Mấy ngày qua, dư luận lại giật mình bởi những tin liên quan đến đạo đức học đường. Sau vụ cô giáo đánh học sinh ở Lào Cai đến bầm mặt phải nhập viện thì lại có học sinh lớp 7 đánh hội đồng bạn mình chỉ vì “ghen”. Nếu được trang bị đạo đức để có lòng vị tha, tự tin vào bản thân và biết mình đang còn quá nhỏ để yêu đương thì cô bé T.P học sinh lớp 7 ở tỉnh Ninh Thuận đã không đánh bạn đến chấn động não chỉ vì dám khen “bồ” mình đẹp trai trên facebook.
Tôi rất đồng tình với ý kiến của Hoàng Lâm ở TP. Hồ Chí Minh đã bình luận trên Thanh niên online: “Chuyện học sinh đánh nhau đã xảy ra từ 10 năm về trước rồi mà vẫn chưa thấy nhà trường và Bộ Giáo dục có cách giải quyết triệt để. Viết bản tường trình, mời phụ huynh thì có gì đáng sợ chứ. Mấy đứa tụ tập bè bạn, giở thói lưu manh này chắc hẳn ở nhà cũng bướng bỉnh. Như vụ Minh Béo, lần này có may mắn được bảo lãnh về Việt Nam cũng chẳng dám tái phạm lỗi lầm nữa vì luật xử nặng làm bài học nhớ đời luôn. Như mấy đứa này, tạm giam 1 tháng ở trại cải tạo không cho về nhà thử xem có còn dám hung hăng, du côn nữa không?”. Đúng là chỉ khi pháp luật đủ sức răn đe thì “nhờn luật” không còn đất sống.
Ai cũng thuộc câu nói của Bác như một chân lý rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Rõ ràng, giá trị của con người phải bao gồm cả tài và đức. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để thành người toàn diện. Trong câu nói đó, vị trí của đức được đặt lên hàng đầu, là yếu tố quyết định. Vô dụng thì coi như bỏ đi nhưng với người “làm việc gì cũng khó” thì có nghĩa là cố gắng, nỗ lực vẫn sẽ đi đến đích. Như vậy, Bác chỉ cho chúng ta thấy đức và tài đều cần nhưng cái đức quan trọng hơn.
Thời nay, người ta đua nhau cho con em hết học chính khóa lại học thêm, từ môn này sang môn khác với mong muốn con đạt học sinh giỏi, có nhiều bằng cấp mà xem nhẹ giáo dục đạo đức. Vì lẽ đó mà không ít trẻ rất thiếu vốn sống, kỹ năng giao tiếp và sự lễ phép tối thiểu!
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh ở phường Tân Xuân (Đồng Xoài) có 2 con gái, đứa lớn học lớp 8 và đứa nhỏ học lớp 4. Chị Ngọc Ánh giãi bày: “Đứa út biết được cưng chiều nên nhõng nhẽo, mẹ phải giúp cả ăn uống, tắm rửa, khi học, mẹ cũng phải kè kè bên cạnh. Đứa lớn thì học 2 buổi, về đến nhà người đã phờ phạc, mỏi mệt, nỡ nào mẹ ép phụ việc nhà”.
Chính vì thương con với áp lực đèn sách nên đến giờ, con gái lớn của chị Ngọc Ánh chưa một lần phải vào bếp. Mẹ bảo phụ nhặt rau, quét nhà thì lóng ngóng khiến chị thấy “ngứa mắt” lại phải làm nốt... Khách đến nhà chơi, cháu cũng biết rót nước mời nhưng cũng chỉ thế là “xong nhiệm vụ” và “dán mắt” vào tivi. Kiểu “lò luyện gà công nghiệp” như gia đình chị Ánh hiện khá phổ biến. Không biết các bé sẽ “đối nhân xử thế” ra sao khi lớn lên(?!).
Giáo dục đạo đức nhằm hướng tới mục đích đào tạo những con người không chỉ có tài mà còn phải có đức, để các em trưởng thành có ích cho xã hội. Nhưng nếu chỉ gói gọn trong bộ môn Giáo dục công dân thì chưa đủ, nếu không muốn nói là rất thiếu và đơn điệu. Cùng với việc cha mẹ về nhà ít quan tâm và tiếp tục gặp sự vô cảm ngoài xã hội theo kiểu “mạnh ai nấy lo” hay “đèn nhà ai nấy rạng” và sợ liên lụy bản thân... thì bạo hành sẽ còn hoành hành.
Theo thống kê đầu năm 2015 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi trường học, tương đương khoảng 5 vụ đánh nhau trong một ngày. Cứ khoảng hơn 5.000 học sinh thì xảy ra một vụ đánh nhau, khoảng 11 ngàn học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì tội đánh nhau... Nhưng rồi vì “bệnh thành tích”, sợ tăng tỷ lệ học sinh bỏ học, người ta lại cho học sinh vi phạm trở lại trường... sau khi nhận khuyết điểm.
Tôi đồng ý với quyết định cho cô giáo ở Lào Cai nghỉ việc. Với tính cách đó thì dù có dạy giỏi, có tâm huyết cũng không nên theo nghề này. Việc giáo dục nhân cách học sinh phải từ người lớn, bắt đầu là lối sống của cha mẹ; đến trường, thầy cô phải thực sự là tấm gương và ra xã hội, “thượng tôn pháp luật” là điều ai cũng phải nằm lòng. Xã hội nhiều nhân tài là niềm tự hào nhưng sẽ là đại loạn nếu thiếu cái đức, nhất là người tài thiếu đức lại càng nguy hiểm!
An Nhiên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065