Chỉ vì ngại đường xa
8 giờ 30 phút, ngày 22-8, chúng tôi đến điểm lẻ ấp 7, biết có nhà báo, các phụ huynh đồng loạt đưa con đến để bày tỏ nguyên nhân vì sao họ phản đối việc xóa bỏ điểm trường và yêu cầu chính quyền cấp trên trực tiếp về đối thoại với người dân.
Năm học 2017-2018, điểm lẻ ấp 7, Trường tiểu học Tân Lập B có 108 học sinh bậc tiểu học, phần lớn là con em của ấp Tân Hà (Tân Tiến) và 7 (Tân Lập), một số của ấp Dên Dên (thị trấn Tân Phú). Theo chủ trương của xã, huyện và Bộ Giáo dục - Đào tạo, số lượng học sinh các ấp này năm học 2018-2019 được dồn ghép về điểm chính của trường là 116 em. Trước đây, ấp Tân Hà thuộc ấp 7, xã Tân Lập, năm 2000 tách ra thành 2 ấp thuộc 2 xã với khoảng 350 hộ. Số học sinh ở đây gồm: Lớp 1 có 21 em, lớp 2 có 18 em, lớp 3 có 20 em, lớp 4 có 29 em, lớp 5 có 20 em.
Các phụ huynh trao đổi với phóng viên
Ông Nguyễn Văn Kế, đại diện phụ huynh ở đây cho biết: Chủ trương của Đảng, Nhà nước là đúng nhưng việc thực hiện của địa phương là chưa sát thực tế, bởi: Đặc thù của người dân ở đây phần lớn là công nhân cạo mủ cao su, công nhân Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, một số làm ăn xa ở các nơi khác nên thường xuyên đi sớm về trễ, không thể đưa đón con đi học 4 lượt/ngày. Trong khi đó, học sinh tiểu học không thể tự túc phương tiện đi lại để đến điểm chính, vì đường xa và nguy hiểm đến tính mạng. Nếu đi tắt qua lô cao su hơn 4km, nếu đi đường chính hơn 6km. Còn nếu học ở điểm lẻ thì không cần đưa đón, vì học sinh tự đến trường hoặc nhờ ông bà nội, ngoại đưa rước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số phụ huynh dù không phản đối và đã đưa con ra học nhưng vẫn không muốn ghép điểm trường, vì tâm lý “gần nhà vẫn hơn”. Chị Hồ Thị Nhung, công nhân cạo mủ cao su, có con học lớp 5 cho biết: Nhà ở cách điểm lẻ 1km nên những năm học trước nhờ ông bà ngoại đưa đón, nhưng từ khi chuyển sang đây, mỗi buổi sáng phải bỏ dở việc cạo mủ để đưa rước con, vì đường xa ông bà tuổi cao không thể đi được.
27/116 học sinh ra lớp
Cô Trần Thị Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Lập B cho biết: Thực hiện Thông báo số 106/TB-UBND ngày 1-2-2018 về kết luận của Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Vinh tại cuộc họp thông qua phương án xóa bỏ một số điểm trường lẻ, nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc họp như, hội đồng sư phạm, ban đại diện cha mẹ học sinh, họp phụ huynh theo từng lớp, thông báo trước cờ. Theo đó, các phụ huynh đều không đồng ý với việc dồn điểm trường với lý do chính là ngại đường xa.
Dù đã chuyển về học điểm chính nhưng học sinh vẫn ở lại điểm lẻ
Đến nay, mặc dù các ban, ngành của 2 xã Tân Lập, Tân Tiến cùng ban giám hiệu nhà trường tổ chức hội nghị tuyên truyền và đến từng hộ gia đình vận động phụ huynh cho con em đi học nhưng một số người phản đối và còn kích động, ngăn các phụ huynh khác. Hiện học sinh tựu trường từ ngày 20-8, nhưng đến sáng 22-8 chỉ có 20 trong tổng số 116 học sinh tại điểm lẻ ấp 7 cũ ra học và đến sáng 31-8 vận động thêm được 7 em ra lớp. Cụ thể, lớp 1 có 10/23 em, lớp 2 có 3/21 em, lớp 3 có 2/15 em, lớp 4 có 6/29 em, lớp 5 có 6/28 em. Theo cô Thành, ngoài số học sinh đã ra học thì trước đó khi nghe thông tin ghép điểm trường một số phụ huynh đã chủ động rút hồ sơ chuyển 5 học sinh đi nơi khác theo học, vì thế đến ngày 31-8 vẫn còn 84 em chưa ra lớp.
Trường tiểu học Tân Lập B được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp, đầy đủ trang thiết bị dạy học và được công nhận đạt chuẩn năm 2013, gồm 10 phòng học (3 phòng học cấp bốn và 7 phòng học lầu) và đầy đủ phòng học bộ môn, khối hiệu bộ, sân chơi, đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày cho cả 2 điểm trường. Trường hiện có 281 học sinh/10 lớp thuộc các thôn 5, 6, 7, 8 (Tân Lập), Tân Hà (Tân Tiến), Dên Dên (Tân Phú) và một số em ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Để chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, UBND huyện đã đầu tư hơn 300 triệu đồng sơn sửa, nâng cấp toàn bộ phòng học. Ngoài ra, thực hiện chủ trương dồn điểm trường, sắp tới sẽ đầu tư 320 triệu đồng xây thêm 1 nhà vệ sinh. Với cơ sở này, học sinh học ở đây ngoài được học thêm vi tính, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển toàn diện về đức, trí, thể mỹ, thì còn được ăn bán trú. Theo cô Thành, khi ổn định nề nếp sẽ họp phụ huynh để mở lớp bán trú theo yêu cầu. Và khi có lớp bán trú phụ huynh chỉ cần đưa rước 2 lượt/ngày. “Hiện nhà trường đang gặp nhiều khó khăn trong việc dạy và học: Trang thiết bị tại điểm lẻ không thể chuyển về điểm chính, vì học sinh giữ lại không cho mang ra khỏi lớp học. Mặt khác, học sinh ra lớp muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Mong các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường phối hợp vận động phụ huynh để họ hợp tác với nhà trường sớm đưa học sinh ra lớp. Vì ra lớp muộn các em sẽ thiệt thòi”- cô Thành nói.
Phụ huynh cần đồng hành với chính quyền
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Hùng Phi và Chủ tịch UBND xã Tân Lập Văn Tài cho biết: Việc xóa bỏ điểm lẻ ấp 7 để ghép vào điểm chính là chủ trương đúng, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1596/UBND-NC. Mục đích của việc dồn điểm trường là nâng cao chất lượng giáo dục, vì cơ sở vật chất ở điểm chính rộng rãi, khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi hơn và là trung tâm nhất của khu vực này. Hiện không chỉ điểm lẻ ấp 7 của xã mà toàn huyện còn có 11 điểm/41 điểm lẻ được xóa bỏ để dồn vào điểm chính. Trước tình trạng dân phản đối ghép điểm trường, Đảng ủy, UBND xã cũng đã phối hợp nhà trường và xã Tân Tiến tổ chức 2 hội nghị đối thoại với phụ huynh; đồng thời trực tiếp đến từng gia đình phụ huynh để tuyên truyền, giải thích. Theo đó, phần lớn phụ huynh đều đồng thuận, nhất trí cho con em ra học, tuy nhiên một số đối tượng vẫn cố tình chống đối, ngăn chặn nhiều phụ huynh khác.
Điểm lẻ ấp 7
Lãnh đạo xã Tân Lập cho rằng, việc phụ huynh phản đối là vì không ai muốn đi xa, nhưng nếu thuận với chủ trương thì không có gì là khó khăn. Bởi, từ điểm lẻ đến điểm chính chỉ khoảng 6km đường nhựa và sắp tới xã khảo sát làm đường băng qua lô cao su thì khoảng cách chỉ còn 4km, trong đó theo quy định điểm lẻ phải có khoảng cách ít nhất từ 10km trở lên. Đặc biệt, sắp tới trường mở lớp bán trú thì phụ huynh chỉ còn đưa đón 2 lượt/ngày. Ngoài ra, nếu phụ huynh đồng thuận có thể thuê xe đò đưa rước mà không cần phải đưa đón mỗi ngày. Phương án tiếp theo của xã là tiếp tục tuyên truyền vận động, đồng thời kiến nghị UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện trực tiếp đối thoại với phụ huynh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc dồn ghép điểm trường.
Hơn nữa, ngoài điểm lẻ ấp 7, Trường tiểu học Tân Lập B, thì còn nhiều điểm lẻ khác trên địa bàn cũng được xóa bỏ để dồn ghép về điểm chính như: Ấp 2 và ấp 3 của Trường tiểu học Đồng Tiến B; Suối Đôi của Trường tiểu học Đồng Tiến A; ấp Cây Cầy của Trường tiểu học và THCS Tân Hưng; ấp Thuận Tân của Trường tiểu học Thuận Lợi A; Phước Tiến, Cây Điệp, Tân Phước A của Trường mầm non Tân Phước; cây số 12 của Trường mầm non Đồng Tâm. Và mặc dù phụ hynh ở những điểm lẻ này cũng gập khó khăn như phụ huynh ở ấp 7, xã Tân Lập, nhưng tất cả đều đồng thuận với chủ trương của Trung ương, của Bộ Giáo dục - Đào tạo và của tỉnh, huyện và xã. Như vậy, việc xóa điểm lẻ là thực hiện đúng chủ trương và vấn đề còn lại các bậc phụ huynh nên vì tương lai con em mình mà đồng cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065