Học sinh hào hứng, phụ huynh hài lòng
Sau những tiết học, học sinh tiểu học không còn nặng nề vì ganh đua với bạn về điểm số như trước. Thay vào đó là sự phấn khởi, hào hứng, khiến phụ huynh cũng hài lòng.
Phụ huynh đồng tình
Chị Nguyễn Thị Thanh, phụ huynh em Phạm Lê Giang, học sinh lớp 54, trường Tiểu học Tân Phú (TX. Đồng Xoài) chia sẻ: Việc thay đổi cách đánh giá học sinh như hiện nay là phù hợp với lứa tuổi “vừa học vừa chơi”. Vào buổi tan trường mỗi ngày, con tôi không còn phụng phịu, nặng nề như trước, cháu vui vẻ, thoải mái hơn. Theo chị Thanh, ở lứa tuổi này không nên đề cao điểm số, mà làm sao tạo tâm lý thoải mái cho các cháu vừa học vừa chơi.
Học sinh trường tiểu học Tân Đồng (TX. Đồng Xoài) phấn khởi, thỏa mái sau tiết học Mỹ thuật
Cùng quan điểm, ông Trương Văn Dũng, đại diện hội cha mẹ học sinh trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Bù Đăng) cho rằng: Việc đánh giá bằng nhận xét giúp học sinh phấn khởi hơn, tuy nhiên nhiều phụ huynh lại lo lắng vì khó kiểm tra kết quả học tập của con. Theo ông Dũng, nhận xét của cô giáo còn chung chung, mà phụ huynh thì muốn biết con mình học và hoàn thành ở mức độ nào để có cách hỗ trợ, nhắc nhở. Phần lớn phụ huynh của trường là người dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, phải đi làm ăn xa nên chưa thể phối hợp với nhà trường đánh giá, hỗ trợ học sinh. Và theo thông tin phản hồi của ban giám hiệu một số trường tiểu học thì do Thông tư 30 mới được triển khai thực hiện nên phần lớn phụ huynh chưa sẵn sàng tâm lý và chưa có ý kiến gì trong việc đánh giá bằng nhận xét thay cho điểm đối với con em mình.
Giảm áp lực học sinh
Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Phú (TX. Đồng Xoài) - cô Hà Thị Thảo cho biết: Ban đầu khi mới thực hiện đánh giá theo Thông tư 30, tất cả giáo viên của trường thấy bỡ ngỡ, khó khăn vì chưa quen. Sau khi được tập huấn, trường triển khai đến từng cán bộ, giáo viên, đồng thời thành lập tổ tư vấn hỗ trợ giáo viên, tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, thực hành, trực tiếp đi sâu vào việc đánh giá học sinh. Sau hơn 2 tháng thực hiện, cách đánh giá đã làm thay đổi nhận thức giáo viên và học sinh, phần lớn giáo viên và phụ huynh đều ủng hộ vì có nhiều ưu điểm. Nếu cho điểm như trước thì giáo viên chỉ đánh giá học sinh bằng định lượng nên không phản ánh hết được năng lực, phẩm chất học sinh. Khi đánh giá học sinh bằng nhận xét sẽ tập trung đề cao vai trò người học, đánh giá toàn diện học sinh theo hướng động viên, khuyến khích nên các em phấn khởi học tập hơn.
Cô Bùi Thị Cảnh, giáo viên lớp 42, trường Tiểu học Tân Phú (TX. Đồng Xoài) chia sẻ: Việc đánh giá học sinh như hiện nay tuy có vất vả hơn trước vì phải ghi chép nhiều, nhưng giúp giáo viên hiểu rõ được điểm nổi bật và hạn chế của từng học sinh, từ đó có hướng khắc phục ngay. Thực hiện Thông tư 30 cũng giúp giáo viên tích cực đổi mới phương pháp, thay đổi hình thức tổ chức dạy học, điều chỉnh được các hoạt động phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Vũ Thuyên
SỞ GD-ĐT NHẬN XÉT NHƯ THẾ NÀO?
Ngày 15-12-2014, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có Văn bản số 3488/SGDĐT-GDTH gửi phòng GD-ĐT các huyện, thị xã trong tỉnh về việc nhận xét triển khai thực hiện và tiếp tục hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT.
Thuận lợi được Sở GD-ĐT chỉ ra là các phòng GD-ĐT đã kịp thời chỉ đạo triển khai và tập huấn Thông tư 30 đến 100% cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học; thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ thường xuyên các trường tiểu học cùng giáo viên trong nhận xét, đánh giá, ghi chép theo cách mới. Giáo viên quan tâm nhiều đến học sinh, chú trọng phát huy sở trường của các em; học sinh quen dần với cách tự đánh giá bản thân và nhận xét về bạn. Do được tuyên truyền nên chính quyền cơ sở và hội cha mẹ học sinh đã có nhiều hỗ trợ.
Tuy nhiên, Sở GD-ĐT cũng chỉ ra hạn chế, như: Do trình độ, năng lực của một số cán bộ quản lý, giáo viên hạn chế; lối cho điểm ăn mòn trong suy nghĩ nên chưa sẵn sàng thích ứng; tâm lý chưa thông sâu Thông tư 30 nên chưa thoải mái trong suy nghĩ, làm việc theo phương pháp mới; nhiều giáo viên còn gặp khó khăn trong ngôn ngữ nhận xét qua mỗi tiết dạy, tuần và tháng dẫn đến khó làm nổi bật những học sinh xuất sắc, tốn nhiều thời gian để nhận xét theo yêu cầu vừa dễ hiểu, ngắn gọn vừa sát với kết quả thực của học sinh. Đối với lớp đông học sinh cũng gây khó khăn cho giáo viên trong việc bao quát; giáo viên chữ xấu thường e ngại khi nhận xét vào sổ theo dõi học sinh; nhiều giáo viên còn lúng túng trong phân biệt nội dung chuẩn kiến thức, kỹ năng với phát triển năng lực, phẩm chất. Nhiều phụ huynh chưa hiểu được tính tích cực của Thông tư 30 và một số khác hoàn cảnh khó khăn hoặc không biết chữ sẽ khó phối hợp với nhà trường...
A.B
|
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065