BP - Loáng cái đã hết hè. Vừa mới chớm thu, tiết trời đã khang khác. Nắng vàng hơn và cũng dịu hơn nhưng dịu dàng hơn cả là những cơn gió. Như vị khách lâu ngày gặp lại, những cơn gió bấc hanh hao, xạc xào trên mái lá khiến người ta nôn nao, thờ thẫn. Gió như quen như lạ. Gió phóng túng và hiền hòa. Gió gợi những niềm thương nỗi nhớ thuở ấu thơ. Đang trong những ngày áp thấp nhiệt đới, thị xã miền sơn cước như càng lạnh hơn. Mỗi sáng đi làm, chị đã phải quấn thêm chiếc khăn mỏng cho đỡ lạnh.
Chẳng hiểu sao cái se lạnh của những ngày giao mùa này lại khiến chị nhớ quê, nhớ mẹ đến thế. Nhớ ngày nhận tin mẹ bị tai biến, chị đã không thể khóc được. Mười hai ngày phép chăm mẹ tại bệnh viện là những ngày chị lo đến thắt lòng. Mẹ thiêm thiếp trên giường bệnh, xanh xao, mong manh như chiếc lá cuối thu. Mái tóc dài chấm gót ngày nào, giờ lởm chởm những nhát kéo cắt vội trong cơn nguy cấp để cứu sinh mạng mẹ. Sau cơn tai biến, mẹ thành một người khác. Đôi chân mẹ từng lội qua bao cánh đồng, chạy qua bao chợ quê, tảo tần cuốc cày, bán buôn kiếm sống nuôi bầy con khôn lớn trở nên buốt giá và nặng như một khúc cây. Đôi tay từng bươi đất nhặt cỏ suốt một đời lam lũ trên những mảnh vườn, thửa ruộng, giờ thõng thượt như một thứ đồ thừa. Thế nhưng khi nghe tiếng chị nức nở, mẹ choàng mở mắt, lẩy bẩy đưa bàn tay không bị liệt chùi nước mắt ướt nhòe trên mặt chị và thều thào dỗ dành: Đừng khóc, mẹ không sao đâu! Câu nói suốt một đời mẹ dành để làm yên lòng những đứa con. Hơn nửa cuộc đời chị và gần hết cuộc đời của mẹ, vào những lúc nguy nan nhất, mấy chị em phát khóc lên vì mẹ thì lại được nghe câu nói ấy, mẹ chẳng sao đâu!
Bên giường bệnh của mẹ, chị nhớ lại những lần chị hay đứa em trai đau ốm, lúc thì tấm mía lùi, lúc trái bắp non, mẹ dỗ dành để con ăn và uống thuốc. Nhà nghèo, mẹ bươn chải trên mấy sào ruộng khoán, như người khác, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ gạo ăn, vậy mà cả bốn đứa con đều được mẹ nuôi khôn lớn, được học hành đến nơi đến chốn và đều đã trưởng thành. Ngày chị nhận giấy báo đậu đại học, nhiều đêm mẹ không ngủ, nằm nghĩ cách làm thế nào để chị có tiền đi học. Rồi mẹ mua thiếu nợ đàn heo con để bán rẻ cho chị nhập học. Suốt bốn năm sinh viên, những bồ lúa, những lứa lợn đong đầy mồ hôi và cả nước mắt của mẹ cứ lần lượt đội nón ra đi để chị có được những đợt kiến tập, thực tập như những sinh viên khác. Có lần xót xa cho mẹ quá, chị đòi nghỉ học thì bị mẹ mắng: Thời đạn bom mình còn sống được, con đỗ đạt là báo đáp mẹ rồi!
Nhưng nào chị đã báo đáp mẹ được gì. Tốt nghiệp đại học, chị đi làm ở cơ quan nhà nước, lấy chồng, sinh con. Cuộc mưu sinh đã kéo chị đến tận mảnh đất phương Nam, cách xa mẹ hàng ngàn cây số. Rồi chị bị cuốn vào những toan tính cho cái gia đình nhỏ bé của mình như mẹ đã một đời toan tính. Bao lần nghe tin mẹ bệnh nhưng chị không thể về bởi đường xa và công việc chồng chất. Và mỗi lần gọi điện về thăm lại nghe câu nói ấy, mẹ khỏe, con đừng lo!
Đêm nay trời trở lạnh. Những đợt gió heo may cuốn những chiếc lá vàng đuổi nhau xạc xào trên đường vắng. Chị mở toang cửa sổ để đón những cơn gió bấc vào nhà, để cảm thấy cái lạnh đầu mùa hiện hữu trên da thịt, để lòng hướng về quê trong nỗi thương nhớ mẹ. Lòng chị buốt nhói khi chợt nghĩ mẹ bây giờ khác nào những chiếc lá vàng, mong manh trước những cơn gió heo may.
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065