Chúng tôi đến Hiroshima và Nagasaki trong một ngày hè tháng Tám, bảy mươi hai năm sau thảm kịch bom nguyên tử tháng 9-1945, Hiroshima và Nagasaki giờ đây đã mang một diện mạo hoàn toàn mới. Dấu vết đổ nát năm xưa không còn thấy ở trên phố, mà chỉ còn lưu lại ở các bảo tàng tưởng niệm hòa bình. Có thể nói để phát triển được như ngày nay, Hiroshima và Nagasaki đã phải trải qua một chặng đường dài để xây dựng lại thành phố từ đống đổ nát.
Hiroshima phát triển của ngày nay. |
Thị trưởng Nagasaki, ông Tomihisa Taue cho biết quả bom nguyên tử đã phá hủy hoàn toàn khu vực phía Bắc thành phố Nagasaki, ở phía Nam thành phố, nơi có nhiều di tích lịch sử, may mắn vẫn chưa bị xóa sổ. Trong giai đoạn đó, rất nhiều người cùng chung tay hỗ trợ để xây dựng thành phố, người dân ở nhiều nơi trên thế giới cũng giúp đỡ Nagasaki.
Tại Hiroshima, Công viên tưởng niệm hòa bình là quần thể các kiến trúc tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử được xây dựng bên dòng sông Motoyasu trong xanh, hiền hòa. Tòa nhà Genbaku Dome (Vòm bom nguyên tử), vốn là tòa nhà xúc tiến thương mại của Hiroshima trước ngày thành phố bị đánh bom, đã trở thành một chứng tích sống động hiếm hoi tại Hiroshima về sức hủy diệt của quả bom nguyên tử Little Boy.
Cho đến nay, tại Hiroshima vẫn còn khoảng 50.000 hibakushya (những nạn nhân của bom nguyên tử). Các hibakushya được chia thành bốn nhóm gồm nhóm một là những người có mặt trong phạm vi 4km tính từ điểm quả bom phát nổ, nhóm hai là những người có mặt trong phạm vi 2km trong vòng hai tuần sau khi quả bom nổ, nhóm ba là những người tham gia chữa trị hoặc chôn cất thi thể các nạn nhân và nhóm cuối cùng là các thai nhi có mẹ là nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử.
Thị trưởng Hiroshima, ông Kazumi Matsui, cho biết những người được xác nhận là hibakushya được cấp một sổ tay, để có thể được hưởng các chế độ chăm sóc đặc biệt. Với cụ Ogura Takao, cuộc sống của một hibakushya chỉ được tính từng ngày. Vượt qua những biến cố đau thương, những mất mát, mỗi một ngày còn được ngồi cạnh dòng sông Motoyasu, được những chú chim sẻ, chim bồ câu thân quen, ríu rít đậu trên vai, trên tay, là một ngày cụ cám ơn cuộc sống.
Các nữ sinh Nagasaki trong giờ tan trường. |
Tại Vòm bom nguyên tử Genbaku Dome, chúng tôi đã được gặp ông Kosei Mito là hướng dẫn viên tình nguyện. Ông Kosei Mito là một thai nhi bốn tháng tuổi vào thời điểm quả bom Little Boy đánh trúng thành phố vì vậy được xác nhận là hibakusha nhóm bốn. Vốn là một thầy giáo dạy tiếng Anh, sau khi nghỉ hưu, ông đã quyết định đến Genbaku Dome để hướng dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Ông Kosei Mito nói rằng ông quyết định làm hướng dẫn viên tình nguyện tại khu vực Genbaku Dome vì muốn cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho khách tham quan. Ông tin rằng với tư cách là một hibakushya, ông chính là một thông điệp kêu gọi nhân loại chung tay vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Ông cho biết trong hơn 10 năm làm hướng dẫn viên tình nguyện, ông đã đón gần 300.000 khách tham quan trong và ngoài Nhật Bản.
Ông Mito Kosei, một nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử Hiroshima đang nhiệt tình thực hiện công việc hướng dẫn viên tình nguyện cho khách tham quan công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima. |
Chiến tranh đã rạch một vết thương lớn vào lịch sử của Hiroshima và Nagasaki.
Có thể nói, cho dù xây dựng lại thành phố từ đống tro tàn, điều đó vẫn dễ dàng hơn so với việc xoa dịu nỗi đau trong lòng của những nạn nhân bom nguyên tử, những người không chỉ bị ám ảnh về tinh thần mà còn mang những di chứng thương tích suốt đời. Tuy nhiên, bằng ý chí kiên cường, người dân Hiroshima và Nagasaki đã vượt lên trên nỗi đau để thắp sáng nhiệt huyết với cuộc sống, cho chính bản thân mình và cho các thế hệ tiếp theo.
Hiroshima và Nagasaki giờ đây đã trở lại vị trí là những đô thị sầm uất, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế quốc gia Nhật Bản. Tính đến tháng 1-2017, tỉnh Hiroshima có 2,84 triệu dân, và thu nhập GDP là trên 96 tỷ USD. Tỉnh Nagasaki với 1,37 triệu dân và thu nhập GDP trên 39 tỷ USD.
Hai thành phố giờ đây đã trở thành biểu tượng của ý chí tinh thần quật cường của Nhật Bản, đồng thời là những đô thị đi đầu thế giới trong nỗ lực kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065