Thực ra, đây không phải lần đầu cánh tài xế phản ứng “cù nhầy” như thế. Cách đây chưa lâu, nhiều tài xế cũng đã áp dụng “chiêu” này đối với Trạm thu phí BOT Bến Thủy (giáp ranh giữa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh). Cuối cùng, cơ quan chức năng và nhà đầu tư BOT đã phải điều chỉnh theo hướng có lợi cho người tham gia giao thông. Lần này, tại Cai Lậy, có lẽ cách đấu tranh này cũng sẽ phát huy được hiệu quả, khi lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Tiền Giang trong buổi làm việc với Tổng cục đường bộ (Bộ Giao thông - Vận tải) vào sáng 14-8 đã kiến nghị xem xét giảm mức phí tại trạm BOT này. Mới đây nhất, chiều 4-9, Trạm thu phí Văn Lâm (Hưng Yên) trên quốc lộ 5 đã phải “xả” trạm tạm thời để tránh ùn tắc giao thông khi các tài xế dùng tiền lẻ mua vé nhằm phản đối giá vé qua trạm quá cao.
Khi quyền lợi bị xâm phạm thì phải đấu tranh, đó là điều bình thường. Bởi vì đối với chủ phương tiện nói chung và tài xế nói riêng thì 1.000 đồng với họ đều đáng quý, đừng nói đến con số cao gấp chục, thậm chí vài chục lần. Nếu phí qua trạm BOT cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp, kéo theo nhiều chi phí khác buộc phải tăng theo. Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.
Vấn đề đáng bàn ở đây là phương pháp đấu tranh. Cách dùng tiền lẻ như một hình thức để khủng bố tinh thần, đày ải nhân viên thu phí thật sự là “đòn độc”. Không thể trút giận lên nhân viên thu phí bởi đa phần họ cũng chỉ là những người làm công ăn lương. Trong khi người cần đấu tranh là ông chủ của họ. “Hành” những nhân viên thu phí đến mỏi tay, mờ mắt để đếm cả đống tiền lẻ nhàu nhĩ trong khi họ là những người vô can theo tôi là việc làm đáng trách hơn là sự đồng cảm.
Cánh tài xế “biểu tình” có thể dư thời gian để “chơi lầy” với nhà thầu, nhưng còn rất nhiều người khác cần lưu thông khẩn trương. Như vậy, cách đấu tranh ấy vô tình đã làm liên lụy, ảnh hưởng đến họ. Giả sử, trong dòng xe bị kẹt cứng, ách lại vì phải đợi nhân viên đếm tiền lẻ, có những chiếc xe cứu thương, cứu hỏa thời gian với họ tính bằng giây, sinh mạng con người phụ thuộc vào từng thao tác của nhân viên trạm BOT, chẳng phải cách đấu tranh kia đã làm hại người khác rồi sao!?
Gây áp lực để đòi quyền lợi chính đáng là điều cần được tôn trọng. Nhưng xem ra cách dùng tiền lẻ để “tra tấn” nhân viên trạm thu phí như đã xảy ra ở các trạm BOT Bến Thủy, Cai Lậy không phải là biện pháp trong thời đại văn minh. Nếu bị kẻ xấu kích động, lôi kéo nó có thể dễ trở thành “điểm nóng” và lây lan sang các trạm thu phí BOT khác như một loại virus, gây mất an ninh trật tự kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.
Ngọc Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065