Thời tôi còn là học sinh phổ thông, ngôn ngữ chính để trình bày trong các bài học là tiếng Việt và chúng tôi được học ngoại ngữ là tiếng Nga hoặc tiếng Anh, tiếng Pháp, và cũng phân biệt được rằng ngoại ngữ nào nên sử dụng trong hoàn cảnh nào. Bây giờ cùng với đòi hỏi về xu thế hội nhập, lớp trẻ được khuyến khích theo học ngoại ngữ để giao tiếp và mở rộng cơ hội việc làm thì lại có những người sử dụng ngoại ngữ không phù hợp mà chúng ta hay gọi nôm na là tiếng lóng.
Ngày nay khi vào một quán nước dành cho giới trẻ không khó khăn gì để tìm ra những câu tiếng lóng đại loại như “cậu A trông “men” không chịu được” (khen cậu bé có vẻ đẹp rất đàn ông), rồi là “style” (phong cách) của ca sĩ B hết chỗ chê”... không chỉ vị thành niên mà những người trưởng thành cũng dần chen những tiếng lóng vào câu nói thường ngày như “công ty mình làm việc rất “pro” (chuyên nghiệp), các khâu đều “auto” (tự động) hết, “mẫu áo này đang “hot” (thịnh hành) lắm nha”, “thế đi dự tiệc mà không “make up” (trang điểm) à?... nghe một hồi, người nghe như bị tung hỏa mù nếu không có kiến thức về tiếng Anh.
Nếu chỉ là những tiếng lóng xen vào giữa các câu chuyện phiếm thì cũng có thể tạm chấp nhận. Nhưng một khi đã được nói, viết ra cho cả triệu người xem trên các phương tiện thông tin đại chúng thì việc chen tiếng Việt và tiếng nước ngoài giống như ăn cơm chiên mà chan canh vậy. Tôi vẫn thường đọc một tờ báo lớn dành cho phụ nữ hàng tuần, có một tác giả tôi rất khâm phục vì có những bài viết sắc bén về các nhân vật trong giới giải trí, ấy vậy mà mới gần đây, tôi đọc bài viết của cô, viết về một cô người mẫu có những câu đọc xong tôi thấy như mắc nghẹn. Cụ thể, “câu chuyện của T “link” tới một cảm giác rất lạ”, “T rất sòng phằng trong chuyện tiền bạc nên dù đi chơi với bạn trai cô vẫn sẵn sàng “share” một phần kinh phí”, “T thường đi du lịch để “refresh” lại bản thân”. Đây không phải là những ngôn từ chính thống mà các nhà báo hay sử dụng trong bài viết của mình, tôi không hiểu vì sao những từ ngữ này lại được đan xen một cách lộn xộn như vậy?
Trong những năm gần đây, ngành giáo dục thường tổ chức cho học sinh tiểu học thi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong khi chúng ta đang dạy các em giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp về sử dụng tiếng Việt thì người lớn lại đang dần dần tây hóa tiếng Việt. Học ngoại ngữ để hòa nhập với xu thế của thế giới là cần thiết, tuy nhiên chúng ta cần sử dụng đúng cảnh, đúng người. Hãy giữ vững sự trong sáng của tiếng Việt, đừng để tạo ra một thứ ngôn ngữ lai căng mà khi người Việt nói chuyện với nhau lại phải cần đến...người phiên dịch!
Lê Thị Nam Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065