BP - Mấy ngày gần đây, báo chí và mạng xã hội đồng loạt lên tiếng về kết quả điểm thi môn Lịch sử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 quá thấp. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT thì có tới 70% bài thi môn Lịch sử dưới điểm trung bình. Cho dù có nhỉnh hơn chút ít so với kỳ thi năm 2018, nhưng điểm thi môn Lịch sử vẫn rất thấp với phổ điểm trung bình là 4,3. Cùng tình trạng chung cả nước, điểm thi môn Lịch sử của học sinh Bình Phước tại kỳ thi năm nay cũng chỉ đạt mức bình quân 4,54 điểm.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, dù đề thi môn Lịch sử không khó, nhưng điểm thi lại thấp thê thảm với phổ điểm trung bình chỉ... 3,79 điểm. Ngay sau kỳ thi, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển GS.TS Phạm Hồng Tung, chủ biên chương trình môn Lịch sử mới đã phát biểu rằng: “Điểm thi môn Lịch sử quá thấp là nỗi đau của ngành giáo dục, nhưng tôi thấy mừng vì đó là thực chất, còn hơn “mưa” điểm 10 mà không đánh giá đúng năng lực thực tế”. Nhiều người nói, đây chỉ là cách tự an ủi về một sự thất bại theo kiểu “AQ” mà thôi!
Từ cách ứng xử với môn Lịch sử...
Còn nhớ năm 2015, khi thông tin môn Lịch sử không thuộc môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP. Hồ Chí Minh) hò reo xé đề cương môn Lịch sử ném xuống sân trường. Nhiều thầy cô, chuyên gia giáo dục đã “choáng” khi chứng kiến màn “ăn mừng” của các em. Vào thời điểm ấy, rất nhiều nhà khoa học, sử học, quản lý giáo dục đã tranh luận về cái được, cái mất của việc không bắt buộc học sinh thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử. Đa phần ý kiến cho rằng nếu không đưa Lịch sử vào môn thi bắt buộc thì sẽ rất ít học sinh đăng ký thi môn này. Và như thế, các em sẽ dần rời xa môn học rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, năng lực tư duy. Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước. Bây giờ, Lịch sử đã là môn tự chọn nên vị thế của nó còn kém hơn, bởi học sinh có quyền chối bỏ không học môn này khi bước vào bậc THPT!
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh lên lớp học môn Sử (Ảnh minh họa: Sỹ Hòa)
Hãy khoan mổ xẻ những hạn chế rất dễ nhìn thấy ở việc dạy và học môn Lịch sử ở nước ta. Nào là sách giáo khoa của ta còn dài và nặng tính hàn lâm, đưa ra nhiều định nghĩa, khái niệm, tính chất, sự kiện, con số. Cách dạy phổ biến vẫn là đọc chép. Câu hỏi của các cuộc thi thì thường bắt học sinh phải học thuộc những kiến thức khó nhớ lại mau quên. Nào là môn học “kén” cả người dạy và người học... Nhưng không thể vì tất cả những lý do đó mà đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn. Tôi không phải là nhà sử học, cũng không phải nhà giáo dục, nhưng thực sự thấy bất an trước tình trạng học sinh chối bỏ môn Lịch sử.
Đến ứng xử với người dạy sử
Hai nhân vật mà tôi đề cập tới trong bài viết này đều là những người được đào tạo rất bài bản về Lịch sử và từng rất yêu môn học bị cho là khô, là khó này. Đó là em Cao Thị Thu, nhà ở xã Long Bình, huyện Phú Riềng. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Lịch sử năm 2015, Thu hào hứng cầm tấm bằng loại giỏi về Trường THPT Đồng Xoài - nơi em từng học với mong muốn được cùng thầy cô giáo của mình góp sức xây dựng ngành giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, trường không còn chỉ tiêu, các trường khác ở Đồng Xoài cũng không tuyển dụng, Thu đành về xã Long Bình với hy vọng xin vào Trường THCS Long Bình. Không được, em lại mang hồ sơ tới Trường THCS Long Hà, cách nhà 8km, vẫn không được nhận. Suốt 2 năm, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng đã cạy cục nhờ vả, chạy vạy nhiều nơi với mong muốn Thu được toại nguyện đứng trên bục giảng, nhưng mọi cố gắng của Thu cùng gia đình đã không được đền đáp.
Trường hợp thứ hai là em Nguyễn Thị Trúc Linh, nhà ở thị trấn Tân Phú (Đồng Phú). Tốt nghiệp Khoa Sử K34 Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh năm 2012 với tấm bằng loại khá, Trúc Linh trở về Bình Phước với niềm tin sẽ được nhận vào dạy tại một trường THPT ở Đồng Xoài hoặc Đồng Phú. Nhưng không được, Linh trở lại Sài Gòn và thi cao học. Năm 2014, Linh tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử thế giới. Vẫn không có một cơ hội nào ở tỉnh, Linh đành xin dạy ở trường tư tại Sài Gòn. Rồi do hoàn cảnh riêng, gia đình muốn Linh về gần nhà để tiện chăm sóc ba. Từ đây, Linh bắt đầu một hành trình vất vả đi xin việc. Mãi đến tháng 2-2016, Linh mới được tuyển vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Phú với mức lương khởi điểm 2,8 triệu đồng/tháng. Rốt cuộc, một người tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử loại giỏi, một người tốt nghiệp cao học về Lịch sử đành ngậm ngùi cất tấm bằng của mình để làm những công việc khác. Hẳn sau này, họ sẽ không ủng hộ những người thân hay bạn bè theo học chuyên ngành mà họ từng phải “trả giá”.
Học Lịch sử không phải để sau này làm nhà sử học. Học Lịch sử không chỉ để bồi đắp kiến thức mà còn bồi đắp ý thức, niềm tự hào dân tộc. Cho dù sau này có trở thành doanh nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà khoa học... thì môn Lịch sử vẫn là môn học dung dưỡng tâm hồn. Bởi thế, việc có tới 70% bài thi môn Lịch sử dưới điểm trung bình, hay mức điểm trung bình chỉ... 3,79 của kỳ thi năm trước chỉ là hậu quả của cách ứng xử với môn Lịch sử, với những người dạy Lịch sử mà thôi!
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065