>> Bài 1: Những bước chân đơn lẻ
>> Bài 2: Giọt nước sạch hòa vào biển lớn
>> Bài 3: Lối đi cho hồ tiêu Bình Phước
>> Bài 4: Cần một đề án tầm cỡ quốc gia
GIỌT NƯỚC SẠCH HÒA VÀO BIỂN LỚN
BPO - Hồ tiêu Việt Nam dẫn dắt thị trường với khoảng 55% sản lượng, 60% thị phần thế giới và kim ngạch xuất khẩu mang về hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Song, mỗi năm người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hàng trăm hecta tiêu chết vì dịch bệnh. Cả một thời gian dài các cơ quan chức năng vẫn chưa có mô hình chính thống cho giống tiêu nào, phương pháp canh tác nào mang lại lợi nhuận cao nhất, bền vững nhất cho người nông dân. Giữa “cơn bão” mất mùa, mất giá và bệnh dịch trên hồ tiêu, chúng tôi tìm đến những vùng “tâm bão”. Hãy là giọt nước sạch khi hòa vào biển lớn là thông điệp chúng tôi đúc kết được muốn chuyển tải tới người trồng tiêu trên địa bàn Bình Phước cũng như trên đất nước Việt Nam.
RANH GIỚI GIÀU VÀ NGHÈO
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập Nguyễn Thị Nga dẫn chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, ở thôn 10, một cựu chiến binh tham gia mặt trận Vị Xuyên, quê ở Nam Định vào Bình Phước định cư từ hơn 20 năm trước. Anh Sơn là một trong 11 người làm đơn đề nghị UBND xã can thiệp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đắk Ơ cho khoanh khoản nợ 2,2 tỷ đồng sắp đến kỳ phải trả. Anh Sơn chua chát: “Nhà có 5 ha đất, trồng tiêu 4 ha, đẹp nhất nhì vùng, đang độ sung sức 5-6 năm tuổi, mỗi nọc cao 7m, có nọc thu 8kg/vụ. Năm 2016 thu gần 20 tấn, bán được khoảng 2 tỷ đồng. Vụ 2017 còn đầu tư lò sấy 30 triệu đồng vì không đủ sân phơi. Thế mà nay phải thuê máy vào san bằng vườn tiêu để trồng cây ăn trái. Đau đớn lắm”.
Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập là xã có diện tích hồ tiêu nhiều nhất Bình Phước với 1.540ha so với 17.718 ha toàn tỉnh hiện nay. Đến cuối tháng 4-2018, danh sách tiêu chết trên địa bàn toàn xã có 455 hộ với diện tích lên đến 255 ha. UBND xã Đắk Ơ vừa nhận 11 đơn của người dân đề nghị can thiệp với ngân hàng khoanh nợ, thấp nhất 600 triệu đồng, cao nhất 2,5 tỷ đồng, nhưng không được ngân hàng chấp nhận.
Tình trạng tiêu chết ở Đắk Ơ cũng không khác là bao so với các xã thuộc 3 huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất của tỉnh là Bù Đốp, Lộc Ninh và Bù Gia Mập. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tiêu chết hàng loạt là do nhiễm bệnh, thoái hóa giống hoặc trồng trên những vùng đất không thích hợp. Hằng năm, ngành nông nghiệp vẫn duy trì các lớp tập huấn quy trình phòng trừ sâu bệnh cho hồ tiêu, nhưng tiêu chết vẫn cứ chết.
Anh Nguyễn Văn Khiển, Trưởng thôn 10, xã Đắk Ơ cho biết: Mức đầu tư mỗi nọc tiêu từ khi trồng đến ngày thu hoạch phải khoảng 500 ngàn đồng. Bình quân mỗi héc ta hồ tiêu 2.000 nọc, tổng chi phí cho một vườn tiêu đến khi thu hoạch (sau 3 năm cho trái bói, 4 năm cho thu đại trà) không dưới 1 tỷ đồng.
Như thế, đến tháng 4 mùa khô năm nay, nông dân trồng tiêu ở Đắk Ơ đã mất trắng 255 tỷ đồng. Nếu tổng hợp toàn tỉnh, con số này sẽ vô cùng lớn. Thế nhưng điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua mà các cơ quan hữu quan đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
ĐI TÌM GIỐNG TIÊU
Để tránh tình trạng tiêu chết sau 30 năm gắn bó với loài cây có thời điểm được mệnh danh là vàng đen này, đầu mùa mưa năm 2015, ông Trần Văn Cọp ở ấp Tân Thịnh, xã Tân Tiến, ( Bù Đốp) lặn lội về huyện Lộc Ninh mua 5 dây tiêu với giá 2,5 triệu đồng. Thế nhưng sau khi trồng, cả 5 dây tiêu giống chết sạch. Không nản lòng, ông trực tiếp sang Campuchia để tìm mua 400 hom giống tiêu mới về thay giống tiêu cũ. Sau 1 năm trồng, giống tiêu mới vươn lên xanh tốt. Không chỉ kháng được bệnh, chuỗi tiêu giống mới kết trái khá dài, vượt trội so với các giống tiêu khác.
“Anh cứ nghĩ mà xem, hơn 30 năm qua chúng ta cứ trồng đi trồng lại các giống tiêu Vĩnh Linh, Ấn Độ hoặc tiêu Trung chứ có giống nào khác đâu. Nếu đất không nhiễm bệnh thì dây tiêu đã nhiễm bệnh trước rồi. Cho dù chúng ta có làm vườn kỹ cỡ nào dây tiêu cứ lên phủ nọc là chết. Mà không chết mới lạ” - ông Trần Văn Cọp phân trần.
Giữa mùa mưa năm 2012, nhà nông Đặng Văn Tuấn, ấp 8, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, sang Campuchia mua về 50 hom tiêu giống. Sau 1 năm canh tác, giống tiêu mới tỏ ra khá thích hợp trên vùng đất Lộc Thuận. Gié tiêu dài chừng 20cm, trái to hơn hẳn so với giống tiêu địa phương. Năng suất mỗi nọc tiêu dao động từ 6-10kg kể từ năm thứ 4 trở lên. Ngoài việc nổi trội về năng suất, sự sinh trưởng, sức kháng bệnh của giống tiêu mới cũng khá mạnh so với những giống tiêu khác trên cùng một diện tích và phương pháp canh tác. Đầu tháng 3-2018, giống tiêu của gia đình ông được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước công nhận là giống tiêu địa phương. Đây cũng là vườn tiêu đầu tiên trên cả nước được các cơ quan chức năng xác lập vườn giống đầu dòng với những thông số kỹ thuật dựa trên cơ sở số liệu ghi chép một cách khoa học hết sức rõ ràng.
Từ tỉnh Quảng Bình tìm đến xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp làm thuê 8 năm, ông Nguyễn Tiến Hóa mới tích lũy được ít vốn mua 5 sào đất trồng tiêu. Đến nay, vườn tiêu của gia đình ông đã đi qua 28 năm. Trước tình thế giá tiêu xuống thấp cùng với vườn tiêu già cỗi, ông Hóa quyết định trồng lại vườn tiêu mới. Thế nhưng giống nào để thay cho giống cũ ông vẫn mù tịt trước thị trường giống tiêu hiện nay.
Sau khi 5 sào tiêu chết sạch, ông Nguyễn Văn Long ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, vẫn lựa chọn cây tiêu để tiếp tục làm kế mưu sinh cho gia đình. Việc chọn giống của nhà nông này dựa vào phương pháp nhân giống truyền thống, vườn này chuyển cho vườn khác, giống tiêu nhà này chuyển cho nhà khác…
Lý do đơn giản các nông hộ trên địa bàn các huyện Bù Đốp, Bù Đăng, Bù Gia Mập lựa chọn cây hồ tiêu làm kinh tế là do tập quán canh tác đã nằm lòng trong tâm thức của họ. Từng thời kỳ phát triển của cây tiêu từ khi đặt hom giống xuống đất đến khi ra bông, đậu trái, nuôi trái, dưỡng vườn gần như nhà nông nào cũng thuộc lòng. Niềm đam mê và tường tận hồ tiêu của người dân là thế, nhưng có một nghịch lý hiện nay là phần lớn các nông hộ trồng tiêu không biết đâu là giống tiêu sạch bệnh để tái đầu tư sản xuất. Không mô hình trình diễn trên thực tế, không ai tuyên truyền về giống, cơ quan chức năng cũng mới khẳng định trên hồ sơ rằng giống tiêu BP-TĐT1 có nhiều ưu điểm nổi trội so với các giống tiêu trước đây. Do vậy, người trồng tiêu cứ loay hoay trong tâm trạng bán tín, bán nghi giống tiêu BP-TĐT1 để cuối cùng lựa giống theo kinh nghiệm nhà vườn vừa rẻ tiền vừa dễ tìm mà không biết cây giống ấy có nhiễm bệnh hay không.
HÃY LÀ GIỌT NƯỚC SẠCH
Qua nhiều vòng giới thiệu từ bạn bè thân quen trong lĩnh vực nông nghiệp, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà nông Nguyễn Quang Hợp ở thôn Bình Hòa, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng. Anh là nhà nông đầu tiên của tỉnh Bình Phước trồng tiêu theo hướng hữu cơ từ năm 2011 đến nay, với tổng diện tích 1,6 ha. Ngoài anh, còn có 4 nông hộ khác ở xã Nghĩa Bình cùng áp dụng quy trình canh tác hồ tiêu hữu cơ, trong đó 3 hộ đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn châu Âu. Tất cả diện tích hồ tiêu của các nông hộ này chỉ dùng phân chuồng ủ với nấm đối kháng trichoderma bón cho vườn cây. Để phòng bệnh cho hồ tiêu, mỗi năm bón 4 lần nấm trichoderma. Vườn cây xuất hiện sâu bệnh chỉ sử dụng 100% thuốc sinh học để chữa bệnh. Đối với cỏ dại, chỉ dùng dùng máy cắt hoặc làm tay, tuyệt nhiên không dùng thuốc trừ cỏ. Với phương pháp canh tác ấy, vườn tiêu cho năng suất dao động từ 3-5 tấn/năm.
Năm 2016, giá hồ tiêu trên thị trường trong nước giảm còn 150-180 ngàn đồng/kg. Theo giá thị trường, anh bán sản phẩm cho Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà với giá 180 ngàn đồng/kg. Sau khi gửi mẫu sản phẩm kiểm nghiệm đạt chuẩn hữu cơ, công ty nâng giá hạt tiêu của anh lên 220 ngàn đồng/kg. Bước sang năm 2017, giá hồ tiêu trên thị trường tiếp tục lao dốc xuống còn 70-90 ngàn đồng/kg nhưng 5,6 tấn tiêu của anh bán với giá 150 ngàn đồng/kg. Mới đây nhất, anh Nguyễn Đức Khoa - thành viên nhóm canh tác hồ tiêu hữu cơ ở xã Nghĩa Bình được công ty thưởng 150 triệu đồng sau khi cho kết quả kiểm nghiệm 3 tấn tiêu của anh đạt chuẩn hữu cơ. Hiệu quả kinh tế canh tác hồ tiêu hữu cơ đã thấy rõ. Thế nhưng toàn tỉnh hiện nay chỉ có 5 hộ ở xã Nghĩa Bình đang tự nguyện thực hiện canh tác theo hướng này, trong đó mới có 3 hộ được doanh nghiệp hỗ trợ cấp giấy chứng nhận nông nghiệp đạt chuẩn châu Âu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành (bên phải) kiểm tra hiện trạng tiêu chết hàng loạt tại vườn của hộ ông Bùi Quang Cảnh ở ấp Tân Đông
Việc cấp giấy chứng nhận phương pháp canh tác hữu cơ đạt chuẩn châu Âu rất tốn kém, mỗi mô hình phải chi phí ít nhất từ 2.500-3.300 USD/giấy. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận phải được thực hiện hằng năm. Chưa dừng lại ở đó, sau khi có giấy chứng nhận, đơn vị thu mua bao giờ cũng lấy mẫu đem đi phân tích chất lượng sản phẩm, sau đó mới đưa ra giá chính thức. Có một thực tế là giá tiêu hữu cơ trên thị trường hiện nay chỉ có đơn vị thu mua quyết định, người bán phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị thu mua.
Sản xuất theo tiêu chuẩn của Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đang được nhiều nông hộ trồng tiêu trên địa bàn Bình Phước áp dụng. Anh Nguyễn Quốc Mạnh ở ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, sản xuất theo tiêu chuẩn ấy, cho biết: “Để được tham gia câu lạc bộ hồ tiêu do Nedspice thành lập, nông dân phải trải qua nhiều lần tập huấn. Ngoài đảm bảo đủ diện tích theo yêu cầu thì cần phải thực hiện đúng bộ quy định với 102 tiêu chí gồm nhiều lĩnh vực. Bước đầu rất khó khăn, nhất là việc phải bỏ tư duy và thói quen sản xuất truyền thống, tạo thói quen mới trong trồng, chăm sóc tiêu như tính kỹ lưỡng, tỉ mỉ trong từng khâu để cho ra sản phẩm tiêu đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là điều rất khó vì đã mấy chục năm trồng tiêu theo hướng vô cơ, tự do không có một quy trình, tiêu chí cụ thể. Giờ chăm sóc bài bản thì nông dân được lợi rất nhiều. Năng suất vườn tiêu của gia đình tôi không giảm, còn chất lượng luôn đạt A+. Mỗi năm tôi được thưởng 17 triệu đồng vì đạt tất cả tiêu chí đã đăng ký với công ty ngay đầu vụ thu hoạch như sản lượng, chất lượng...”.
Ngoài 5 hộ ở Bù Đăng, trên địa bàn Bình Phước hiện có 24 câu lạc bộ sản xuất theo tiêu chí Rainforest Alliance và 36 câu lạc bộ sản xuất theo tiêu chí bền vững với tổng cộng hơn 1.500 hộ tham gia, tổng cộng khoảng 2.100 ha, thuộc Dự án Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty gia vị Nedspice Việt Nam thực hiện từ năm 2013 đến nay. Trong vùng dự án chất lượng hồ tiêu đạt tiêu chuẩn châu Âu liên tục tăng. Thế nhưng, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh có tới 17.718 ha, đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm hầu hết trong số đó đang là một dấu hỏi chưa có lời giải đáp.
Vì thế, cũng như ở các vựa khác trong cả nước, hồ tiêu của Bình Phước khi xuất khẩu còn gặp rào cản kỹ thuật và vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm rất lớn từ các nước nhập khẩu như Mỹ, Nhật và EU...
PV. BĐT
Link bài viết: http://baobinhphuoc.com.vn/Content/ho-tieu-va-con-duong-dan-dat-thi-truong-the-gioi-bao-dien-tu---bai-2-51414
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065