>> Bài 1: Làng bè khó khăn chồng chất
BP - Việc đánh bắt thủy sản bằng các loại ngư cụ tận diệt không chỉ là cách khai thác phản khoa học mà còn phá hủy môi sinh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, nguồn nước. Để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng phát huy hiệu quả, ngành chức năng cần sớm có những quy định cụ thể hơn đối với các loại ngư cụ khai thác đang được sử dụng trong thực tế và mạnh tay xử lý vi phạm.
GIẢI PHÁP NÀO XỬ LÝ DỨT ĐIỂM?
KHÓ KHĂN TRONG XỬ LÝ VI PHẠM
“Hiện khu vực lòng hồ thủy điện Thác Mơ thuộc địa bàn xã Đức Liễu (Bù Đăng) có hàng chục chiếc đăng chắn, được bố trí ở những vị trí có eo ngách nhỏ và sâu. Không chỉ sử dụng đăng chắn sai quy định, những đối tượng này còn dùng kích điện, thậm chí nổ mìn khai thác, dẫn đến tận diệt thủy sản. Mặc dù ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc nhưng các đối tượng xấu vẫn lén lút thực hiện vào đêm khuya. Nhiều đối tượng dùng xuồng chạy tốc độ cao đến những vị trí nước sâu và sử dụng hai loại kích điện mà dân trong nghề gọi là xiệc nóng và xiệc lạnh để bắt thủy sản. Xiệc nóng là loại kích điện thông thường, chỉ giết được cá trong phạm vi 10m. Với xiệc lạnh (còn gọi là máy ru), cá ở độ sâu 30-40m, thậm chí sâu hơn nữa cũng đều nổi lên mặt nước. Nổ mìn đánh bắt cá tuy không diễn ra thường xuyên nhưng vẫn có, chủ yếu ở khu vực đầu nguồn khi cá về sinh sản” - ông Nguyễn Văn Dũng, Tổ trưởng nhà bè thôn 10, xã Đức Liễu cho hay.
Đời sống người dân làng bè thôn 10, xã Đức Liễu (Bù Đăng) lao đao vì thủy sản bị khai thác tận diệt
Là Tổ trưởng Tổ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thôn Bình Đức I, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) nên ông Nguyễn Văn Thâu đã 2 lần được theo các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, xử lý đối tượng khai thác tận diệt. Ông Thâu cho biết: Số lượng đăng chắn và kích điện bắt được sau mỗi lần kiểm tra quá ít so với thực tế. Qua quá trình khai thác, tôi nắm được trong lòng hồ hiện có khoảng trên 20 lưới đóng đáy chắn ngang sông, còn các loại xiệc điện thì nhiều không đếm xuể.
“Không chỉ ở Đức Liễu mà ở tất cả địa bàn có lòng hồ, các đối tượng sử dụng đăng chắn khai thác tận diệt rất nhiều. Dù biết đối tượng đặt đăng đóng đáy và sử dụng kích điện nhưng chúng tôi không dám tố cáo vì sợ bị trả thù. Mong chính quyền và ngành chức năng có biện pháp xử lý kiên quyết hơn để nguồn lợi thủy sản phát triển và hạn chế ô nhiễm môi trường lòng hồ” - ông Nguyễn Văn Dũng mong muốn.
Để góp phần ngăn chặn việc đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Theo đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm Thủy sản thả con giống, tạo điều kiện cho thảm thực vật, rong rêu phát triển làm nguồn thức ăn cho tôm, cá. Các khu bảo vệ thủy sản là vùng cấm khai thác, để tôm, cá phát triển và sinh sản... Theo số liệu thống kê năm 2015, trung tâm đã thả hơn 500 ngàn con cá giống các loại xuống các khu vực lòng hồ có diện tích mặt nước lớn. |
Một bất cập nữa là, việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và quá trình thực hiện phải liên hệ nhiều cơ quan, ban, ngành và thuê ghe, thuyền của dân nên tính bảo mật không cao. Do đó, hầu hết đối tượng sử dụng kích điện không tham gia hoạt động khai thác trong thời gian đoàn kiểm tra. Mặt khác, do cả nể và sợ trả thù nên nhiều người dân biết chính xác người sử dụng kích điện nhưng không dám trình báo với chính quyền và đoàn kiểm tra, thậm chí còn bao che cho nhau.
Ông Dương Văn Thường, Phó chủ tịch UBND xã Đức Liễu cho hay: UBND xã đã phối hợp với ngành chức năng truy quét nhiều lần và yêu cầu các đối tượng tháo gỡ nhưng chưa triệt để. Bởi không biết đăng chắn của ai và khó bắt giữ vì muốn thu gom phải có đội ngũ chuyên nghiệp.
VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP
“Lòng hồ thuộc địa bàn ở hạ nguồn, không có eo ngách hay lòng suối nên hình thức khai thác tận diệt chủ yếu là sử dụng kích điện. Năm 2015, xã đã thực hiện nghiêm việc thu hồi kích điện nên tình trạng này giảm rất nhiều. Tuy nhiên, muốn người dân có ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì giải pháp tối ưu vẫn là tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác, đánh bắt thủy sản; có chính sách hỗ trợ ngư cụ thay thế; hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng...” - ông Nguyễn Minh Hóa, Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Thủy sản cho rằng: Muốn khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo đúng quy định của pháp luật, bên cạnh việc xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, đề nghị UBND huyện, thị tiếp giáp với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ các quy định trong khai thác thủy sản trên hồ chứa thuộc phạm vi quản lý và phối hợp tốt với các đoàn kiểm tra trong việc xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị UBND huyện, thị xã giao vốn cho UBND xã để hỗ trợ lực lượng công an xã tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định trong khai thác. UBND cấp xã thông báo cho cá nhân có sử dụng ghe, thuyền tham gia khai thác thủy sản đến UBND xã nơi cư trú đăng ký tàu, thuyền, ghe và các cấu trúc nổi khác, kể cả đăng ký lồng bè nuôi thủy sản để quản lý và xác định chủ sở hữu trong các trường hợp vi phạm...
Việc kiểm tra, ngăn chặn nạn khai thác tận diệt thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Phương tiện kiểm tra không có, mỗi lần tổ chức đoàn phải thuê phương tiện của dân. Thuyền, ghe thuê có công suất thấp, tốc độ di chuyển chậm và không truy đuổi kịp khi phát hiện đối tượng vi phạm. Trong khi phần lớn đối tượng hay sử dụng xuồng máy tốc độ cao. Nếu bị phát hiện, họ sẵn sàng tẩu tán tang vật và không ra mặt tại hiện trường nên rất khó xử lý. Đăng chắn được lắp đặt ngang sông, eo ngách rất chắc chắn, nếu ở trên mặt nước không thể tháo dỡ được. Muốn tháo dỡ phải thuê thợ lặn, tuy nhiên thợ lặn tại địa phương không hợp tác vì sợ trả thù. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Trung tâm Thủy sản |
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065