>> Bài 1: Khó khăn chỉ tạm thời, thuận lợi là cơ bản
Bài cuối: Nhân rộng mô hình VNEN
Từ trước tới nay, do mục tiêu của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là dạy được càng nhiều kiến thức càng tốt, dẫn tới phương pháp dạy học theo kiểu đọc chép, không chú trọng bồi dưỡng khả năng tự học, khả năng chủ động của học sinh. Việc triển khai mô hình “Trường học mới Việt Nam” ở bậc tiểu học được xem như sự khởi đầu cho một bước đổi mới tận gốc mục tiêu giáo dục, nội dung, chương trình, cách thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh; là giai đoạn chuyển tiếp từ một nền giáo dục truyền thống sang một nền giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện sau năm 2015 mà Bộ GD-ĐT đã đặt ra.
Kết quả sau 2 năm học triển khai Dự án VNEN
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Dự án mô hình “Trường học mới Việt Nam”, dù còn những khó khăn phải tiếp tục khắc phục, nhưng có thể thấy giáo viên, học sinh đã thích nghi với môi trường học tập này và phụ huynh cũng đã yên tâm. Thầy Lại Văn Pha, Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Hà hồ hởi khoe: Những băn khoăn, vướng mắc của phụ huynh không còn, vì vào năm học không phải mua sách giáo khoa cho con. Việc dạy thêm ở nhà cũng hạn chế, vì hàm lượng kiến thức đã được thầy và trò giải quyết ngay tại lớp. Về chất lượng giáo dục, thầy Pha so năm học trước khi triển khai mô hình và rất vui khi tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở những lớp triển khai dự án tăng rõ rệt. Điều vui nhất là kỹ năng tự học và kỹ năng sống của học sinh đã được nâng lên. Còn ở trường Tiểu học Trần Cao Vân, cô Bích Phượng cho biết: Vào giữa học kỳ I, trường tổ chức cho phụ huynh tham quan lớp học và đánh giá chất lượng bằng phiếu. Kết quả 90% phụ huynh hài lòng với mô hình VNEN, 10% không có ý kiến.
Học sinh bầu Hội đồng tự quản của lớp tại trường Tiểu học Long Hà A (Bù Gia Mập)
Điều có thể khẳng định là mô hình đã đạt được hiệu quả cao. Ở những trường thực hiện dự án, học sinh đã thay đổi thói quen học tập. Các em đã làm quen với cách học theo nhóm, dưới sự hướng dẫn của nhóm trưởng. Học sinh được rèn kỹ năng nghe, nói; kỹ năng đánh giá và tự đánh giá; kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp trong cách hoạt động nhóm. Các em tự tin, tích cực và chủ động tham gia sôi nổi, hào hứng vào bài học và đã hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác. Mỗi tiết học không tạo áp lực đối với các em. Những kiến thức khó, các em trao đổi với bạn trong nhóm và mạnh dạn trao đổi vướng mắc cùng giáo viên. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các em phát huy tính độc lập, chủ động tiếp thu kiến thức và hiểu sâu sắc các kiến thức trong bài học.
Nhân rộng mô hình VNEN
Qua 2 năm triển khai thực hiện Dự án VNEN ở 28 trường tiểu học trên toàn tỉnh, các trường tiểu học, giáo viên và cả cộng đồng đều đánh giá mô hình trường học mới có nhiều ưu điểm và tính khả thi cao. Từ những ưu điểm trên, Sở GD-ĐT hướng dẫn nhân rộng mô hình VNEN ở các trường tiểu học trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả từ năm học 2014-2015 theo các mức độ. Mức độ 1, lựa chọn trong những nội dung của VNEN phù hợp với nguồn lực địa phương để áp dụng như: tổ chức quản lý lớp học; bố trí học tập theo nhóm tự quản; sự tham gia của cha mẹ, cộng đồng; kiểm tra, đánh giá; thực hiện dạy học theo tài liệu hướng dẫn học ở một môn học hay một số môn học, ở một lớp hay một số lớp. Mức độ 2 (áp dụng đối với trường thuận lợi tổ chức lớp 2 buổi/ngày): Áp dụng tất cả các nội dung của mô hình trường học mới.
Điều dễ nhận thấy là tính ưu việt của mô hình trường tiểu học mới ngày càng được ghi nhận. Sự lan tỏa của Dự án VNEN đến các lớp, các trường không tham gia dự án có tác dụng thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ hơn về phương pháp và hình thức dạy học tại các trường trong toàn tỉnh. Năm học thứ 2 thực hiện mô hình này, cả nước có 257 trường thuộc 20 tỉnh, thành tự nguyện áp dụng mô hình VNEN (không được đầu tư từ dự án với mức 4.000 USD/trường) và cứ thêm 1 điểm lẻ là trên 1.000 USD. Tại trường Tiểu học Long Hà (Bù Gia Mập), dự kiến năm học 2014-2015 sẽ có 20 lớp. Thầy Hiệu trưởng Lại Văn Pha cho biết, trừ 4 lớp khối 1, còn 16 lớp từ khối 2 đến khối 5, trường sẽ triển khai đồng loạt theo mô hình VNEN. Hiện thầy giáo, học sinh và các bậc phụ huynh đều rất hào hứng chào đón năm học mới với mô hình trường học mới. Trường Tiểu học Trần Cao Vân trong năm học 2014-2015 cũng sẽ triển khai 12 lớp (hiện có 8 lớp), dù còn phải khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất.
Dù đã có những thành công bước đầu, nhưng để việc nhân rộng mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh, cần có sự đồng thuận, quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, bậc phụ huynh và cả cộng đồng. Đây cũng chính là việc làm thiết thực để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường nếu không có điều kiện triển khai toàn bộ mô hình trường học mới thì có thể triển khai từng phần. Ví dụ phần dạy học chưa thay đổi được thì có thể triển khai chuyển đổi phần tự quản cho học sinh. Những góc học tập chưa xây dựng được thì vẫn có thể cho học sinh tự học từng phần bằng sách của mô hình trường học mới.
|
T.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065