là thú thư giãn sau giờ làm việc vất vả để cân bằng cuộc sống. Từ khi chăm sóc lan tôi rèn được tính kiên nhẫn hơn. Lúc đầu, mua lan về tôi nôn nóng ghép vào giá thể khiến cây dễ chết. Giờ tôi chờ khoảng nửa tháng, cây lan nhú rễ thuần từ từ mới trồng nên tỷ lệ sống cao hơn. Phong lan có sức sống mãnh liệt, 5 hay 7 tháng nằm im như cây ngủ, có thời điểm tưởng như cây không còn sống, vậy mà đến mùa liền bật dậy trổ hoa.
Từ những giỏ lan đầu tiên năm 1980, đến nay đã gần 40 năm, trải qua chừng đó thời gian, hoa lan không còn là một thú chơi, cũng chẳng phải là sự sở hữu của một vị “vua lan” như người ta từng nói, với ông Chín đơn giản đó là tình yêu, là tri kỷ trong cuộc đời. Thú vui thưởng ngoạn hoa lan, kết quả của sự dày công chăm sóc đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của những người yêu hoa lan. Qua đó, giúp bảo tồn nhiều giống phong lan quý hiếm, làm đẹp môi trường sống, góp phần xây dựng diện mộ nông thôn mới sinh động trên địa bàn tỉnh.
Tuyết Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065