>> Bài 1: Những bước chân đơn lẻ
>> Bài 2: Giọt nước sạch hòa vào biển lớn
>> Bài 3: Lối đi cho hồ tiêu Bình Phước
>> Bài 4: Cần một đề án tầm cỡ quốc gia
LỐI ĐI CHO HỒ TIÊU BÌNH PHƯỚC
BPO - Hồ tiêu là sản phẩm nông sản chủ lực của Bình Phước, đến năm 2018 toàn tỉnh có 17.718 ha. Với diện tích lớn và sản lượng đóng góp nhiều vào tỷ trọng xuất khẩu hàng năm của cả nước, nhưng ngành hồ tiêu Bình Phước vẫn đang trong tình trạng cơ bản 4 thiếu: quy hoạch cụ thể; quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch; sân chơi công bằng cho nông hộ và các chương trình mang tính định hướng chiến lược. Nói chính xác hơn là hồ tiêu Bình Phước vẫn thiếu một thương hiệu thật sự để góp phần làm tỏa sáng cho ngôi vị quán quân của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
THẬN TRỌNG ĐỨT DÂY KHI ĐÁNH ĐU VỚI QUY HOẠCH
Số liệu thống kê 15 năm qua cho thấy, sản lượng và diện tích hồ tiêu của Việt Nam tăng chóng mặt, đặc biệt là trong khoảng 5 năm gần đây. Năm 2001, diện tích hồ tiêu cả nước chỉ 36.106 ha, năm 2015 lên 101.623 ha, năm 2017 lên đến 152.668 ha - vượt 102.668 ha so với quy hoạch đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (50.000 ha). Bình Phước là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn thứ 3 cả nước và cũng tăng mạnh những năm gần đây. Năm 2012, toàn tỉnh có 10.010 ha, đến năm 2018 lên 17.718 ha, vượt quy hoạch 7.718 ha và vượt 3.218 ha so với đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh mới được ban hành.
Con số đó cho thấy một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với ngành hồ tiêu Bình Phước là quy hoạch cụ thể và thực hiện theo quy hoạch, trong đó cần phân chia rõ ràng trách nhiệm của nhà nước, nhà quản lý, nhà nông để tạo ra những bậc thang vững chắc trên con đường khẳng định chất lượng hồ tiêu Bình Phước với thị trường trong nước và thế giới.
Chị Nguyễn Thị Thơm ở thôn 4, xã Long Bình (Phú Riềng) trao đổi với phóng viên về kinh nghiệm trồng tiêu của gia đình (ảnh lớn). Hạt tiêu được gia đình chị Thơm làm sạch trước khi bán cho thương lái
Bình Phước có diện tích tiêu lớn nhưng chưa hình thành được vùng chuyên canh, đi liền với điều trị được sâu, bệnh hại trên cây hồ tiêu; song song là tập trung cho nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng sẩn phẩm hồ tiêu. Trong khi đó, một bộ phận lớn nhà nông chạy theo thời giá, tùy thuộc vào “vàng trắng” hay “vàng đen” lên ngôi. Việc chọn trồng cây gì của người dân - đồng nghĩa với việc tăng, giảm diện tích, sản lượng đối với từng loại, hiện ngành chức năng gần như không thể can thiệp. Hệ quả là bao năm nay nông dân vẫn trong vòng luẩn quẩn “trồng - chặt - trồng - chặt”.
Quy hoạch vùng nguyên liệu bài bản, cụ thể, hiệu quả với hệ thống pháp lý chặt chẽ; định hướng, tuyên truyền như thế nào để người dân theo sự dẫn dắt của chuyên gia và cơ quan chức năng; làm thế nào để dự báo và cân bằng được bài toán cung - cầu, tìm lối ra ổn định cho tiêu thụ nông sản trong chuỗi sản xuất và nhiều vấn đề khác đang rất cần các chuyên gia và ngành chức năng, cơ quan thẩm quyền sớm tìm ra đáp án. Đặc biệt là đáp án đó phải được đưa ngay vào thực tiễn chứ không chỉ nằm trong các ngăn kéo.
Tại huyện Bù Đốp, nhiều nông dân đầu tư vườn tiêu theo hướng hữu cơ bền vững
Thực tế tại các vùng trồng tiêu trọng điểm của Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, hình ảnh in đậm trong tâm trí của cả người trồng tiêu cũng như cán bộ khuyến nông, cán bộ hội nông dân và lãnh đạo các xã đều ám ảnh về những vườn tiêu héo khô vì bện chết nhanh và bệnh chết chậm. Thế nhưng bao nhiêu vườn tiêu chết, cũng có ngần ấy vườn tiêu đang trong giai đoạn kiến thiết từ 2 năm, 1 năm và mới cấy nọc vừa trồng. Điều đó cho thấy, khi ở ngôi quán quân của thị trường, hồ tiêu đã đánh bật nhiều cây trồng chủ lực khác. Nay trong cơn bão mất mùa lẫn mất giá và đứng ở trung tâm cảnh báo vượt quy hoạch quá lớn, nông dân vẫn quyết định tất tay với canh bạc hồ tiêu và đối mặt với nguy cơ “đứt dây” khi “đánh đu” với quy hoạch.
Chu kỳ sinh trưởng của cây tiêu sau 3 năm mới bắt đầu cho thu hoạch và sau 5 năm mới đi vào ổn định. Nếu thất bại, không chỉ mất cả tỷ đồng trên mỗi héc ta, người dân sẽ còn phải trả giá bằng cơ hội phát triển với loại cây trồng khác. Vì thế, thoát khỏi tình trạng đánh đu với quy hoạch là bài toán cần có lời giải vô cùng bức thiết hiện nay không chỉ với nông dân trồng tiêu, mà với cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành trồng tiêu trọng điểm của cả nước. Bởi chậm một năm, là hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng của nông dân mỗi tỉnh sẽ đổ sông đổ biển.
LÀM TAN PHẦN CHÌM CỦA TẢNG BĂNG
Từ năm 2002, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới và liên tục giữ vị trí này cho đến nay. Với 55% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu mỗi năm và chiếm 60% thị phần xuất khẩu thế giới nhưng vai trò của Việt Nam trong việc dẫn dắt thị trường hồ tiêu lại không tương xứng, thậm chí có thể nói rất mờ nhạt. Nguyên nhân vì sao lại có tỷ lệ nghịch giữa vị trí và hình ảnh hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới hiện nay?
Bình Phước hiện có 17.718 ha hồ tiêu. Trong đó chỉ có khoảng 2.100 ha của 1.500 nông hộ trồng theo quy trình sản xuất tiêu sạch được chứng nhận, còn lại chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống của mỗi gia đình và không có chứng nhận nào được cấp cho người nông dân. Điều đó dẫn đến sản lượng, chất lượng hạt tiêu hầu hết không giống nhau. Trong khi đó, số doanh nghiệp thu mua hạt tiêu trên địa bàn tỉnh không nhiều và được đánh giá sạch hay không sạch, sạch đến đâu, sạch như thế nào… người dân hoàn toàn phụ thuộc vào uy tín, trách nhiệm tự nguyện của doanh nghiệp thu mua.
Một vườn tiêu của nông dân huyện Lộc Ninh được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo quy trình trồng tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm
Chị Nguyễn Thị Thơm - vua trồng tiêu của Bình Phước, ở thôn 4, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, hơn 20 năm trải qua nhiều giai đoạn trồng tiêu với những phương thức canh tác khác nhau. Năm 1998, gia đình chị trồng thủ công, cây tiêu sống nhờ vào nguồn dinh dưỡng màu mỡ của đất và nước.
Chị Thơm cho biết: “Khởi điểm gia đình tôi trồng một vài chục, lên vài trăm trụ, đến nay gia đình tôi có 25 ha tiêu. Hệ thống nước tưới đã được đầu tư tự động và cả máy xịt thuốc, bón phân không tưới bằng thủ công như trước. Tôi trồng và chăm sóc vườn tiêu theo kinh nghiệm của bản thân. Khi cần phun thuốc, bón phân, thì ra các cửa hàng vật tư nông nghiệp để mua về phun, xịt là xong. Dù sản lượng khoảng 20 tấn mỗi năm nhưng tôi chưa nghĩ đến việc ký kết thu mua với bất kỳ doanh nghiệp nào. Lúc cần tiền, gia đình bán cho thương lái vào thu mua tận nhà”.
LỢI THẾ VÀ BẤT LỢI “Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% sản lượng toàn cầu. Ngành hồ tiêu Việt Nam có nhiều cơ hội, lợi thế để chi phối thị trường thế giới. Sản phẩm hồ tiêu Việt Nam có mặt ở hơn 100 quốc gia và các vùng lãnh thổ, thị trường lớn và ổn định. Tuy nhiên, hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa dẫn dắt, điều tiết được thị trường thế giới bởi rào cản về chất lượng. Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam cao nhất thế giới nhưng chất lượng lại rất thấp, dẫn đến giá bán thấp. Nếu chúng ta giữ năng suất bình quân ở mức 3 tấn/ha kết hợp với quy trình sản xuất sạch hoặc quy trình hữu cơ sẽ là cơ hội lớn để đưa sản phẩm hồ tiêu đến với thị trường khó tính rồi từng bước chiếm lĩnh thị trường bằng chất lượng và uy tín của chính mình”. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước |
Chị lý giải việc không tham gia ký kết nào: “Tham gia hợp tác xã phải chịu rất nhiều ràng buộc, nào là quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sân phơi, đến việc chọn phân bón, thuốc chữa bệnh cho cây cũng bị kiểm soát. Mình không theo ai, không bị ràng buộc, tự do quyết định cách chăm sóc cây tiêu của mình. Việc mua bán cũng không chịu nhiều áp lực về đăng ký sản lượng, chất lượng mà chỉ cần ai mua giá cao thì bán”.
Câu chuyện của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thơm không phải là trường hợp hiếm trong quy trình sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đa số nông dân không biết được chất lượng hạt tiêu của mình đến đâu. Việc mua bán sản phẩm đều do công ty hoặc thương lái quyết định giá. Việc không cập nhật thông tin thị trường, không đầu tư công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, quy trình chăm sóc mỗi người mỗi kiểu… khiến chất lượng hạt tiêu trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn” mà người chịu thiệt không ai khác là nông dân trồng tiêu.
“Đại lý của tôi tuy có địa điểm mua trực tiếp nhưng vẫn sử dụng các thương lái đi thu gom tại vườn và mức chênh lệch từ 2-3 giá so với bán trực tiếp tại đại lý. Do tâm lý của người dân không muốn vận chuyển, không ký hợp đồng thu mua lâu dài với bất kỳ đơn vị nào mà cầu may vào thương lái mua giá cao, vì thế đại lý và đội ngũ thương lái có đất sống” - một chủ đại lý thu mua tiêu ở Lộc Ninh nói.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện các đơn vị thu mua tiêu trên địa bàn tỉnh đều là doanh nghiệp ngoài tỉnh và nước ngoài. Họ có chính sách và hệ thống “chân rết” mua bán trực tiếp với người dân. Thêm vào đó là tình trạng buôn bán tiêu qua các đường biên mậu khiến thị trường, chất lượng cũng như giá hồ tiêu trên địa bàn tỉnh khó kiểm soát hơn.
Thực trạng này cho thấy, đã đến lúc phải cân bằng mối quan hệ giữa nhà nông với doanh nghiệp, đặc biệt trong khâu mua - bán, xác định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; quản lý nhà nước với nhà nông cần có sự định hướng rõ ràng; có sự vào cuộc của các chuyên gia dẫn dắt người trồng tiêu theo một hướng cụ thể, nâng cao nhận thức cho các nông dân trồng tiêu; các chính sách của tỉnh đối với cây hồ tiêu cần xứng tầm với một nông sản chủ lực, một sản phẩm mang tầm quốc tế. Tất cả các vướng mắc trong các mối quan hệ này cần có các biện pháp tổng thể và đồng bộ mới đập tan được tảng băng chìm để hồ tiêu nhẹ nhàng cất cánh vươn xa.
PV. BĐT
Link bài viết: http://baobinhphuoc.com.vn/Content/ho-tieu-va-con-duong-dan-dat-thi-truong-the-gioi-bao-dien-tu---bai-3-46398
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065