Múa ballet là sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật hình thể, sự dàn dựng công phu của nhạc và lời ca, giúp người học phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, cung cấp một nền tảng vững chắc giúp diễn viên múa tiến xa hơn so với những môn múa khác. Tuy nhiên, ballet là loại hình nghệ thuật đòi hỏi diễn viên phải hội tụ nhiều tiêu chuẩn khắt khe, như thân hình thon thả, mềm dẻo và khuôn mặt xinh xắn. Để có đội hình đẹp, một tổng thể hoàn chỉnh, diễn viên chuyên nghiệp phải có thời gian dài học múa với chế độ tập luyện, ăn uống khắt khe.
ĐÁNH ĐỔI BẰNG MỒ HÔI, NƯỚC MẮT VÀ... CẢ MÁU
“Biết đến điệu múa ballet “Những con thiên nga” qua truyện tranh, truyện cổ tích về Hồ Thiên Nga, tôi thầm mơ mình sẽ trở thành một con thiên nga lộng lẫy với những điệu múa làm say lòng người. Và ước mơ đó bùng cháy khi một ngày, tôi nhìn thấy rất nhiều thiên nga đang nhảy múa trên tivi. Được cha ủng hộ đã giúp tôi có thêm nghị lực và hành trình chinh phục ước mơ trở thành một thiên nga thật sự bắt đầu” - Nguyễn Thị Ái Phương (25 tuổi), diễn viên múa ballet của Đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh cho biết.
Hội tụ đủ những tiêu chuẩn khắc nghiệt của môn nghệ thuật kén chọn này cùng với niềm đam mê ballet, Phương đã bỏ qua thời gian đẹp nhất của tuổi thơ để gắn bó trên sàn tập với mong muốn trở thành vũ công thực sự.
Phương được cha đăng ký học thử 2 tháng tại Trường múa TP. Hồ Chí Minh, sau đó tham gia kỳ thi và trúng tuyển khóa học ballet hệ 7 năm (khóa 11) của trường khi mới 10 tuổi. Đây là độ tuổi đẹp nhất cho việc huấn luyện múa ballet chuyên nghiệp vì thời điểm này cơ thể dễ uốn dẻo, xương chưa cứng nên các động tác dễ thực hiện. Phương quay cuồng với chương trình học dày đặc, gồm ballet, dân gian, tính cách, lịch sử, hiện đại, đương đại và âm nhạc. Ngày thường, ngoài giờ học ở trường phổ thông, Phương phải đến trường múa từ 18-22 giờ, còn thứ bảy, chủ nhật từ 8-22 giờ, ăn, ngủ tại trường múa.
Thi vào trường đã khó, để trở thành vũ công thực thụ lại càng khó hơn. Một động tác phải học nhiều lần, lặp đi lặp lại hằng ngày nhưng độ khó sẽ tăng lên từ từ, cuối kỳ ghép lại thành một bài thi. Các bài tập rất nặng, đòi hỏi độ khéo léo và kỹ thuật cao. Những động tác khó phải trải qua quá trình gian khổ rèn luyện mới thành công nên đôi chân thường xuyên bị rướm máu vì mang dày cứng.
Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Phi Long hướng dẫn Phương và Tuyền trên sân tập
Nhờ có tố chất và siêng năng tập luyện, năm đầu tại trường múa, Phương được chọn vào đoàn của trường tham gia liên hoan các tác phẩm nghệ thuật lần thứ 3. Với tác phẩm “Họ nhà mèo”, Phương vào vai “chuột nhắt” thành công và tiết mục đoạt giải ba. Tại liên hoan các tác phẩm nghệ thuật lần thứ 6 (năm 2006), Phương đã cùng thành viên trong đoàn mang về cho trường 8HCV, 2HCB với những tác phẩm “Mâm vàng Cửu Long”, “Suối hoa ban”... Tốt nghiệp năm 2007, Ái Phương đã làm việc chính thức và cộng tác với nhiều chương trình, sân khấu, vũ đoàn lớn, như: Trường múa TP.Hồ Chí Minh, vũ đoàn Arabeque...
Không chỉ là một diễn viên múa chuyên nghiệp, Phương còn là cử nhân marketing. Bén duyên với chàng trai Bình Phước, Phương về thị xã Đồng Xoài sinh sống năm 2011, tham gia Đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh và trở thành hạt giống ballet chủ lực của đoàn. Từ bỏ những vũ đoàn chuyên nghiệp, sân khấu lớn đến với Bình Phước - mảnh đất chưa có nhiều điều kiện, đất diễn nhưng những khó khăn này cũng không làm vơi đi niềm đam mê và ý chí nhân rộng môn nghệ thuật ballet trong Phương.
“Nghề này rất khó, nó lấy đi quá nhiều thời gian, cả tuổi thơ của một con người nhưng sự cống hiến chỉ có một giai đoạn nào đó đẹp nhất của tuổi trẻ mà thôi. Tuy nhiên, niềm đam mê múa chưa bao giờ tắt trong em. Thời gian mang thai và sinh con là lúc em khắc khoải và nhớ ballet vô cùng. Có khi bắt được khúc nhạc thường tập hằng ngày, trong em lại hiện lên những động tác múa. Giờ con đã hơn 2 tuổi, những lúc đi tập em đưa đi cùng. Được đào tạo bài bản cùng kinh nghiệm tích lũy, em sẽ truyền đạt lại cho những ai đam mê và muốn gắn bó với môn nghệ thuật này” - Phương chia sẻ.
MUỐN GẮN BÓ VỚI BALLET PHẢI CÓ NGHỊ LỰC THÉP
Không tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật múa ballet như Phương nhưng Cao Xuân Tuyền (25 tuổi) cũng là một trong những hạt giống nòng cốt của múa ballet ở Bình Phước. Tốt nghiệp ngành khiêu vũ thể thao - dance sport, Tuyền về Bình Phước với ước mơ sẽ đem môn nghệ thuật mình học ươm mầm cho những bạn trẻ yêu thích khiêu vũ. Nhưng thật bất ngờ, ngay trong lần gặp đầu tiên, Tuyền được Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Phi Long, Tổng biên đạo múa của Đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh phát hiện là hạt giống tiềm năng cho môn nghệ thuật ballet. Những kiến thức cơ bản về múa được đào tạo trong 4 năm học ngành khiêu vũ đã giúp Tuyền nhanh chóng làm quen với môn nghệ thuật kén chọn này.
Trải nghiệm thực tế 3 năm, không biết đã bao nhiêu lần Tuyền rơi nước mắt vì chấn thương bởi bài tập khắt khe như ép dẻo, nâng cao, bê, đỡ vũ công nữ... Tuy nhiên, được đào tạo nghiệp vụ bài bản cũng như bản lĩnh nghệ thuật từ nghệ sĩ Hoàng Phi Long đã giúp Tuyền trưởng thành hơn rất nhiều.
“Thiên tài ballet 99% là nhờ khổ luyện mà nên, còn 1% là tố chất. Ở Tuyền có được điều đó. Ballet đối với nữ vốn khắt khe nhưng với nam còn khắt khe hơn nhiều, đòi hỏi phải có sức mạnh thể lực để nâng đỡ vũ công nữ và sự mềm dẻo để múa. Lần đầu tiên gặp Tuyền, tôi đã nhận ra rằng Tuyền là người dành cho nghệ thuật múa, đặc biệt là ballet. Suốt ngày quần quật trên sàn, say sưa tập một mình, luyện tập đối với Tuyền là đam mê - say nghề. Ý chí rất quan trọng, ở Tuyền không những có ý chí mà còn cả tinh thần thép vượt qua đau đớn, chấn thương trong nghệ thuật” - nghệ sĩ Hoàng Phi Long cho biết.
Nếu ai yêu ballet và dám hy sinh cho ballet thì nên theo. Còn nếu ai chỉ thích thôi thì đừng, bởi từ thích đến đam mê, đi đến cuối cùng là cả một chặng đường rất khó. Nếu các vũ công nữ phải xoạc ngang và xoạc dọc được 2300 thì vũ công nam phải xoạc ít nhất 1900. Bài tập ép dẻo phải luyện tập thường xuyên, nếu không người sẽ cứng dần theo sự trưởng thành của cơ thể. Để theo đuổi môn nghệ thuật này cần nghị lực và sự kiên trì rất lớn. Những chấn thương thường gặp như bong gân, chảy máu chân vì mang giày cứng là chuyện thường. Thời gian học trở thành diễn viên múa ballet thực sự rất dài nhưng tuổi nghề lại rất ngắn, có khi chỉ bằng thời gian học.
Tuy mới về đoàn không lâu nhưng những chương trình lớn, Tuyền đều là diễn viên nam chủ đạo trong các tác phẩm múa. Do kết hợp hài hòa giữa dance sport và ballet nên không có bất kỳ động tác nào làm khó chàng vũ công trẻ này.
“Ballet như bảo bối của nghệ sĩ múa. Người nghệ sĩ chuyên nghiệp phải có kiến thức về nghệ thuật múa ballet mới biểu diễn tốt được. Sắp tới, tôi sẽ dạy múa ballet cho tất cả diễn viên múa của đoàn. Để đào tạo đội ngũ nòng cốt và chuyên nghiệp phải có kiến thức múa cơ bản, đó là ballet. Phương và Tuyền chính là những hạt giống ballet truyền thống của Bình Phước” - Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Phi Long khẳng định.
Không khí rộn ràng của mùa xuân đang tràn ngập trên những nhành cây, ngọn cỏ, lòng người lâng lâng đón xuân về. Nhưng bên trong sàn tập, những giọt mồ hôi vẫn lăn dài trên gương mặt khả ái, thanh tú, đôi mắt to trong sáng của Phương và Tuyền. Sự mệt nhọc ấy như tan biến khi đôi chân thanh thoát xoay chuyển hòa cùng tiếng nhạc của đất trời đang chuyển mình vào xuân. Từng động tác chính xác, mềm mại được Phương và Tuyền biểu diễn khẳng định, hành trình trở thành thiên nga có sự song hành của mồ hôi, nước mắt và cả máu. Hy vọng hai hạt giống này sẽ làm nảy nở môn nghệ thuật múa ballet trên quê hương Bình Phước trong ngày gần nhất.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065