Mở rộng đối tượng áp dụng của dự án Luật tới tất cả lao động
Về cơ bản, các đại biểu tán thành với sự cần thiết và quan điểm của Chính phủ đối với dự án Luật. Việc bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thực hiện yêu cầu đổi mới về công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như quyền được làm việc trong môi trường an toàn của công dân.
Các đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng của dự án Luật là cần thiết, vì có khoảng 67% lao động đang làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự án Luật cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người lao động ở khu vực này áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động khi làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao hoặc lĩnh vực có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của cộng đồng.
Đối với khu vực có quan hệ lao động, dự thảo Luật cần tiếp tục cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh lao động và chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các Luật khác liên quan, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa dự án Luật này với các Luật chuyên ngành. Nhằm hình thành môi trường làm việc an toàn cho người lao động, các đại biểu đề nghị dự án Luật cần bổ sung một chương riêng quy định về chính sách đối với lao động ở khu vực này.
Đối với các trường hợp gặp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dự án luật cần quy định cụ thể việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy người lao động ở khu vực này tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với hình thức tự nguyện trên cơ sở quy định cụ thể mức đóng bảo hiểm, mức hỗ trợ của Nhà nước, đối tượng được hỗ trợ, lộ trình thực hiện và giao Chính phủ hướng dẫn…
Đảm bảo cân bằng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động
Theo các đại biểu, chế độ bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội (2006). Đây là chính sách bảo hiểm ngắn hạn nhằm hỗ trợ và bảo vệ người lao động khi gặp rủi ro. Tuy nhiên, chế độ bảo hiểm này mới chỉ mang tính khắc phục rủi ro, chưa hướng mạnh đến mục tiêu phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, do một số chính sách chưa hợp lý nên Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang có số kết dư rất cao, chưa phù hợp với mục tiêu của chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cho ý kiến về vấn này, có ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên các chính sách như hiện hành, bao gồm trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, trợ cấp phục vụ… Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với quy định trong dự án Luật là bổ sung thêm hai nội dung chi từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đó là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc (Điều 54) và hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 60).
Tuy nhiên, dự án Luật cần cân nhắc việc hỗ trợ tuyên truyền, tư vấn về an toàn vệ sinh lao động vì đây là trách nhiệm của Nhà nước; đồng thời, cần xác định rõ tiêu chí, điều kiện cụ thể để người sử dụng lao động nhận được hỗ trợ, tránh việc lạm dụng Quỹ.
Ngoài ra, dự án Luật cần thay đổi quy định về mức đóng theo hướng linh hoạt nhằm giảm chi phí cho người sử dụng lao động thay cho mức đóng cố định hiện nay. Một số ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao có thể xem xét mức đóng cao hơn.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tác động khi thực hiện các chính sách này đối với việc cân bằng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; về thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động; phân cấp quản lý an toàn vệ sinh lao động trong khu vực không có quan hệ lao động đối với ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn…
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065