>> Bài 1: Ranh giới giữa tỷ phú và tay trắng
>> Bài 2: Vị cay ở vựa tiêu
>> Bài 3: Vùng đất hứa
>> Bài 4: Giống tiêu nào cho Bình Phước
>> Bài 5: Hãy là giọt nước sạch khi hòa vào biển lớn
>> Bài 6: Organic đạt tiêu chuẩn châu Âu - tại sao không?
>> Bài 7: Hạt tiêu mà biết nói năng...
NÔNG DÂN VẪN LUÔN THUA THIỆT?
Nhiều năm nay, người trồng tiêu thường rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, thậm chí còn rơi vào tình trạng vừa mất mùa vừa mất giá. Làm thế nào để người trồng tiêu Bình Phước nói chung và Việt Nam nói riêng định giá được sản phẩm và làm chủ thị trường hồ tiêu thế giới đang là câu hỏi lớn trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Phần chìm của tảng băng
Kinh nghiệm hơn 20 năm của gia đình chị Nguyễn Thị Thơm ở thôn 4, xã Long Bình, huyện Phú Riềng trải qua nhiều giai đoạn trồng tiêu với những phương thức canh tác khác nhau. Năm 1998, gia đình chị trồng thủ công, cây tiêu sống nhờ vào nguồn dinh dưỡng màu mỡ của đất và nước. “Khởi điểm gia đình tôi trồng một vài chục, lên vài trăm, rồi dần lên khoảng 2.000 trụ tiêu. Mỗi sáng sớm và chiều mát, vợ chồng tôi gánh nước bằng đôi vai và chân trần từ suối lên tưới cho vườn tiêu. Mỗi gánh nước tưới được 8 gốc tiêu. Gánh tưới xoay vòng cho cây tiêu nào cũng đủ nước sống. Trải qua nhiều lần mở rộng diện tích, đến nay gia đình tôi có 25 ha tiêu. Hệ thống nước tưới đã được đầu tư tự động và cả máy xịt thuốc, bón phân” - chị Thơm cho biết.
Vườn tiêu của bà Nguyễn Thị Như, ấp 7, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) được Trạm khuyến nông huyện Bù Đốp hướng dẫn đầu tư, chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh học nhưng sản phẩm hạt tiêu vẫn bán theo giá thị trường trôi nổi
Sau hơn 20 năm canh tác hồ tiêu, gia đình chị Thơm không theo bất kỳ mô hình canh tác nào của doanh nghiệp hay cơ quan chức năng mà theo kinh nghiệm của chính bản thân mình. Khi cần phun thuốc, bón phân, chị Thơm chỉ ra các cửa hàng vật tư nông nghiệp để mua về phun, xịt là xong. Đặc biệt, với sản lượng khoảng 20 tấn mỗi năm nhưng gia đình chị chưa từng và chưa nghĩ đến việc ký kết thu mua với bất kỳ doanh nghiệp nào. Đến lúc cần tiền, gia đình chị cứ bán cho thương lái vào thu mua tận nhà. “Tham gia hợp tác xã phải chịu rất nhiều ràng buộc, nào là quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sân phơi, đến việc chọn phân bón, thuốc chữa bệnh cho cây cũng bị kiểm soát. Mình không theo ai, không bị ràng buộc, tự do quyết định cách chăm sóc cây tiêu của mình. Việc mua bán cũng không chịu nhiều áp lực về đăng ký sản lượng, chất lượng mà chỉ cần ai mua giá cao thì bán” - chị Thơm nói.
Câu chuyện của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thơm không phải là trường hợp hiếm trong quy trình sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đa số nông dân không biết được chất lượng hạt tiêu của mình đến đâu. Việc mua bán sản phẩm đều do công ty hoặc thương lái quyết định giá. Việc không chịu cập nhật thông tin thị trường, không đầu tư công nghệ kỹ thuật vào sản xuất, quy trình chăm sóc mỗi người mỗi kiểu khiến chất lượng hạt tiêu trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn” mà người chịu thiệt không ai khác là nông dân trồng tiêu.
Bình Phước hiện có 17.718 ha hồ tiêu. Trong đó 2.100 ha được 1.500 nông hộ trồng theo quy trình sản xuất tiêu sạch của Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam. 15.618 ha tiêu còn lại được chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống của mỗi gia đình. Điều đó dẫn đến sản lượng, chất lượng hạt tiêu của 15.618 ha không giống nhau. Trong khi đó, số doanh nghiệp thu mua hạt tiêu trên địa bàn tỉnh không nhiều, các thương lái bất chấp chất lượng khi nguồn cung khan hiếm. Bình Phước hiện có Công ty Nedspice Việt Nam là đơn vị thu mua lớn nhất với yêu cầu về quy trình chăm sóc hồ tiêu cho 1.500 hộ dân tham gia ở 60 câu lạc bộ tiêu sạch. Nếu sản phẩm của các nông hộ trong câu lạc bộ đạt chuẩn tiêu sạch sẽ được công ty thưởng. Tuy nhiên sạch hay không sạch, sạch đến đâu, sạch như thế nào người dân hoàn toàn phụ thuộc vào uy tín, trách nhiệm tự nguyện của công ty.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện các đơn vị thu mua tiêu trên địa bàn tỉnh đều là doanh nghiệp ngoài tỉnh và nước ngoài. Họ có chính sách và hệ thống “chân rết” mua bán trực tiếp với người dân. Thêm vào đó là tình trạng buôn bán tiêu qua các đường biên mậu khiến thị trường chất lượng cũng như giá hồ tiêu trên địa bàn tỉnh khó kiểm soát hơn.
Những bậc thang đến ngôi vị quán quân
Có lẽ để đảm bảo quyền lợi của chính mình, nông dân cần nắm bắt nhu cầu thị trường thế giới để chuyển đổi nhận thức, thay đổi cách sản xuất; áp dụng quy trình kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, nông dân cần liên kết với nhau trong sản xuất, bằng cách tham gia hoặc thành lập các tổ hợp tác, câu lạc bộ... để chia sẻ kinh nghiệm, tìm đầu ra ổn định, tránh rơi vào trường hợp thông qua thương lái - đội quân thu gom của các đại lý được hưởng chênh lệch giá.
LỢI THẾ VÀ BẤT LỢI “Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% sản lượng toàn cầu. Ngành hồ tiêu Việt Nam có nhiều cơ hội, lợi thế để chi phối thị trường thế giới. Sản phẩm hồ tiêu Việt Nam có mặt ở hơn 100 quốc gia và các vùng lãnh thổ, thị trường lớn và ổn định. Tuy nhiên, hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa dẫn dắt, điều tiết được thị trường thế giới bởi rào cản về chất lượng. Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam cao nhất thế giới nhưng chất lượng lại rất thấp, dẫn đến giá bán thấp. Nếu chúng ta giữ năng suất bình quân ở mức 3 tấn/ha kết hợp với quy trình sản xuất sạch hoặc quy trình hữu cơ sẽ là cơ hội lớn để đưa sản phẩm hồ tiêu đến với thị trường khó tính rồi từng bước chiếm lĩnh thị trường bằng chất lượng và uy tín của chính mình”. Bà Lê Thị Anh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
“Đại lý của tôi tuy có địa điểm mua trực tiếp nhưng vẫn sử dụng các thương lái đi thu gom tại vườn và mức chênh lệch từ 2-3 giá so với bán trực tiếp tại đại lý. Do tâm lý của người dân không muốn vận chuyển, không ký hợp đồng thu mua lâu dài với bất kỳ đơn vị nào mà cầu may vào thương lái mua giá cao, vì thế đại lý và đội ngũ thương lái có đất sống” - một chủ đại lý thu mua tiêu ở Lộc Ninh cho biết.
Thực tế cho thấy, nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh muốn dần chuyển vị thế từ phụ thuộc thương lái, thị trường quyết định giá cả sang định giá sản phẩm hạt tiêu của mình, dẫn dắt thị trường thì phải xây dựng cho bằng được thương hiệu. Từ khâu chọn giống đến quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ phải được cập nhật mỗi ngày. Sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng tất yếu của thị trường trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sản phẩm hữu cơ hiện nay trên thế giới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu tiêu thụ. Do vậy, người trồng tiêu cần phải trang bị kiến thức kết hợp với kinh nghiệm sản xuất trong thực tiễn để đẩy mạnh tốc độ sản xuất theo hướng hữu cơ, đồng thời nâng cao giá thành của hồ tiêu. Để tiến lên vị trí số 1 trên thị trường thế giới, người trồng tiêu Bình Phước phải tự “cởi trói” cho mình. Tuy nhiên, để cởi trói cho mình, nông dân cần xác định được đâu là tảng đá đang níu chân làm hạt tiêu Bình Phước chưa thể bước lên vị trí số 1.
Ngọc Bích - Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065