67 năm về trước, đồng bào cả nước phải trải qua nạn đói kinh hoàng khiến hơn 2 triệu người dân chết. Trăn trở trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi đồng bào toàn quốc cùng tiết kiệm với mục đích “Đem gạo đó để cứu dân nghèo”. Ngày nay, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, do Bộ Chính trị phát động đã xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân có cách làm hay với những việc làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, rất đáng ghi nhận trong xã hội. Và “Hạt gạo tình thương” là một điểm hội tụ của những tấm lòng cao đẹp ấy.
HẠT GẠO NGHĨA TÌNH
Tuy là một phường của thị xã Đồng Xoài nhưng đời sống người dân Tân Thiện còn gặp nhiều khó khăn. Bởi nơi đây có nhiều khu vực trũng, thường bị thiên tai lũ lụt, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn nhiều. Nắm được những khó khăn này, nhiều năm qua, bên cạnh sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thì “Hạt gạo tình thương” chính là cách người dân đồng cảm, sẻ chia những khó khăn với cộng đồng. Từ đó, nhiều hoàn cảnh cơ nhỡ, hoạn nạn đã được kịp thời được giúp đỡ. Qua đó góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Ông Ngô Hồng Khang, Chủ tịch UBND phường Tân Thiện cho biết: “Đây là chương trình nằm trong kế hoạch nhân đạo của phường; là hành động cụ thể làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Điều này còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp của người dân đối với người nghèo tại địa bàn, qua đó cũng giúp địa phương giảm được áp lực rất lớn trong thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo”.
Những hạt gạo thể hiện tấm lòng hảo tâm của mọi người
Phước Hòa vốn là khu phố nghèo nhất của phường Tân Thiện với hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy mà người dân ở đây đã hưởng ứng tích cực phong trào “Hạt gạo tình thương”. Đợt quyên góp gạo cuối tháng 5 vừa qua, chỉ trong buổi sáng, hơn 100 hộ dân khu phố, người ít thì 2kg, người nhiều thì cả bao 25kg háo hức tới Nhà văn hóa khu phố để quyên góp. Ông Thạch Thảnh, người Khơme chia sẻ: “Đây là việc làm thiết thực giúp người nghèo bớt khổ nên tôi rất ủng hộ. Đúng như lời dạy của Bác, phải biết yêu thương, đoàn kết giúp đỡ người nghèo”.
Đời sống kinh tế hôm nay có sung túc hơn, no ấm hơn nhưng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh vẫn còn. Vì vậy, kêu gọi được những tấm lòng hướng về người nghèo như phong trào “Hạt gạo tình thương” thể hiện rõ tính nhân văn cao đẹp của người Việt Nam. Mỗi khi đi quyên góp gạo, người dân phường Tân Thiện lại nhớ tới cụ Triệu An vừa mất năm 2011. Dù 92 tuổi cụ vẫn mang 5kg gạo tới quyên góp. Mọi người thắc mắc: “Sao cụ không để con cháu đi cho đỡ vất vả? Cụ cười hồn hậu: “Tôi đi để thể hiện tấm lòng với người nghèo và nhìn vào đó mà con cháu noi theo”.
MỘT MIẾNG KHI ĐÓI...
Khi còn là cán bộ phường Tân Xuân, ông Lại Quốc Tuyển, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường đã rất tâm huyết với phong trào này, nay về Tân Thiện, ông vẫn nỗ lực duy trì. Ông Tuyển cho biết: “Khi phong trào làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đẩy mạnh theo yêu cầu gắn với việc làm thiết thực, người dân trong phường đã được tuyên truyền và hiểu rất rõ ý nghĩa cao cả của hạt gạo tình thương. Chỉ tính năm 2011, phường đã quyên góp được trên 1,7 tấn gạo, cứu trợ hàng chục hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, hoạn nạn đột xuất. Sự giúp đỡ kịp thời đó đã vực dậy nhiều số phận bất hạnh, tạo niềm tin để họ vươn lên trong cuộc sống”.
Tại khu phố Phước Hòa, chị Thạch Thị Trang khi đi góp 5kg gạo còn dẫn hai đứa con theo cùng. Tuy hai đứa bé chưa tới 10 tuổi nhưng chị muốn các con nhận thấy hành động đầy tình người qua những hạt gạo nhỏ bé để các cháu có tâm hồn cao đẹp, vị tha hơn trong cuộc sống. Ông Thạch Bé cho biết: “Mặc dù gia đình tôi không khá giả gì, nhưng bớt chút gạo tiết kiệm giúp những hộ nghèo hơn trong khu phố, tôi thấy vui lắm! Tôi mong muốn mình làm ăn khấm khá hơn để sang năm được ủng hộ nhiều hơn nữa”.
Ai cũng hiểu ý nghĩa của nghĩa cử “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chỉ một chút quan tâm, những gia đình có điều kiện hơn mở rộng tấm lòng chia sẻ giúp đỡ mà người nghèo bớt nghèo, người đói bớt đói. Mặc dù, chỉ vài ký gạo với mỗi người nhưng “góp gió thành bão”. Bà Thạch Thị Út kể lại: “Mỗi bữa nấu cơm tôi bớt lại một nắm. Đến khi khu phố kêu gọi quyên góp thì tôi đã có ngay để đem đến ủng hộ. Nhà tôi nghèo nhưng nhiều người còn nghèo hơn nên tôi muốn được chung tay giúp đỡ”.
Chính từ những tấm lòng này mà nhiều người đã cảm thấy ấm lòng khi gặp nạn. Gần đây nhất là trường hợp ông Nguyễn Văn Quý bị gãy chân do tai nạn giao thông. Biết tin, cán bộ khu phố đã kịp thời đem gạo đến hỏi thăm, động viên. Gia đình bà Thạch Quyển cũng run run khi nhận bao gạo từ tay cán bộ khu phố và phường Tân Thiện đến thăm hỏi khi bà bị bệnh. Điều những người này nhận được lớn hơn bao gạo chính là tình người ấm áp. Từ đó, họ nhận biết mình cần phải làm gì để đáp lại tấm chân tình đó mà người dân xung quanh cũng thấy hạt gạo của mình quyên góp thật giá trị.
MÔ HÌNH CẦN NHÂN RỘNG
Ông Đỗ Xuân Phượng, Chi hội trưởng cựu chiến binh khu phố Phước Hòa, thành viên Ban chấp hành Hội chữ thập đỏ phường Tân Thiện cho biết: “Nhiều hộ trong ngày giáp hạt khó khăn, nhờ những hạt gạo nghĩa tình chắt chiu mà họ thoát nghèo. Đây là phong trào thể hiện tình làng nghĩa xóm đầy nhân ái. Tuy nhiên, cả thị xã Đồng Xoài hiện chỉ có Tân Thiện là duy trì phong trào này. Tới đây, mô hình sẽ nhân rộng hơn để nhiều người cùng chung lòng giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, hoạn nạn...”.
Theo ông Lê Duy Long, Bí thư chi bộ khu phố Phước Hòa thì phong trào đạt hiệu quả cao một phần nhờ vào việc đảng viên ở đây luôn có ý thức, trách nhiệm thực hiện trước để quần chúng làm theo.
Hiện nay, xã hội tuy đã phát triển, nhiều người có thu nhập cao nhưng người nghèo vẫn còn. Nhất là vẫn còn hoàn cảnh bất hạnh, các em học sinh có nguy cơ bỏ học vì gia đình nghèo. Nếu mỗi người đồng lòng sẻ chia, hỗ trợ để “tích tiểu thành đại” sẽ giúp đỡ được rất nhiều số phận nghèo đói, bất hạnh hơn mình vươn lên ổn định cuộc sống.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065