CHẠY THEO TIẾNG GỌI CỦA “VÀNG ĐEN”
BPO - Cây tiêu đang rơi vào “nốt trầm” sâu với khoảng thời gian rất lâu vì “bão giá” và “bão bệnh”. Những vựa tiêu có lịch sử lâu đời nhất của Bình Phước đang chết dần chết mòn. Hồ tiêu chết, mang đi thành quả lao động nhiều năm cũng như hy vọng về tương lai tươi đẹp của những nông dân dành cả cuộc đời và những gia đình qua nhiều thế hệ chung thủy với cây tiêu.
Những ngày đầu năm 2020, chúng tôi vượt gần 100km trở lại huyện biên giới Bù Gia Mập - một trong những thủ phủ hồ tiêu của tỉnh. Men theo những con đường đất đỏ, trước mắt chúng tôi giờ đây là quang cảnh hoang tàn. Những vườn tiêu chết lâu ngày thân đã khô quắt bám trên trụ tiêu xơ xác, chỉ cần một cơn gió mạnh là rơi xuống đất. Thỉnh thoảng xuất hiện những vườn tiêu đã bị phá bỏ, trụ gỗ được nhổ chất thành từng đống lớn để thay thế bằng cây trồng ngắn ngày.
VÀO VÒNG XOÁY CỦA CƠN LỐC
Đầu những năm 1990, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đủ và chị Lưu Thị Thương rời quê hương Nam Định vào thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Trong trí nhớ của anh Đủ, Đắk Ơ ngày ấy còn hoang sơ nhưng bù lại đất đai màu mỡ, chỉ cần chịu khó lao động thì trồng cây gì cũng nảy nở sinh sôi.
Không nhớ từ khi nào, anh Đủ từ bỏ thú vui bẫy chim cu gáy. Chuồng dê của gia đình gần 50 con vừa mới được vét bán để trả lãi ngân hàng giờ trống hoác. Người con trai lớn vừa học xong lớp 12 phải khăn gói về thành phố kiếm việc làm. Chỉ còn lại vợ chồng người nông dân chân chất đang cuốc đất trồng rau, thả đậu với hy vọng níu giữ lấy mảnh vườn. Khu đất trồng tiêu được anh đầu tư tiền tỷ từ khoản tiền vay ngân hàng chưa kịp đến ngày “đơm hoa kết trái”, nay đã khô héo và trở thành món nợ đè nặng lên cuộc sống thường nhật.
Vườn tiêu trơ trụ của gia đình anh Nguyễn Văn Đủ ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập
“Ngày ấy khó khăn, chúng tôi chủ yếu trồng cao su, điều, các loại hoa màu để lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, do giá bấp bênh, năm 2010 gia đình tôi chuyển đổi qua trồng tiêu. Lúc đầu chỉ trồng thử nghiệm, nhưng nhận thấy giá hồ tiêu luôn ổn định ở mức cao nên gia đình cưa bỏ vườn điều già cỗi, mua thêm rẫy để trồng 4 ha tiêu” - anh Đủ nhớ lại.
Cách đó không xa, năm 2010, anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn 10 cũng đã cưa bỏ gần 2 ha điều, cao su để chuyển qua trồng tiêu. Khi hồ tiêu được giá, gia đình anh vay tiền đầu tư chăm sóc vườn tiêu và mua thêm 1,1 ha tiêu với giá 1,25 tỷ đồng. Anh Sơn cho biết: “Trong khi giá điều bấp bênh, năm được năm thất thì giá hồ tiêu luôn ổn định ở mức cao. Vợ chồng tôi bàn nhau quyết chuyển qua trồng cây tiêu với mong muốn sớm đổi đời”.
Dù phát triển muộn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh nhưng giai đoạn 2015, huyện Bù Gia Mập nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu. Chỉ tính riêng xã Đắk Ơ có lúc diện tích lên tới 1.540 ha, chiếm gần 1/10 diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Nguồn thu từ hồ tiêu đã giúp nhiều hộ nông dân nơi đây thành những triệu phú, tỷ phú. Bằng chứng là những ngôi nhà cao tầng ốp gỗ, ốp đá mọc lên sau mỗi vụ mùa thu hoạch. Trong căn nhà lớn sang trọng ấy thường được trang bị những bộ bàn ghế bằng gỗ quý, những chiếc tivi màn hình phẳng đấu nối với dàn âm thanh, phía sau là tủ bếp tân thời. Những ngôi nhà được xây lên bao giờ cũng có một khoảng sân rộng dành để phơi “vàng đen”.
Năm 2016, giá hồ tiêu bắt đầu giảm. Đó cũng là năm dịch bệnh bắt đầu lan ra trên những dây tiêu. Nhưng không mấy người quan tâm bởi họ nghĩ tiêu chết thì trồng lại. Giá tiêu đang ở mức cao, lợi nhuận từ cây tiêu đang gấp nhiều lần các loại cây trồng khác. Với suy nghĩ đó, anh Đủ, anh Sơn cũng như nhiều hộ dân khác còn dùng cả số tiền tích cóp lâu nay, vay thêm ngân hàng để mở rộng diện tích.
Giai đoạn 2017-2018, giá hồ tiêu chạm đáy chỉ còn 50-80 ngàn đồng/kg. Cùng lúc ấy, diện tích hồ tiêu của hộ anh Đủ, anh Sơn bắt đầu chết hàng loạt. Nguồn thu cạn kiệt, nợ ngân hàng ngày càng chồng chất, họ lao vào vòng xoáy của nợ nần. Sớm tối chắt chiu từng mớ rau, củ khoai, con gà để lo cuộc sống qua ngày, cùng với đó là nỗi lo không biết bao giờ ngân hàng xiết nhà, xiết rẫy.
“Vàng đen” thất thế, cái tên “làng tỷ phú” cũng quay lưng với những người nông dân chân chất. Vết tích còn lại một khung cảnh hoang tàn cùng với nỗi ê chề vì những con số “khủng” ở ngân hàng mà không phải số tiền tiết kiệm. Không còn sức gượng dậy sau thất bại, nhiều nông dân trồng tiêu rơi vào cảnh “chê” đất, vì không có vốn để xoay xở tái canh. Nhiều người chọn cách bỏ nhà, bỏ rẫy để đi nơi khác làm ăn. Những người không có sự lựa chọn, ở lại thì cũng “chê” đất vì bất lực trước khó khăn.
“NGHĨA ĐỊA” HỒ TIÊU
Cao điểm của mùa khô, cái nắng vùng biên giới Bù Gia Mập theo đó cũng rát hơn. Phóng tầm mắt ra xa, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những khung cảnh hoang tàn. Nhiều vườn tiêu chết khô, để lại trụ tiêu trơ trọi. Có những vườn tiêu lên đến hàng chục héc ta được người dân nơi đây gọi “đùa trong nước mắt” với cái tên “nghĩa địa tiêu”. Thi thoảng xuất hiện một tấm biển với nội dung “Bán nhà”, “Bán vườn tiêu” hay “Bán nhà và vườn tiêu”. Những ngôi nhà khang trang, căn biệt thự cửa đóng im lìm, bên trong là những gương mặt buồn của nông dân, nhìn càng thêm thê thảm!
Dẫn chúng tôi thăm “nghĩa địa tiêu” của gia đình mình, anh Đủ gỡ từng nhánh tiêu khô với gương mặt buồn rầu. “Tiêu chết, nhà tôi ôm khoản nợ trên 2 tỷ đồng. Cứ mỗi tháng đóng trên 20 triệu đồng lãi. Vợ chồng tôi đã lớn tuổi rồi, chẳng biết làm gì để trả hết số nợ này” - anh Đủ than thở.
“Lập nghiệp ở Bình Phước được 20 năm. Đây là lần đầu tiên gia đình tôi rơi vào cảnh túng quẫn, nợ nần. Nhìn vườn tiêu chết, chồng đổ bệnh, tôi không dám ra vườn vì sợ nhìn cảnh cả vườn tiêu trơ trụi. Thương ba mẹ, con trai đầu đã đi làm thuê ở xa để gia đình có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Con trai thứ hai đang học lớp 12, nhưng thấy gia đình không có tiền nên xin ba mẹ cho nghỉ học. Vừa rồi đến kỳ trả lãi không xoay xở được tiền, gia đình tôi phải bán hết đàn dê 50 con để trả nợ” - chị Thương, vợ anh Đủ nói trong nước mắt.
Tiêu chết, người dân rơi vào vòng xoáy nợ nần. Hiện hộ trồng tiêu nợ ngân hàng thấp nhất 38 triệu đồng, hộ nợ cao nhất lên tới 3,7 tỷ đồng, số hộ có khoản nợ từ 1-3 tỷ đồng chiếm đa số. Do đó, ở nhiều nơi tại huyện Bù Gia Mập hiện nay người trồng tiêu vỡ nợ đang là chuyện thời sự, chỉ những hộ không trồng tiêu là không nợ.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065