Theo chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh sẽ được khôi phục và xây dựng lại. Đây cũng là một phần trong dự án đường sắt xuyên Á mà Chính phủ đã cam kết trong thỏa thuận chung ASEAN. Ông Hồ Văn Hữu, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải cho biết: Nếu dự án hoàn thành, hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn. Bởi ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, dự án còn kết nối vận chuyển hành khách, hàng hóa đến các nước thuộc khối và châu Á.
NGƯỜI DÂN “DỞ KHÓC, DỞ CƯỜI”
Lợi thế và tiềm năng lớn, nhưng đến nay dự án vẫn chưa có dấu hiệu khởi động. Ông Đào Trọng Thành ở tổ 5, khu phố Phú Trọng, phường Phú Đức (TX. Bình Long) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây từ năm 1953. Tuyến đường sắt tuy đã ngưng sử dụng từ năm 1964, nhưng sau giải phóng, người dân vẫn không được phép xây dựng trên tuyến đường cũ để sau này khôi phục lại. Năm 1991, chính quyền cấp sổ trắng cho các hộ dân sống hai bên, trong đó có trừ hành lang lộ giới là phần diện tích đã được sử dụng làm đường tuyến đường sắt trước đây. Năm 2002, Nhà nước đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho chúng tôi, trong đó có trừ 20m (chiều dài) làm hành lang lộ giới, sau này cấp sổ hồng. Những hộ ở phía tây đường còn bị trừ thêm 40m làm hành lang lộ giới. Tuy nhiên, việc trừ hành lang lộ giới này người dân không được chính quyền thông báo cụ thể mà chỉ biết khi có nhu cầu vay vốn phải mang sổ đến UBND phường và phòng tài nguyên - môi trường xác nhận”.
Toàn bộ tuyến đường chạy dọc khu phố Phú Trọng nằm trên tuyến đường sắt năm xưa
Do nằm trong quy hoạch nên gia đình không được sửa chữa hay xây dựng mới. Sổ của gia đình có 300m2 thổ cư, dài 40m. “Nếu trừ hành lang lộ giới 60m, chúng tôi không còn đất ở, đất sản xuất. Có sổ nhưng tôi không thể đem thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn, trong khi không biết đến bao giờ dự án mới thực hiện. Đất đã được nhà nước giao quyền, tại sao chúng tôi lại không có quyền gì với mảnh đất của mình?” - ông Đào Trọng Thành bức xúc nói.
Ông Phạm Văn Phước cũng ở tổ 5 nói: “đất của gia đình có chiều ngang chạy dọc tuyến đường 35m, dài 37m. Gia đình đã được cấp sổ đỏ với 300m2 thổ cư, trong đó đã trừ 20m hành lang lộ giới và hàng năm phải đóng thuế đất theo quy định. Vừa rồi, để xây dựng phòng trọ cho thuê, gia đình phải làm bản cam kết với lãnh đạo phường Phú Đức là không yêu cầu đền bù nếu thực hiện dự án. Nhưng khi xây dựng, phòng quản lý đô thị lại xuống phạt không cho thi công, bắt buộc phải làm giấy phép xây dựng.
Ông Lê Ngọc Danh ở tổ 7, khu phố Phú Trọng bức xúc: Lúc đầu đất của gia đình có hơn 200m2, sau này cấp sổ đỏ chỉ còn 93m2 thổ cư. Nhà nằm ở vị trí đất trũng nên vào mùa mưa thường bị ngập nước, nhưng lại không thể sửa chữa vì nằm trong hành lang lộ giới. Năm 2002, gia đình mua thêm lô đất tại tổ 5 ngang 60m, dài 60m với 100m2 thổ cư. Theo quy hoạch, toàn bộ diện tích của gia đình bị giải tỏa. Nhà xuống cấp nhưng không được phép xây dựng, tôi phải làm nhà lá để ở và viết cam kết với phường.
Theo ông Trần Quang Vinh, Trưởng khu phố Phú Trọng, khu phố có 264 hộ với 1.200 người, trong số 8 tổ dân phố thì có 5 tổ với khoảng 2/3 số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Từ ngày giải phóng đến nay, người dân ở đây không được xây dựng, làm đường giao thông và cung cấp điện sinh hoạt. Để có con đường đi lại thuận tiện, chúng tôi phải tự đóng góp để sửa chữa, làm mương thoát nước.
MONG SỚM CÓ HƯỚNG GIẢI QUYẾT ĐỂ ĐỠ KHÓ KHĂN CHO DÂN
Tuyến đường sắt có điểm đầu là ga Dĩ An (Km0+000), điểm cuối là Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Lộc Ninh, Bình Phước) với tổng chiều dài 128,200km. Trên địa bàn Bình Phước, tuyến đường đi qua 4 huyện, thị xã (Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh và Bình Long). |
Tại buổi làm việc với Cục Đường sắt Việt Nam (ngày 21-5-2013) về việc thỏa thuận hướng tuyến dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng nêu quan điểm của tỉnh: Việc xây dựng tuyến đường sắt là rất cần thiết, tuy nhiên đơn vị tư vấn cần thiết kế hướng tuyến đường không đi qua khu dân cư và khu công nghiệp, hạn chế tối đa việc giải tỏa đền bù, bố trí tái định canh, định cư.
Ông Hồ Văn Hữu cho rằng: Tỉnh đã nhiều lần bàn bạc và khảo sát với Bộ Giao thông - vận tải nhằm hạn chế ảnh hưởng đến khu dân cư. Việc tiếp tục thực hiện dự án trên tuyến đường sắt cũ vẫn là giải pháp khả thi nhất. Nếu triển khai tuyến mới thì không bảo đảm chất lượng theo yêu cầu mà vốn đầu tư cũng sẽ tăng lên rất nhiều do đi qua nhiều đồi dốc, suối, khe với khối lượng đào đắp lớn.
Ông Nguyễn Mai Khanh, Phó chủ tịch UBND phường Phú Đức cho biết: “Sự việc trên cử tri đã nhiều lần kiến nghị trong các kỳ tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. UBND phường cũng đã phản ánh những khó khăn trong việc quản lý khu quy hoạch, đặc biệt là vấn đề xây dựng. Hiện phường đang phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn người dân xây dựng mới công trình, chờ hướng giải quyết của cấp có thẩm quyền. Những trường hợp nhà quá xuống cấp không đảm bảo cuộc sống, chúng tôi vẫn cho phép sửa chữa nhưng phải làm bản cam kết không yêu cầu bồi thường khi dự án thực hiện. Để tháo gỡ một phần khó khăn cho người dân, phường đã tạo điều kiện để các hộ khó khăn vay từ nguồn vốn đầu tư cho sản xuất - kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội và định hướng phát triển sản xuất phù hợp với việc sử dụng đất”.
Dự án đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh không thể không thực hiện. Nhưng hiện dự án đang kìm hãm sự phát triển của địa phương, nhất là trong xây dựng nhà ở và phát triển cơ sở hạ tầng. Rất mong các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông - vận tải sớm có hướng giải quyết cụ thể để người dân yên tâm làm ăn, ổn định đời sống.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065