>> Bài 1: Ranh giới giữa tỷ phú và tay trắng
>> Bài 2: Vị cay ở vựa tiêu
>> Bài 3: Vùng đất hứa
>> Bài 4: Giống tiêu nào cho Bình Phước
>> Bài 5: Hãy là giọt nước sạch khi hòa vào biển lớn
>> Bài 6: Organic đạt tiêu chuẩn châu Âu - tại sao không?
HẠT TIÊU MÀ BIẾT NÓI NĂNG...
Chiếm hơn 60% thị phần sản lượng hạt tiêu xuất khẩu hằng năm, Việt Nam đang giữ vị trí quán quân về sản lượng tiêu xuất khẩu trên thế giới. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam 95% dành cho xuất khẩu, 5% sử dụng trong nước. Thế nhưng giá trị hạt tiêu Việt Nam lại bị đánh giá lép vế so với các nước khác. Vì sao lại như vậy và nếu biết nói, hạt tiêu đang muốn nói lên điều gì?
Không quan tâm người mua sản phẩm của mình “là ai”, đến từ đâu, sản phẩm sẽ được đưa đến thị trường nào, thị trường khắt khe hay dễ tính... Thậm chí cả những hộ đã tham gia câu lạc bộ tiêu sạch, sau khi cố gắng làm sạch sản phẩm của mình từ khâu chăm sóc, sản xuất, phơi, sàng bụi theo yêu cầu của bên ký kết thu mua, nhưng những “rác tiêu” như tiêu lép, cám tiêu vẫn tận dụng bán lại cho thương lái với quan điểm “có người mua thì mình bán”, được đồng nào hay đồng đó. Sự vô tư của họ khiến tôi trăn trở trong suốt hành trình đi tìm “tiếng nói công bằng” cho những nông dân trồng tiêu chân chính.
SỰ “VÔ TƯ” CỦA NÔNG DÂN
Chị Nguyễn Thị Kim Phượng ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước (Bù Đốp) có 5 ha tiêu, hiện 3.000 nọc đang cho thu hoạch. Năm 2017, chị thu được trên 10 tấn nhưng vụ tiêu năm 2018 chỉ được 3 tấn và giá thấp nên mới thu về khoảng 180 triệu đồng. Do tham gia Hợp tác xã tiêu sạch Hưng Phước (Bù Đốp), để đáp ứng tiêu chí khắt khe về chất lượng của hợp tác xã đưa ra, chị Phượng phải làm sạch sản phẩm tiêu để bán được giá cao. Những cám tiêu, tiêu lép chị vẫn để dành khi có thương lái thu mua thì sẽ bán.
Chị Nguyễn Thị Thơm ở thôn 4, xã Long Bình (Phú Riềng) trao đổi với phóng viên về kinh nghiệm trồng tiêu của gia đình (ảnh lớn). Hạt tiêu được gia đình chị Thơm làm sạch trước khi bán cho thương lái
“Năm nay tiêu rớt giá nên cám tiêu, tiêu lép thương lái thu mua rất rẻ, khoảng 15.000 đồng/kg. Nhưng có người mua thì mình bán, được đồng nào hay đồng đó để bù vào các khoản chi phí chăm sóc vườn tiêu” - chị Phượng cho biết. Cùng quan điểm như chị Phượng, bà Nguyễn Thị Nga ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước cũng tận thu như vậy để bù lại những thất bát do thời tiết gây ra. “Tôi không tham gia câu lạc bộ hay hợp tác xã tiêu sạch nào, nhưng để được giá, tôi thường làm sạch tiêu bán cho thương lái. Năm nay, cám tiêu và tiêu lép bán khoảng 15.000 đồng/kg. Những năm trước giá cao thì tiêu cám, tiêu lép được thương lái mua triệt để, có người ngỏ ý xin, nếu không cho họ sẽ mua” - bà Nga nói.
Hạt tiêu của Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung có mặt tại hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính. Nhưng những nông hộ trồng tiêu ở Bình Phước chúng tôi gặp, dù theo hướng vô cơ hay hữu cơ cũng không quan tâm sản phẩm của mình sẽ đến được với thị trường nào, cho dù có hộ sở hữu diện tích lên đến hàng chục hécta với sản lượng hằng năm hàng chục tấn.
SỰ “VÔ TƯ” CỦA TIỂU THƯƠNG
Là một người có thâm niên trong lĩnh vực thu mua tiêu ở Lộc Ninh nhưng anh Nguyễn Văn Thương (tên nhân vật đã thay đổi) vẫn không thể biết hạt tiêu do đại lý mình thu mua về được đại lý cấp trên mua và đưa đến thị trường nào. “Đại lý của tôi thu mua tiêu từ các hộ nông dân với 2 hình thức mua trực tiếp tại cửa hàng và sử dụng đội ngũ lưu động (thương lái) đi đến các hộ dân để thu mua. Thương lái được hưởng chênh lệch từ 200-300 đồng/kg tiêu” - anh Thương cho biết.
Việc thu mua tiêu qua hệ thống thương lái tự do về lâu dài sẽ có hệ lụy khôn lường cho ngành tiêu trên địa bàn tỉnh. Bởi thường các thương lái thu mua không qua kiểm tra chất lượng như test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đo độ, giem tiêu... Chưa tính đến việc đo lường, test thông qua những phương pháp truyền thống không theo khoa học - kỹ thuật dẫn đến kết quả không chính xác khiến nông dân thiệt thòi. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất là việc thu mua tràn lan của các thương lái dẫn đến pha trộn giữa tiêu sạch với tiêu bẩn, vô hình trung sẽ không phân loại được giá trị sản phẩm. Điều này đã đánh đồng các sản phẩm tiêu được sản xuất từ nhiều quy trình khác nhau, tạo ra sự bất công đối với các hộ sản xuất tiêu sạch.
Thị trường Việt Nam chỉ có trên 10 đơn vị tham gia liên kết và thu mua hồ tiêu của nông dân như: Olam Việt Nam, Phúc Sinh, Hanfimex Việt Nam, Nedspice... Thời gian qua, đã có không ít trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện về việc “hô biến” tiêu dơ của những thương lái bất lương. Trong lịch sử xuất khẩu ngành tiêu của Việt Nam cũng có không ít lô hàng bị trả về do không đạt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, việc thu mua và bán các loại tiêu không đạt chất lượng sẽ khiến thị trường tiêu thêm khó kiểm soát.
Thế giới đang hướng đến “thị trường phẳng”. Ngành hồ tiêu của tỉnh Bình Phước cũng như của Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước sân chơi lớn như hiện nay, sự “vô tư” trong chăm sóc, mua - bán, bảo quản hạt tiêu của cả nông dân và các thương lái đã làm cho việc kiểm soát chất lượng hạt tiêu càng khó khăn hơn.
Sự phản hồi của thị trường về chất lượng sản phẩm đặt ra vấn đề rất lớn cho nông hộ trồng tiêu - người trực tiếp quyết định chất lượng sản phẩm trong sản xuất, bảo quản. Nếu vẫn vô tư chạy theo năng suất, tận dụng phế phẩm như cám tiêu, rác tiêu để tận thu thì không ai khác - chính họ đã tự cầm dao cắt vào tay mình. Bởi khi sản phẩm kém chất lượng bị phát hiện trên thị trường sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng chung của ngành tiêu Việt Nam và người trồng tiêu sẽ thiệt thòi nhất, gấp nhiều lần so với số tiền ít ỏi mà họ đã tận thu trước đó. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay việc tìm vị thế cho hồ tiêu Bình Phước nói riêng và của Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới không chỉ là 1 năm mà cả một chặng đường.
Thế nhưng, chuyện không chỉ có như vậy!
VÀ NHỮNG BÍ ẨN
Tất cả những điều đó dường như đã rất rõ ràng, doanh nghiệp nào cũng biết và có lẽ phần lớn người trồng tiêu cũng biết. Có 2 câu hỏi đặt ra. Thứ nhất, nông dân biết như vậy, sao vẫn làm? Thứ hai, những người trong cuộc đã và đang làm gì với hạt tiêu Việt Nam?
Không khó lý giải câu hỏi thứ nhất. Bởi người trồng tiêu cũng như trồng cây gì đi nữa, luôn đặt lợi ích của cá nhân mình lên trước. Sản phẩm của họ làm ra vẫn được tiêu thụ (hợp pháp) và tiêu thụ được (có người thu mua). Cơ quan chức năng, nhà nước đến nay chưa có bất kỳ một quy chuẩn nào đối với quy trình sản xuất hồ tiêu dành cho người nông dân, thậm chí việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng hoặc kém chất lượng cũng rất lỏng lẻo thì khó có thể trách cứ người trồng tiêu.
Hơn 20 năm nay, tôi chỉ trồng bằng kinh nghiệm, chưa tham gia một quy trình sản xuất nào và cũng chưa từng nghĩ đến ký kết bán tiêu lâu dài với một đơn vị cụ thể. Có thể sắp tới tôi sẽ lựa chọn một đơn vị ký kết để hạn chế rủi ro. Chị Nguyễn Thị Thơm, có 25 ha tiêu ở thôn 4, xã Long Bình, huyện Phú Riềng |
Sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu 95% sản lượng, chỉ 5% tiêu dùng trong nước. Cả nước hiện có khoảng 100.000 ha hồ tiêu, trong đó Bình Phước có 17.718 ha. Trong số 17.718 ha của Bình Phước, mới chỉ 2.100 ha tham gia mạng lưới sản xuất theo tiêu chuẩn của Nedspice; còn lại 15.618 ha gần như chưa tham gia một quy chuẩn sản xuất tiêu sạch nào, chưa được một tổ chức, doanh nghiệp nào kiểm nghiệm và công nhận là tiêu sạch. Giả sử sản lượng và diện tích có tỷ lệ tương đương nhau và tất cả sản lượng chưa theo quy chuẩn sản xuất tiêu sạch nào đều được để lại sử dụng trong nước (còn lại sản xuất theo tiêu chuẩn sạch để xuất khẩu), thì chỉ riêng của Bình Phước đã chiếm 15,618% cả nước - gấp 3,2 lần con số 5% các cơ quan chức năng công bố. Và nếu các địa phương khác cũng như Bình Phước thì thực tế ngành nông nghiệp hồ tiêu chỉ có khoảng 30% sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp, 70% do nông dân tự quyết.
Vấn đề này dẫn tới câu hỏi thứ 2: Rốt cuộc đều xuất khẩu được cả. Vậy phần lớn sản lượng sản xuất chưa theo quy chuẩn ấy đã được tiêu thụ như thế nào, kiểm soát ra sao? Người trồng theo quy chuẩn xứng đáng phải được thu mua với giá như thế nào, giá trị thực của hạt tiêu Việt Nam đến đâu? Vì sao khi có biến động thị trường chủ yếu nông dân phải chấp nhận? Đây là những câu hỏi chỉ có 2 đối tượng trả lời được, một là “người trong cuộc thực sự”, hai là chỉ khi hạt tiêu biết nói và nói lên con đường mà nó đã đi mới có thể sáng tỏ được.
Ngọc Bích
Kỳ sau: Nông dân vẫn luôn thua thiệt?
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065