Hết hồn với “bợm nhậu”
Nhiều lần tác nghiệp ở các điểm tuần tra kiểm tra nồng độ cồn cùng lực lượng CSGT nhưng đây là lần đầu tôi tái mặt vì bị “bợm nhậu” quậy. Thấy người say rượu quá hung hăng, CSGT thuyết phục hơn 1 giờ vẫn chưa chịu ký biên bản nên tôi phân vân có nên chụp hình hay không? Rồi đèn flash từ máy ảnh vừa sáng lên, người đàn ông đang khật khưỡng vì say rượu bỗng bật lên hùng hổ tiến về phía tôi đòi giật máy ảnh để xóa hình: “Ai cho cô chụp hình tôi, cô đã xin phép tôi chưa?... xóa ngay... xóa ngay...”. Mỗi tiếng “xóa ngay” là mỗi lần người đàn ông này chồm tới định giật máy ảnh. Nhờ sự can thiệp của cảnh sát cơ động đi cùng nên tôi được bảo vệ an toàn.
Mặc dù việc tác nghiệp trong quy định nhưng thấy tình hình căng thẳng, tôi liền cầu hòa: “Cháu xóa rồi, chú yên tâm ký biên bản đi”. Nhưng người đàn ông vẫn không tin và còn dọa thuê xã hội đen “xử” tôi.
Được sự trợ giúp của người thân, người đàn ông vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã ra về. Quay trở lại điểm kiểm soát tôi vẫn chưa hết run. Đại úy Phạm Đình Cường, cán bộ tuần tra giao thông QL14, Trạm CSGT Đồng Phú (Phòng CSGT Công an tỉnh) chia sẻ: “Phóng viên ít thấy cảnh này chứ chúng tôi gặp như cơm bữa. Nhiều người còn lăng mạ hung hăng hơn nữa. Nhiều trường hợp chúng tôi phải phối hợp công an xã, phường đưa về trụ sở. Nhưng khi tỉnh rượu lại tỏ vẻ ăn năn, xin lỗi vì uống rượu nên không biết mình hành xử như thế”.
Nhiều năm qua, Bình Phước vẫn xảy ra những vụ chống người thi hành công vụ do say rượu. Đơn cử, ngày 19-12-2016, Công an huyện Hớn Quản đã tạm giữ hình sự N.D.T (1982), trú ấp Địa Hạt, xã Thanh An (Hớn Quản) vì điều khiển xe máy có biểu hiện say rượu và tự ngã xuống đường. Khi Đội CSGT Công an huyện Hớn Quản yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra, T không chấp hành mà dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu CSGT rồi lên xe bỏ chạy. Bị cản lại, T tiếp tục hung hăng dùng gậy đuổi đánh CSGT...
Lý lẽ của “sâu rượu”
Theo thống kê của lực lượng CSGT, năm 2017 toàn tỉnh đã dừng kiểm tra 94.862 phương tiện (27.519 ôtô, 67.343 xe máy); trong đó xử lý vi phạm 10.883 ôtô và 57.725 xe máy với số tiền hơn 60,646 tỷ đồng. Ngoài ra, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1.249 ôtô và 5.217 xe máy. Đặc biệt đã xử lý vi phạm nồng độ cồn 172 ôtô và 4.855 xe máy với hơn 7,872 tỷ đồng. |
40% vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Con số này cảnh báo tất cả mọi người về mối nguy phát sinh từ việc uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông. Anh N.V.T ở ấp 2, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) sau khi bị giữ xe vì vi phạm nồng độ cồn mếu máo năn nỉ cán bộ CSGT xử lý: “Em có biết uống rượu đâu, tại vì hôm nay khánh thành nên chủ nhà cứ năn nỉ, em nể làm vài ly, giờ bị phạt thế này em biết ăn nói sao với vợ đây? Cả nhà chỉ có chiếc xe này thôi anh ơi, anh cho em xin đi...”.
Nhìn anh T to khỏe vạm vỡ mà mắt rơm rớm thật khó tin. Quay sang tôi anh phân trần, giọng nghèn nghẹn: “Vợ gọi từ nãy đến giờ 3 cuộc rồi mà em đâu dám nghe máy. Hôm nay về tay không thế này, vợ nhằn em chết mất”. Biết mình không chỉ bị giam xe mà theo Nghị định số 71 còn bị phạt 2-3 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn 0,426mg/l hơi thở, anh T thở dài: “Vậy là đi “tong” 10 ngày công thợ hồ của tôi rồi”. Còn N.H.Th ở phường Tân Phú (Đồng Xoài) bị CSGT đo nồng độ cồn 0,338mg/l hơi thở, lại không có chứng nhận đăng ký, giấy phép lái xe nên bị giữ xe. Biết sai, Th không phản ứng gì chỉ buồn rầu, năn nỉ xin giảm nhẹ mức phạt.
Thiếu tá Lê Đức Trình, Trạm trưởng Trạm CSGT Đồng Phú cho biết: “Ai vi phạm cũng xin được “bỏ qua” lỗi. CSGT phải cân nhắc, lỗi nhẹ thì nhắc nhở, nhưng vi phạm nồng độ cồn thì phải kiên quyết nếu mủi lòng cho qua thì còn tiềm ẩn nhiều mối nguy khi họ lưu thông trên đường. Sử dụng rượu, bia thường khiến người điều khiển phương tiện dễ hưng phấn, bốc đồng, chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích. Ngoài ra, chất cồn trong bia, rượu sẽ gây ức chế não bộ làm cho người lái xe có thể ngủ gật trong khi điều khiển xe, gây tai nạn khó lường, không chỉ nguy hiểm cho bản thân mà còn đe dọa đến sự an toàn tính mạng của người đi đường”.
Điều đáng buồn là tình trạng lạm dụng bia, rượu ở nước ta vẫn tràn lan. Năm 2017, lượng bia người Việt đã tiêu thụ là khoảng 4 tỷ lít, tăng 6% so với năm 2016, vượt trước kế hoạch đề ra tới 3 năm (!?). Cùng với đó, thông tin về các vụ tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra vẫn dày đặc trên báo chí. Vậy mà ít ai chịu hiểu, bia, rượu đang trở thành “kẻ sát nhân” giấu mặt!
Thiếu tá Lê Đức Trình cho biết thêm, trong số người vi phạm, biện hộ cho bản thân nhiều nhất vẫn là trường hợp uống rượu, bia tham gia giao thông. Xử lý người vi phạm nồng độ cồn cũng khó khăn nhất bởi rất ít người hợp tác đo nồng độ cồn. Nhưng nếu không xử lý mạnh, kiểm soát chặt chẽ thì người điều khiển phương tiện khi say rượu, bia gây tai nạn có thể cướp đi tính mạng hoặc thương tật suốt đời cho chính bản thân người điều khiển phương tiện và người khác.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065