Đã thí điểm thành công tại 20 tỉnh, thành
Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm mới, lần đầu làm thí điểm ở nước ta. Nghị định sẽ tạo cơ sở pháp lý để mở rộng việc triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp sau giai đoạn thực hiện thí điểm, góp phần thực hiện chủ trương của nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trước đó, ngày 1-3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.
Nông dân xã An Khương, huyện Hớn Quản thu hoạch lúa
Sau 3 năm triển khai thực hiện thí điểm đã đạt được một số kết quả nhất định, như đã thiết lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp; hình thành được 3 sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp gồm cây lúa, vật nuôi và thủy sản phù hợp với đặc tính của từng loại cây trồng, vật nuôi. Đã thu hút các hộ dân ở các huyện, xã được lựa chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của 20 tỉnh, thành phố tham gia, trong đó bảo hiểm cây lúa đối với 236.396 hộ nông dân (76,5% hộ nghèo, 16,8% hộ cận nghèo, 6,7% hộ thường), bảo hiểm vật nuôi đối với 60.133 hộ nông dân (84,1% hộ nghèo, 9,8% hộ cận nghèo, 6,1% hộ thường), bảo hiểm thủy sản đối với 7.487 hộ nông dân (27,4% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo, 68,6% hộ thường). Các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh, cụ thể bảo hiểm cây lúa bồi thường 17,4 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19%; bảo hiểm vật nuôi bồi thường 19,5 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 23,3%; bảo hiểm thủy sản bồi thường 675,9 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 309,8%.
Việc ban hành nghị định sẽ góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; tăng cường năng lực quản lý, giám sát rủi ro của người dân để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ngoài ra, khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hiểm liên quan đến quản lý, giám sát rủi ro được bảo hiểm (thiên tai, dịch bệnh) kể từ trước khi ký kết cho đến cả quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Quá trình này sẽ từng bước góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, giám sát rủi ro cho các hộ nông dân.
Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo
Theo đó, số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế. Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại sau khi đã bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Theo dự thảo, nông dân còn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngân sách nhà nước khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Là hộ nông dân nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp được công nhận theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền ở địa phương còn hiệu lực tại thời điểm tham gia bảo hiểm. Đã giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp với doanh nghiệp bảo hiểm để bảo hiểm cho các rủi ro thiên tai theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.
Mức hỗ trợ tối đa tới 90% phí bảo hiểm
Dự thảo nghị định cũng khuyến khích việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện. Ngân sách nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nông dân nghèo và cận nghèo tham gia bảo hiểm. Cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo và 75% cho hộ nông dân cận nghèo khi giao kết hợp đồng bảo hiểm cho các rủi ro thiên tai. Trường hợp có nhiều chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, người dân được lựa chọn để hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất. Nguồn kinh phí hỗ trợ, quy định thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020 (đang được Bộ Tài chính dự thảo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 1/2017) để xem xét điều kiện, khả năng cân đối ngân sách của địa phương và phân cấp, đảm bảo chủ động trong điều hành ngân sách địa phương.
Với phương án hỗ trợ hộ nghèo 90%, hộ cận nghèo 75% phí bảo hiểm rủi ro thiên tai, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 2.135 tỷ đồng/năm, trong đó hỗ trợ hộ nghèo khoảng 1.356 tỷ, hỗ trợ hộ cận nghèo khoảng 778 tỷ đồng.
Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065