RANH GIỚI GIỮA TỶ PHÚ VÀ TAY TRẮNG
Giữa “cơn bão” mất mùa, mất giá và bệnh dịch trên hồ tiêu, chúng tôi tìm đến những vùng “tâm bão”.
Tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, trước khi đi thực tế, chúng tôi làm việc với Chủ tịch UBND xã Trần Văn Linh, Phó chủ tịch UBND xã Vũ Đức Duy và Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Thị Nga - người vừa trực tiếp phụ trách việc khảo sát tình hình tiêu chết tại các thôn. Trong khoảng 45 phút, ghi chép của chúng tôi có nội dung chính: Đắk Ơ là xã trồng tiêu nhiều nhất Bình Phước, chiếm xấp xỉ 1/10 diện tích tiêu toàn tỉnh với 1.540/17.718 ha. Đến cuối tháng 12-2017, danh sách tiêu chết có 455 hộ, diện tích hơn 200 ha, đến cuối tháng 4-2018, lên 255 ha. UBND xã vừa nhận 11 đơn của người dân đề nghị can thiệp với ngân hàng khoanh nợ, thấp nhất 600 triệu đồng, cao nhất 2,5 tỷ đồng, nhưng không được ngân hàng chấp nhận. Chữa bệnh cho vườn tiêu như chữa bệnh cho người bị ung thư.
CHOÁNG vì TIÊU CHẾT
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ơ Nguyễn Thị Nga dẫn chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, ở thôn 10, một cựu chiến binh tham gia mặt trận Vị Xuyên, quê ở Nam Định. Anh Sơn là một trong 11 người làm đơn đề nghị UBND xã can thiệp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đắk Ơ cho khoanh khoản nợ 2,2 tỷ đồng sắp đến kỳ phải trả. Khoản nợ này bằng đúng số tiền vợ chồng anh bỏ ra xây căn nhà trong 2 năm 2016-2017.
Anh Nguyễn Văn Sơn cay đắng khi phải thuê máy múc xới tung vườn tiêu năm trước còn cho thu hàng tỷ đồng để chuẩn bị trồng cây ăn trái
Khi chúng tôi tới, bên hông nhà có chiếc xe máy xúc nổ ình ình đang xới tung vườn tiêu của gia đình lên. Anh Sơn chua chát: “Nhà có 5 ha đất, trồng tiêu 4 ha, đẹp nhất nhì vùng, đang độ sung sức 5-6 năm tuổi, mỗi nọc cao 7m, có nọc thu 8kg/vụ. Năm 2016 thu gần 20 tấn, được khoảng 2 tỷ đồng. Vụ 2017 còn đầu tư lò sấy 30 triệu đồng vì không đủ sân phơi. Thế mà nay phải thuê máy vào san bằng đi. Đau đớn lắm”.
“Tiêu chết thấy choáng luôn” - chị Lâm Thị Hương, vợ anh Sơn nghẹn giọng nói với chúng tôi. Không choáng sao được khi tiền nợ ngân hàng treo trong nhà mà cả vụ tiêu năm nay gia đình anh chị chỉ thu được khoảng 1 tấn và vườn tiêu đã chết hơn nửa chỉ trong mấy tháng mùa khô. Anh Sơn xúc động: “Tôi xác định nó (hồ tiêu - PV) có thể sẽ chết hết, nhưng cứ để chết đến đâu ủi đến đó, không nỡ phá đi ngay. Hôm nay tiêu vẫn xanh tươi, nhưng sáng mai khi mặt trời lên đã vàng từ gốc đến ngọn từng vạt, lan rất nhanh. Chết chỗ nào nhổ chỗ đó để xử lý tránh lây sang vạt khác”. Chị Hương cay đắng: “Đầu năm nay gi đình mua thuốc hết 100 triệu đồng để cứu vườn. Kết quả tiền mất mà tiêu vẫn chết. Giờ chết nọc nào thì chết, còn nọc nào thì còn, gia đình khánh kiệt rồi”.
Năm ngoái, 2 gian nhà kho khoảng 50m2 của tôi chất đầy, một bên tiêu, một bên điều, mỗi gian cả chục tấn. Năm nay, mỗi gian không nổi 1 tấn. Vụ vừa rồi tôi bỏ ra 100 triệu đồng, gồm 70 triệu tiền thuốc, 30 triệu đồng tiền phân bón nhưng tiêu chết vẫn chết. Anh Nguyễn Công Nhiệm, thôn 10, xã Đắk Ơ |
Cùng cảnh ngộ, anh Sơn dẫn chúng tôi sang hàng xóm, nhà anh Nguyễn Công Nhiệm. Căn nhà của anh Nhiệm cũng mới và lớn không kém nhà anh Sơn. Thời điểm này năm trước, sân nhà anh phơi tiêu kín đặc. Năm nay, thay vào đó, anh Nhiệm đang quây lại một góc để 500 cây giống gồm sầu riêng monthong, mít siêu sớm và bưởi da xanh. Số cây giống này được chuẩn bị để thay toàn bộ vườn tiêu 3 ha của gia đình anh vừa “biến mất” chỉ sau một mùa khô. Vườn tiêu cũng thuộc loại đẹp nhất nhì trong vùng của gia đình anh, nay trơ nọc gỗ xám xịt.
Anh Nhiệm quê ở Hà Nam, vào thôn 10 lập nghiệp đến nay 25 năm. Ngày mới vào, vợ chồng anh sống chết với cây điều. Được 10 năm, cao su lên giá, anh cưa vườn điều trồng cao su. Khi cao su được 7-8 năm, tiêu bắt đầu có giá, anh lại cưa vườn cao su trồng tiêu. Và bây giờ, tiêu 7-8 tuổi, lại tự tay phá vườn tiêu để trồng cây ăn trái. Anh Nhiệm phân trần: “Chạy theo thời giá không khác gì đánh bạc. Gia đình nợ ngân hàng 1,5 tỷ đồng, may mắn có 4 mẫu điều chống lưng, không thì sụm xương sống”.
ĐÃ có bao nhiêu tỷ đồng bị đốt?
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Bình Phước cuối tháng 4-2018, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Giá tiêu xuống thấp, một số nông dân trong tỉnh bỏ bê vườn, ít đầu tư chăm sóc. Diện tích này xuất hiện sâu bệnh hại và gây chết nhiều vào thời điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018. Ngành nông nghiệp đã thống kê tại huyện Bù Đốp tiêu chết 148,94 ha, huyện Bù Gia Mập chết 150,8 ha, huyện Lộc Ninh chết 25 ha... Ngành đang xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn bảo vệ và kiểm dịch thực vật. |
“Chỗ nào thấy khói là vườn của tôi” là cách anh Điểu Lôm - một trong những người trồng tiêu nổi tiếng ở thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ, chỉ đường cho chúng tôi đến vườn của anh. 2 năm trước, anh Lôm là nông dân giỏi cấp huyện. Cột khói bốc lên cao đủ để chúng tôi ở xa vài trăm mét cũng thấy. Anh Lôm đang gom đốt những dây tiêu vừa nhổ bỏ khỏi trụ. 2.000 nọc tiêu gồm 600 nọc 20 năm tuổi, 1.400 nọc 5 năm tuổi đã trơ dây khô đen. Cười chua xót, anh Lôm nói: “Thời điểm giá tiêu 16 ngàn đồng/kg bỏ luôn không chăm sóc mà nó không chết. Giờ chăm bẵm tối ngày nó lại chết hết”.
Năm 2017, vì địa hình vườn dốc nên anh Lôm vay ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư làm bồn, mua phân tro. Vừa làm bồn xong thì tiêu chết hết. “Mầm bệnh nó đang ở dưới đất. Biết vốn đầu tư cao nhưng không thể trồng trên đất cũ được nữa, trồng lại vẫn sẽ chết” - anh Lôm quả quyết. Và anh đã quyết định chặt nọc sống bán củi, thuê máy múc về làm lại đất để trồng điều - dù chỉ cách đây 5 năm, phần lớn diện tích này chính là một vườn điều đang cho năng suất tốt.
Trưởng thôn 10 Nguyễn Văn Khiển có 2 ha tiêu 3 năm tuổi cho biết đầu tư vườn tiêu bình quân đến khi thu hoạch 500-600 ngàn đồng/nọc, 1 ha không dưới 1 tỷ đồng. Con số này cho thấy chỉ qua một mùa khô, số tiền biến mất theo các vườn tiêu ở Đắk Ơ đủ để nâng cấp, cứng hóa toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn xã.
Ván cuối ở ngã bảy đường
Khi cái bóng tròn dưới chân, ông Nguyễn Văn Long, ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp vẫn đứng bần thần trên 5 sào hồ tiêu chỉ còn trơ trụ. Giải thích lý do tiếp tục chọn cây tiêu làm “ván bài định mệnh” cho phương án kinh tế gia đình, ông Long cho biết: “Đất ít. Trồng cao su, điều không được bao nhiêu. Cây tiêu vẫn là ứng cử viên “số 1”. Mặc dù biết nó như “nàng công chúa khó tính”, nhưng đã nhiều năm gia đình tôi trồng tiêu, tích lũy được nhiều kinh nghiệm chăm sóc, cơ sở vật chất, giống cũng sẵn có, nên tiếp tục gắn bó với nó. Nếu chuyển qua cây trồng khác thì nhiều bất lợi vì thiếu kinh nghiệm và phải đầu tư lại từ đầu”. Bà Nguyễn Thị Nga, vợ của ông Long, cho biết: “Gia đình có 2 ha tiêu nhưng hiện chỉ 500 nọc đã cho thu hoạch, còn 2.000 nọc qua năm mới được thu bói. 1.000 nọc 2 năm trước đột ngột bị bệnh, đầu tư chăm sóc rất nhiều, mua thuốc về phun, xịt nhưng chết vẫn cứ chết. Để trống 2 năm cải tạo đất, năm nay giá tiêu xuống rất thấp, nhưng tôi vẫn quyết định tiếp tục vay tiền để đầu tư trồng tiêu lại”.
Anh Điểu Lôm, thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) thẫn thờ bên vườn tiêu đã róc sạch dây khỏi nọc, chuẩn bị quay lại trồng điều
Trong khi nhiều hộ dân trồng tiêu ở Lộc Ninh đua nhau thay cây trồng mới, anh Nguyễn Quốc Mạnh ở ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn vẫn chăm sóc vườn tiêu của mình và mở rộng thêm 200 nọc. Anh Mạnh cho biết: “Nhiều người đang cắt bỏ cây tiêu để thay thế cây có múi. Riêng tôi dù có xuống giá vẫn chung thủy với cây tiêu. Vì nhờ nó mà các con tôi được ăn học thành người, gia đình tôi có kinh tế ổn định. Trồng cây gì cũng có thời thế, theo từng giai đoạn, nếu ồ ạt trồng không có quy hoạch thì cây gì cũng đến lúc rơi vào vòng luẩn quẩn chứ không riêng gì cây tiêu”.
Khó khăn trong việc lựa chọn cây trồng mới trước thời “vàng đen thất thế” là điều đang hiện hữu. Nhiều hộ tiến thoái lưỡng nan, song cũng không ít hộ chọn phương án tiếp tục “sống chết” với cây tiêu. Tại xã Đắk Ơ, hiện xấp xỉ 20% diện tích tiêu chết, bị bệnh và bắt đầu vào cao điểm chết hàng loạt. Thế nhưng, ở Đắk Ơ cũng như ở hầu hết vùng trọng điểm trên toàn tỉnh, xen lẫn những vườn xanh tốt, vườn chết khô, có không ít vườn tiêu trồng mới năm 1, năm 2, năm 3... Rất nhiều gia đình chấp nhận rủi ro, quyết chơi canh bạc tất tay với cây tiêu.
Cách đây 5 năm, giá hạt tiêu lên đỉnh 230 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến 250 ngàn đồng/kg, hiện chỉ còn 50-60 ngàn đồng/kg. Như đứng giữa ngã bảy đường, việc quyết định trồng cây gì trên thửa đất của mình chưa bao giờ lại khó khăn với nông dân đến vậy. Và người trồng tiêu như đang đi giữa ma trận của thị trường, quy hoạch, sâu bệnh hại... và với cả doanh nghiệp thu mua, chế biến hồ tiêu.
Trần Phương - Ngọc Bích
Kỳ tới: Vị cay ở vựa tiêu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065