GÓP PHẦN GIỮ GÌN AN NINH TRẬT TỰ
Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai trên địa bàn tỉnh; đồng thời biên soạn và cấp phát tài liệu cho các huyện, thị tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên một số nội dung trọng tâm như: Hiến pháp năm 2013; Luật Hòa giải ở cơ sở; quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình; khiếu nại, tố cáo... Đồng thời, sở cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã thường xuyên củng cố, kiện toàn và báo cáo tình hình hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác hòa giải.
Người dân đề cử bầu trưởng ấp 1b, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) - Ảnh: S.H
Nhìn chung tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, số lượng vụ, việc hòa giải thành tăng cao. Năm 2015, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và giải quyết 2.252 vụ việc, trong đó hòa giải thành 1.388 vụ (đạt 61,6%); đang hòa giải 50 vụ (chiếm 2,2%); hòa giải không thành 803 vụ (chiếm 35,6%); còn lại 18 vụ chưa giải quyết và đang xác minh, hòa giải. Từ đó góp phần tích cực trong việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, hạn chế xảy ra mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến vi phạm pháp luật có thể xảy ra.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, bất cập như: Một số huyện, thị xã chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải, chưa thấy hết vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở. Công chức tư pháp cấp xã chưa chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Việc củng cố về tổ chức, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ kinh phí không được thực hiện thường xuyên dẫn đến hoạt động của một số tổ hòa giải và hòa giải viên chưa thật sự nhiệt tình, trong công tác còn hình thức đôi khi mang nặng tính mệnh lệnh, không thuyết phục và chưa thật sự trở thành những cam kết chung để các bên tranh chấp, mâu thuẫn nghiêm chỉnh thực hiện.
Một số tổ hòa giải áp dụng không đúng, chưa đầy đủ các quy định pháp luật trong quá trình hòa giải, vì vậy ảnh hưởng đến kết quả hòa giải. Cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải thường xuyên bị thay đổi do thay đổi thành viên trong tổ. Hoạt động của tổ hòa giải còn hạn chế, thời gian dành cho công tác hòa giải không nhiều và chưa đi vào chiều sâu. Về kinh phí chi cho công tác hòa giải chậm, chưa động viên kịp thời cho hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ. Kỹ năng hòa giải cũng như kiến thức pháp luật của đa số hòa giải viên còn hạn chế, nhiều tổ viên tổ hòa giải lớn tuổi làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, phạm vi hòa giải rộng, nhiều vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quan hệ gia đình, đất đai nên hòa giải viên thường ngại va chạm, từ đó mục đích hòa giải không đạt được. Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, việc hòa giải ở cơ sở chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người làm công tác hòa giải...
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ?
Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, theo tôi; trong thời gian tới các cấp, ngành, đơn vị phải thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể. Đối với Bộ Tư pháp: Xây dựng chương trình, đề án nhằm nâng cao hơn hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; nhân rộng một số mô hình và cách làm hay, để các địa phương áp dụng trong công tác hòa giải; thường xuyên tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức các cuộc thi, hội thi nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện để đội ngũ này giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương; đồng thời cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên.
Toàn tỉnh hiện có 947 tổ hòa giải/864 thôn, ấp, khu phố với 6.096 hòa giải viên, bình quân mỗi tổ hòa giải có 3-7 hòa giải viên. Thành phần chủ yếu của tổ hòa giải là những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như già làng, trưởng ấp, bí thư chi bộ, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên... |
Đối với địa phương: Các cấp ủy và chính quyền trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho đội ngũ hòa giải viên, củng cố và kiện toàn các tổ hòa giải, đáp ứng đủ số lượng và tiêu chuẩn hòa giải viên theo đúng quy định pháp luật. Nâng cao vai trò, năng lực cho cán bộ quản lý công tác hòa giải và đội ngũ hòa giải viên để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, cung cấp kịp thời tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên để họ thường xuyên được cập nhật văn bản pháp luật của trung ương mới ban hành. Định kỳ hằng năm kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở. Đồng thời, thực hiện lồng ghép công tác hòa giải cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Võ Hồng Khanh
Sở Tư pháp
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065