Đề xuất nêu trên không phải không có căn cứ, bởi nếu là lao động trực tiếp, hưởng lương khoán sản phẩm thì không ai dũng cảm đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Chúng ta cũng không thể so sánh tuổi nghỉ hưu của Việt Nam với các nước khác vì tiền lương, điều kiện làm việc và chất lượng cuộc sống của ta khác xa họ. Có một sự thật hiển nhiên là trên 50 tuổi thì lao động phổ thông, nhất là với các ngành, nghề: xây dựng, may mặc, trồng, khai thác và chế biến cao su... rất khó có cơ hội tìm việc làm trong các doanh nghiệp. Rộng hơn, nước ta đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, mọi máy móc phục vụ sản xuất đều điều khiển bằng các thiết bị điện tử, phần mềm tin học nên lao động từ 50-60 tuổi không thể bắt kịp lớp trẻ về mọi mặt.
Việt Nam cũng đang ở thời kỳ dân số vàng, mỗi năm trung bình có khoảng 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động, nhưng tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/năm, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi là 1,46%. Mặt khác, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao, nhưng thực tế sức khỏe chưa tốt, trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Với nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm, nhưng tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Trong khi đó, nhu cầu việc làm của lực lượng lao động trẻ ngày càng tăng, Nhà nước đang đẩy mạnh các chính sách tinh giảm biên chế và cải cách bộ máy hành chính.
Bình Phước cũng không nằm ngoài thực trạng nêu trên. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện số người trong độ tuổi lao động của tỉnh chiếm khoảng 58% số dân. Mỗi năm có thêm hàng ngàn người đến độ tuổi lao động, tạo sức hấp dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết là lao động phổ thông, chủ yếu làm công nhân sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, nông trường trên địa bàn tỉnh. Số lao động này rất lo lắng vì tuổi càng cao sức khỏe càng kém, nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khó đáp ứng yêu cầu công việc. Thực tế cho thấy, ở tuổi trên 50, công nhân khai thác không thể liên tục dậy sớm lên lô cạo mủ; công nhân may mặc, giày da không thể ngồi liên tục hàng chục giờ mỗi ngày; nữ giáo viên mầm non không còn đủ sức khỏe dạy học sinh nhảy múa, hát hò... Trong khi mỗi năm Bình Phước có hàng ngàn sinh viên ra trường về tìm kiếm việc làm, nhưng số có việc làm ổn định chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.
Để bộ luật đi vào cuộc sống với sự đồng thuận cao, rất mong cấp có thẩm quyền xem xét toàn diện trước khi thông qua. Trong đó, việc đề nghị mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần tính đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề... với cơ chế linh hoạt hơn.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065