SỨC LAN TỎA CỦA CHƯƠNG TRÌNH
>> Bài 1: Tạo dựng ý chí, quyết tâm cho hộ nghèo
“Mục tiêu ban đầu của chương trình “Khát vọng thoát nghèo” từ đầu năm đến hết tháng 9-2020 là phải vận động ít nhất 100 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo và cam kết không tái nghèo. Song đến giữa tháng 9-2020 đã có 155 hộ làm đơn, vượt chỉ tiêu đề ra. Để thực hiện hiệu quả, ngay từ buổi họp mặt đầu năm, huyện chọn 5 hộ tiêu biểu đầu tiên tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng. Đây là việc làm ý nghĩa nên được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp nghiêm túc vào cuộc và nhận được sự đồng thuận của cộng đồng” - bà Trần Thị Bích Lệ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Lộc Ninh cho biết.
Để chương trình “Khát vọng thoát nghèo” lan tỏa sâu rộng, huyện Lộc Ninh lấy tấm gương cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi) ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạp xe đến UBND xã xin ra khỏi hộ nghèo vào tháng 9-2019 để tuyên truyền, nhân rộng. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động làm sao để họ vươn lên thoát nghèo bằng chính sự nỗ lực của bản thân mà không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Sáng tạo trong cách làm
Xác định chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là quan trọng nên Đảng ủy xã Lộc Tấn chỉ đạo bằng nghị quyết theo từng giai đoạn và hằng quý, hằng năm. Trong đó, giải pháp căn cơ nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân trong công tác giảm nghèo. Làm sao để người dân khát khao vươn lên thoát nghèo bằng sự nỗ lực của chính mình, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại và không muốn thoát nghèo để chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Để xây dựng quỹ hỗ trợ người nghèo, ngoài vận động các tổ chức, cá nhân, Đảng ủy xã Lộc Tấn còn vận động mỗi đảng viên tiên phong đóng góp 1.000 đồng/ngày, tập thể đại biểu HĐND xã đóng góp 3 triệu đồng/năm.
Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tấn Đỗ Thị Thu Hoài chia sẻ: Để thực hiện thắng lợi nghị quyết về công tác giảm nghèo, xã thành lập ban chỉ đạo và họp bàn, phân công cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời phối hợp với chi bộ, ban điều hành, ban công tác mặt trận của 14 khu dân cư khảo sát 60 hộ nghèo, 35 hộ cận nghèo. Trên cơ sở khảo sát, ban chỉ đạo đánh giá thực trạng và phân ra nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), bảo trợ xã hội và các đối tượng khác. Trong từng đối tượng, nhóm đối tượng đều phân công thành viên theo dõi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và xây dựng kế hoạch vận động hỗ trợ để các hộ tiếp cận với các nhu cầu, dịch vụ xã hội phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, UBND xã xây dựng nội dung ký kết chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo giữa ban chỉ đạo giảm nghèo với MTTQ, hội đoàn thể, trường học và các khu dân cư. Đó cũng là cơ sở để đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm.
Năm 2019, huyện Lộc Ninh giảm 400 hộ nghèo, trong đó 100 hộ DTTS. Đầu năm 2020, huyện còn 1.309 hộ nghèo, trong đó 789 hộ DTTS. Năm 2020, huyện Lộc Ninh phấn đấu giảm 780 hộ nghèo, trong đó có 230 hộ DTTS. |
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, từ đầu năm đến nay, xã Lộc Tấn có 31 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo; trong đó 6 hộ DTTS, 7 đối tượng bảo trợ xã hội. 29 hộ nghèo còn lại, xã đang tiếp tục theo dõi, quan tâm hỗ trợ, giúp 100% hộ vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2020. Lộc Tấn trở thành điểm sáng về thực hiện chương trình “Khát vọng thoát nghèo”, với số hộ làm đơn xin thoát nghèo đông nhất toàn huyện.
Còn tại xã Lộc Thạnh, việc triển khai thực hiện chương trình “Khát vọng thoát nghèo” cũng được Đảng ủy, UBND xã thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp và đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Đầu năm 2020, xã còn 17 hộ nghèo, đến nay tất cả đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thạnh Nguyễn Văn Hải cho biết: Khi có chủ trương của Huyện ủy, UBND, UBMTTQVN huyện về chương trình “Khát vọng thoát nghèo”, xã đã thành lập ban chỉ đạo giảm nghèo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, trong đó mỗi đồng chí cấp ủy phụ trách chi bộ kiêm luôn công tác giảm nghèo. Sau khi rà soát, thẩm định kỹ lưỡng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng các hộ thiếu gì, cần cái gì mới tổ chức đoàn đi vận động hỗ trợ.
Lựa chọn hạt nhân
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Trường Sơn đánh giá: Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng gấp đôi so với chuẩn nghèo cũ, trong đó chủ yếu là giúp người nghèo tăng nguồn thu, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần... Với các tiêu chí cao như vậy nên có thể những hộ đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo năm 2020 sẽ lại rơi vào hộ nghèo vài năm tới. Vì thế, sau khi áp dụng các chính sách hỗ trợ, chúng tôi sẽ chọn các hộ này là hạt nhân, nòng cốt để làm gương cho các hộ khác thực hiện theo.
Chương trình đã có sức lan tỏa rất tốt, ý thức hộ nghèo nâng lên rất nhiều. Cả cộng đồng, mạnh thường quân thấy hiệu quả thiết thực nên quan tâm chia sẻ, hỗ trợ. Dự kiến trong tháng 10 này sẽ tổng kết chương trình để chuẩn bị tâm thế bước vào thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với chuẩn nghèo đa chiều cao hơn. |
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Trường Sơn |
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác giảm nghèo cũng ít nhiều bị tác động. Lộc Ninh sẽ nỗ lực phấn đấu, tìm mọi giải pháp với những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả hơn. Là huyện biên giới, căn cứ địa cách mạng nên Lộc Ninh được nhiều đoàn đến thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, trong đó có hộ nghèo. Những món quà phần lớn là nhu yếu phẩm như gạo, mì gói, gia vị… Đây là những phần quà thiết thực trong bữa ăn hằng ngày, tuy nhiên không bảo quản được lâu, trong khi đó, có hộ mỗi năm nhận đến 10 lần nên đôi khi chưa phát huy hết tác dụng. Vì thế, thời gian tới huyện sẽ hướng các đoàn từ thiện tặng các phần quà có tác dụng lâu dài, ý nghĩa thiết thực hơn.
“Đặc thù của huyện Lộc Ninh là hộ nghèo DTTS đông, trong khi nguồn lực có hạn, mỗi căn nhà hỗ trợ xây tặng chỉ từ 40-60 triệu đồng nên không có công trình phụ. Sắp tới, Lộc Ninh sẽ ưu tiên xây dựng công trình vệ sinh tặng hộ nghèo. Ngoài ra, huyện sẽ hướng các đoàn từ thiện tặng bảo hiểm y tế, tivi, đặc biệt là hỗ trợ dê giống nuôi để nhân đàn. Vì hiện nay dê có giá cao, ổn định, dễ chăm sóc, dễ tìm kiếm thức ăn và cần ít vốn” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Lê Trường Sơn cho biết.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065