Sau 13 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế năm 2006 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là các quy định về chức năng quản lý thuế từ đăng ký, kê khai, tính thuế, ấn định thuế, nộp thuế, xử lý tiền chậm nộp, nợ đọng thuế... chưa rõ ràng, dẫn đến thất thu thuế ngày càng tăng. Theo thống kê, năm 2015 số tiền nợ thuế ở nước ta là 76.452 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được gần 50%. Năm 2017, cả nước chỉ thu được khoảng 44.800 tỷ đồng trong tổng 73.145 tỷ đồng nợ thuế. Năm 2018, cả nước thu ngân sách đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng nhưng có gần 83.000 tỷ đồng nợ thuế.
Năm 2018, thu ngân sách ở Bình Phước đạt hơn 8.276 tỷ đồng nhưng số nợ thuế là 1.283 tỷ đồng. Trong đó, số có khả năng thu hồi chỉ khoảng 246 tỷ đồng, số không có khả năng thu khoảng 1.030 tỷ đồng. Quý 1/2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 1.742 tỷ đồng, nhưng số tiền nợ thuế đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cục Thuế đã công khai danh sách 31 doanh nghiệp có biểu hiện chây ỳ nợ thuế gần 29 tỷ đồng. Trong năm 2018, ngoài tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp ngân sách, Cục Thuế đã tổ chức cưỡng chế 1.002 lượt doanh nghiệp để thu hồi 267 tỷ đồng. Đồng thời, ngành còn sử dụng biện pháp trích tài khoản, ra quyết định thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng và đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... để thu tiền thuế còn nợ đọng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ thuế, trong đó có các chính sách, pháp luật về thuế ở nước ta còn thiếu tính nhất quán và đồng bộ dẫn đến tình trạng làm giả hóa đơn, chứng từ, doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn, lách luật để trục lợi. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, chưa đủ sức răn đe, chưa quyết liệt. Chưa có quy định, tiêu chí xóa nợ về các khoản như tiền thuê đất, tiền sử dụng đất hằng năm và các trường hợp khác, nhất là chế tài xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất, kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước... Lợi dụng những kẽ hở này, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, trốn thuế, giả thua lỗ, gian lận trong kê khai tài chính, báo cáo thuế, giải thể, đóng cửa tạm thời, chuyển giá... để né tránh hoặc trốn thuế dẫn đến nợ đọng thuế tăng cao.
Do vậy, việc Quốc hội thông qua dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vào sáng 13-6 là tín hiệu đáng mừng, vì luật mới sẽ khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế của luật cũ. Đồng thời, góp phần ngăn chặn tình trạng dây dưa, né tránh việc nộp thuế và giảm áp lực cho ngành chức năng trong hoạt động thu nộp ngân sách. Đặc biệt, khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đi vào cuộc sống sẽ không chỉ giải quyết bài toán chống thất thu mà còn là hành lang pháp lý để chống “chuyển giá”, tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065