Mô hình “Trường học mới Việt Nam” (VNEN) là dự án do Bộ GD-ĐT phối hợp với quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn cầu (GPE) triển khai tại 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là mô hình tổ chức trường học dựa trên nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học làm vị trí trung tâm. Ngoài các trường triển khai dự án, năm học 2013-2014, cả nước có 257 trường thuộc 20 tỉnh, thành áp dụng mô hình VNEN trên tinh thần tự nguyện (không được đầu tư từ dự án). Tại Bình Phước, dự án VNEN được triển khai thí điểm tại 9 huyện, thị xã với 28 trường tiểu học ở khối 2, 3 và 4. Qua hai năm học, hiệu quả mô hình đã thấy rõ.
Bài 1: Khó khăn chỉ tạm thời, thuận lợi là cơ bản
Nước ta đã qua nhiều lần cải cách giáo dục mà mỗi lần cải cách đều bộc lộ những mặt hạn chế nên việc triển khai mô hình giáo dục mới ở bậc tiểu học lần này không khỏi làm các bậc phụ huynh lo lắng. Nhưng qua năm học đầu tiên triển khai mô hình, nỗi lo của phụ huynh và thầy cô đã nhanh qua đi.
Những khó khăn ban đầu
Cô Phan Thị Bích Phượng, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học (TH) Trần Cao Vân (Hớn Quản) chia sẻ: Giai đoạn đầu học kỳ I, năm học 2012-2013, trường có 7 lớp khối 2 và khối 3 theo học mô hình VNEN. Thời điểm này, học sinh lớp 2 còn quá nhỏ nên em trưởng nhóm chưa biết điều hành các bạn trong nhóm làm việc. Giáo viên chủ nhiệm phải làm việc rất nhiều để hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm, cá nhân học tập. Cũng vì quá nhỏ, học sinh chưa quen với việc tự nghiên cứu, tự học theo hướng dẫn của sách mà chủ yếu chờ sự hướng dẫn của giáo viên nên thầy cô mất rất nhiều thời gian, công sức.
Dự giờ ở lớp VNEN tại trường Tiểu học Trần Cao Vân (Hớn Quản)
Về cơ sở vật chất, cũng như hầu hết các trường trong tỉnh, các lớp học và bàn ghế của trường Trần Cao Vân cơ bản theo kiểu cũ, trong khi mô hình VNEN yêu cầu mỗi lớp 1 phòng học và học 2 buổi/ngày. Nhà trường phải chọn những phòng học tạm đủ điều kiện, chọn loại bàn ghế 2 chỗ ngồi để phù hợp với việc tổ chức 7 lớp học theo nhóm. Một khó khăn nữa là nhiều phụ huynh băn khoăn về việc ngồi học theo nhóm khiến học sinh cong vẹo cột sống, nói chuyện, làm việc riêng. Có phụ huynh còn thể hiện sự không hài lòng khi ngành giáo dục cứ... lấy con em họ ra làm thí nghiệm!
Còn ở trường TH Long Hà (Bù Gia Mập), thầy Lại Văn Pha, Hiệu trưởng cho biết: đội ngũ giáo viên trong trường đều đã lớn tuổi, bình quân 45 tuổi trong khi phương pháp giáo dục theo VNEN đòi hỏi sự thích ứng nhanh và sử dụng thành thạo vi tính. Tuy nhiên, những khó khăn này đã được giải quyết khi kết thúc năm học đầu tiên của dự án.
Về sự tiếp nhận ban đầu không mấy thiện chí của phụ huynh, thầy Pha cho rằng, đây là do ở vùng nông thôn, phụ huynh ít được cập nhật thông tin và công tác tuyên truyền của ngành về mô hình giáo dục mới này còn nhiều hạn chế. Phần nữa là do sách giáo khoa và phương pháp học tập thay đổi nên phụ huynh chưa bắt kịp, gặp khó khăn trong việc hướng dẫn con em học tại nhà.
Thuận lợi là cơ bản
Theo thầy Lại Văn Pha, tất cả những băn khoăn, lấn cấn của phụ huynh đã dần được giải tỏa khi thấy ngay trong năm học đầu tiên thực hiện dự án, con em họ đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, thích chia sẻ kiến thức được học với người thân, thích khám phá những điều xung quanh trong cuộc sống.
Khi nói về mô hình VNEN, thầy Trần Văn Thường, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) cho rằng: “Mô hình đã kế thừa những mặt tích cực của mô hình học truyền thống, kết hợp với sự đổi mới về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Với mô hình VNEN, học sinh được tự học. Giáo viên chỉ đứng ra tổ chức, hướng dẫn học sinh chủ động tự học tập”. Cũng theo thầy Thường, hoạt động dạy học của giáo viên theo mô hình VNEN được thay đổi cơ bản so với dạy học truyền thống. Cụ thể là chuyển đổi từ việc thuyết trình, làm mẫu sang vai trò tổ chức, định hướng, hướng dẫn, trợ giúp phù hợp, đúng thời điểm hoạt động học của học sinh. Từ chỗ học sinh tiếp thu thụ động chuyển sang chủ động tiếp thu kiến thức qua tài liệu, môi trường xung quanh; tự học, hợp tác, thảo luận nhóm, lắng nghe, chia sẻ ý kiến; tự đánh giá bản thân, đánh giá bạn, đánh giá trong nhóm... để chiếm lĩnh kiến thức và hình thành các nhóm phẩm chất, năng lực của học sinh. Đây cũng là một quá trình điều chỉnh của bản thân người học.
Thầy Trần Thanh Thắng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) cho rằng: Mô hình trường học mới xây dựng mối liên hệ chặt chẽ, tương tác giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Học sinh có thể nhờ cha mẹ giúp đỡ để lĩnh hội kiến thức cũng như ứng dụng nội dung học vào cuộc sống hàng ngày ở gia đình, cộng đồng, giúp học sinh thụ hưởng, kế thừa những kiến thức từ cha mẹ và cộng đồng. Sự kết nối giữa chương trình học với gia đình và cộng đồng giúp học sinh được chia sẻ các hoạt động văn hóa và kiến thức bản địa.
Có thể thấy đặc trưng của phương pháp dạy học theo nhóm là học sinh phải có chính kiến riêng, đưa ra ý kiến của mình và lắng nghe ý kiến của các bạn để hoàn thiện thêm ý kiến của mình. Do vậy, học sinh được tạo nhiều cơ hội để diễn đạt, khám phá ý tưởng, mở rộng suy nghĩ và rèn luyện kỹ năng nói. Cũng từ đây các em có kỹ năng giao tiếp tốt hơn. Việc học tập tích cực trong nhóm cũng hình thành cho các em kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng ra quyết định... trước khi đưa ra vấn đề, tạo sự tương tác thân thiện giữa các bạn cùng nhóm. Tăng cường tính tích cực, chủ động, linh hoạt và học sinh thật sự tham gia vào quá trình chiếm lĩnh kiến thức.
Việc xây dựng không gian lớp học trong mô hình VNEN sinh động, gần gũi với “Góc học tập”, “Góc cộng đồng”, “Thư viện lớp học”, các hộp thư như: hộp thư “Vui”, “Cam kết”, “Điều em muốn nói”... do chính các em học sinh, giáo viên, phụ huynh cùng tham gia trang trí, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, an toàn cho học sinh. Giáo viên sử dụng không gian lớp học vào quá trình tổ chức các hoạt động, giáo dục học sinh như: Sơ đồ cộng đồng từ nhà em đến trường, Góc cộng đồng là nơi trưng bày các vật dụng, sản vật địa phương được coi như đồ dùng học tập hữu hiệu của giáo viên và học sinh hoặc giáo viên sử dụng các hộp thư để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học sinh, qua đó để điều chỉnh việc tổ chức các hoạt động cho phù hợp.
T.N
Bài 2: Nhân rộng mô hình VNEN.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065