NỖI LO TÁI ĐÀN
Bình Phước hiện có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, 225 trại chăn nuôi tập trung, 72 trang trại ứng dụng công nghệ cao với tổng 797.342 con heo, sản lượng 71.686 tấn. Với trang trại nuôi heo tập trung, tái đàn sau khi tiêu độc, khử trùng đúng quy trình không quá khó, nhưng hầu hết hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì chưa bao giờ điêu đứng, thậm chí kiệt quệ như lúc này. Hộ chăn nuôi không chỉ thiệt hại kinh tế, hết vốn để khôi phục sản xuất do “cơn bão” dịch bệnh đi qua mà còn băn khoăn không rõ mầm bệnh đã được tận diệt hay còn tiềm ẩn nên nỗi lo tái đàn càng thêm đau đáu…
Hụt hẫng
Ông Lê Văn Bì (1950) từ An Giang lên Bình Phước lập nghiệp năm 1988. Bên cạnh khai phá đất hoang hóa trồng trọt “lấy ngắn nuôi dài”, ông Bì chọn “muốn khá nuôi heo” để phát triển kinh tế nông hộ và gắn bó với vật nuôi quen thuộc gần 30 năm qua. Nhưng rồi “cơn bão” dịch tả heo châu Phi quét qua, gia đình ông phải tiêu hủy 56 con heo lớn nhỏ, trong đó có 12 heo nái, 21 heo thịt, còn lại heo con, thiệt hại khoảng 4 tấn.
Nhiều hộ chăn nuôi heo mong được tái đàn trở lại. Trong ảnh, một nông hộ có kinh tế khá lên nhờ chăn nuôi khi chưa có bệnh dịch tả heo châu Phi tại địa bàn huyện Hớn Quản
Ông Bì cho biết: “Gia đình tôi mới đầu tư chuồng trại 700 triệu đồng dự tính nuôi hết tết sẽ trả xong nợ. Vậy mà dịch tả heo châu Phi bất ngờ ập tới. Một phần may mắn do bị dịch muộn hơn nhiều hộ trong xã (ấp 6, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) nên gia đình đã kịp thời bán những con heo khỏe mạnh, kể cả 20 con chuẩn bị cho phối làm heo mẹ cũng bán ngay nên thu được 300 triệu đồng. Gia đình tôi phất lên nhờ nuôi heo, gần 30 năm qua chưa bao giờ để trống chuồng như bây giờ, xót xa lắm! Mỗi lần đi qua chuồng heo lại thấy bứt rứt, hụt hẫng”.
Hơn 1 tháng qua, toàn bộ chuồng trại của gia đình ông Lê Trung Huỳnh ở ấp 8, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành phải để trống. Hai ngày 1 lần, ông Huỳnh lại xịt thuốc khử trùng và rắc vôi bột với mong chờ đến ngày an toàn để tái đàn. “Chuồng trại nhà tôi dọn dẹp rất sạch. Khi nuôi được trang bị hệ thống biogas, không có mùi hôi, vậy mà vẫn “dính” dịch. Virus phát tán trong môi trường, mình đâu có ngăn được...” - ông Huỳnh trăn trở.
Hơn 20 năm nuôi heo, chưa bao giờ gia đình bà Trần Thị Thu ở ấp Phước Tân, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú lại chứng kiến cảnh heo bệnh cả đàn phải đem đi tiêu hủy như vừa qua. Gia đình bà Thu vẫn chưa hết xót xa vì thiệt hại kinh tế quá lớn khi phải chôn lấp 52 con cả heo nái và heo thịt với tổng trọng lượng 4,5 tấn.
Tái đàn - tiến thoái lưỡng nan
Tháng 6-2019, đàn heo của gia đình ông Lê Trung Huỳnh rải rác có biểu hiện bỏ ăn, ốm và chết, buộc phải tiêu hủy toàn bộ 33 con heo. Dịch tả heo châu Phi đã khiến gia đình ông thiệt hại nặng, đặc biệt là 4 heo nái giống đang giúp gia đình có nguồn thu đều đặn mỗi tháng. Ông bà đã dự tính dịp tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới sẽ có thêm một khoản thu nhập. Vậy mà bỗng chốc mất luôn con giống để tái đàn và “trắng” luôn cả số heo con.
Hộ ông Lê Văn Bì ở ấp 6, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành canh cánh nỗi lo tái đàn sau nhiều tháng “phơi chuồng” vì dịch tả heo châu Phi
Ông Huỳnh cho biết: “Bây giờ, để tái đàn thì vấn đề tài chính là đáng lo nhất. Heo hết sạch nên phải dựa vào nguồn thu từ hơn 1 ha cây cao su để tạm ổn định cuộc sống. Gần 40 năm qua, tôi luôn có vài chục con heo trong chuồng, nay trống chuồng thế này buồn lắm. Nhưng không dám tự phát nuôi lại. Con giống có thể đầu tư được nhưng chất lượng làm sao kiểm định? Nhỡ lại nhiễm bệnh thì tiền đầu tư cám, rau và công chăm sóc lại “đổ sông, đổ biển”. Chúng tôi chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ con giống đảm bảo chất lượng để tái đàn, vì nông dân không thể bỏ chăn nuôi được”.
Trong đợt dịch bệnh vừa qua, gia đình ông Mai Duy Linh ở ấp 6, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành thiệt hại nhiều nhất với 112 con heo thịt, 31 heo con, 12 heo nái tương đương 3,6 tấn heo nái và hơn 7 tấn heo thịt. Gia đình ông còn kiệt quệ vì chuyển đổi nhiều mô hình chăn nuôi, hết bò sang dê và đến heo nhưng giờ “trắng tay”. Dù được đền bù nhiều nhất xã với 284,625 triệu đồng nhưng chẳng thấm tháp gì so với mất mát và vốn đầu tư nhiều năm qua của gia đình ông. Để ngăn ngừa mầm bệnh, hiện gia đình ông Linh chỉ biết thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất, xử lý chuồng trại. Kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào chăn nuôi nên ông Linh khá băn khoăn với việc tái đàn hay chuyển hướng sang chăn nuôi loại vật khác và khi nào thì thích hợp để chăn nuôi trở lại?
Nan giải tìm heo giống chất lượng
“Chúng tôi chưa khuyến khích việc tái đàn, tăng đàn heo trở lại thời gian này. Bởi lẽ, lúc này việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc, phế phẩm nông nghiệp... giữa các vùng sẽ là nguy cơ lớn để dịch bệnh lây lan trở lại, khiến vốn đầu tư, công sức của người dân trở nên lãng phí. Người dân có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm hoặc các loại đại gia súc khác để tránh thiệt hại về kinh tế”. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo |
Sau nhiều tháng phải “phơi chuồng” do hậu quả nặng nề của dịch tả heo châu Phi, ở thời điểm hiện tại hầu hết các hộ, cơ sở chăn nuôi heo đang lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tiếp tục đầu tư tái đàn vừa gặp khó khăn về vốn, con giống vừa phải đối diện với nguy cơ dịch quay lại. Với nhiều người vẫn có thể đầu tư tiếp như ông Lê Văn Bì ở ấp 6, xã Minh Hưng, bởi gia đình còn có thu nhập từ nuôi gà Đông Tảo. Thế nhưng ông lại canh cánh nỗi lo khác. Ông Bì chia sẻ: “Đợt dịch vừa qua, gia đình tôi tổn thất lớn nhưng may mắn có con gà hỗ trợ. Tôi đầu tư chuồng trại bài bản nên vẫn muốn nuôi heo nhưng đang nghiên cứu thời điểm thích hợp. Nếu nuôi tiếp, tôi rất mong được chính quyền, ngành chức năng cùng hội nông dân các cấp quan tâm, xem xét hộ nào đủ điều kiện thì cho tái đàn và hỗ trợ giống đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, cần mở nhiều lớp tập huấn để nông dân có thêm kiến thức phòng tránh bệnh tốt hơn. Biết cách nuôi heo an toàn thì không còn lo dịch bệnh”.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, thời điểm này dịch tả heo châu Phi đã thuyên giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước nguy cơ bệnh dịch, ngành tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo các đơn vị chức năng và phối hợp chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành về công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát các xã còn dịch cũng như công bố hết dịch để tránh dịch bệnh bùng phát trở lại.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065